Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Không bỏ ruộng hoang
TTH - Với kế hoạch gieo cấy vụ đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh khoảng 28 ngàn ha, ngành nông nghiệp và các địa phương quyết tâm không bỏ ruộng hoang.
Người dân xuống đồng chuẩn bị vụ đông xuân. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Cây chủ lực
Bước vào vụ lúa đông xuân trong muôn vàn khó khăn trước giá vật tư, phân bón tăng cao, nhưng trên các xứ đồng những ngày này vẫn nhộn nhịp, nông dân hồ hởi gieo cấy lúa. Đến thời điểm này, nhiều xứ đồng gieo cấy sớm đã hoàn thành, một số diện tích cũng đã nảy mầm.
Ông Lê Khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phước (Quảng Điền) bảo, dù khó khăn đến mấy cũng bám ruộng đồng sản xuất lúa. Cây lúa luôn là chủ lực, không thể thiếu đối với người dân vùng trũng Quảng Điền từ bao đời nay.
Sản xuất lúa hay bất kỳ loại cây trồng, vật nuôi nào cũng có lúc thăng trầm. Các vụ gần đây, cây lúa liên tục gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư, phân bón tăng cao, thiên tai khắc nghiệt, mưa lũ bất thường, sâu bệnh gây hại, giá sản phẩm lại thấp khiến nông dân thua lỗ. “Nhưng không vì thế mà bỏ ruộng hoang, thậm chí những lúc khó khăn như thế này cần phải nỗ lực hơn nữa. Điều quan trọng là phải thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, chuyển sang gieo cấy các loại giống chất lượng, năng suất cao và theo cánh đồng lớn, chuỗi giá trị”, ông Khai khẳng khái.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phước (Quảng Điền) Phan Thị Châu khẳng định, vụ lúa đông xuân này tại địa phương vẫn không có diện tích bỏ hoang. Tùy thuộc vào điều kiện đồng ruộng, vùng đất khác nhau để bố trí gieo cấy các giống lúa thích hợp. Trong đó, tập trung ưu tiên sản xuất các giống chất lượng cao, hướng đến liên kết, liên doanh sản xuất cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị.
Tại thời điểm này, vựa lúa Quảng Điền cũng đang bước vào mùa vụ gieo cấy vụ đông xuân. Ngành nông nghiệp huyện và các địa phương xác định lúa vẫn là cây chủ lực, từ đó tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân bám ruộng đồng để sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội. Bước tiến mới trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện là đưa nhiều giống lúa chất lượng, có giá trị kinh tế vào gieo cấy, gắn với liên kết chế biến, bao tiêu sản phẩm.
Thông qua các mô hình cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, thu hoạch... Nhiều giống lúa mới cao sản, có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như ST24, Đài thơm 8,… Đây là các giống lúa tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, có giá cao hơn nhiều so với bộ giống cũ và đã được khảo nghiệm, nhân rộng trong các vụ trước.
Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông thông tin, trong vụ hè thu 2022 có một số diện tích trên địa bàn huyện bị bỏ hoang do nhiều nguyên nhân. Vụ đông xuân này, ngành nông nghiệp cùng các địa phương vận động, hướng dẫn bà con nông dân phấn đấu gieo cấy toàn bộ diện tích.
Các hợp tác xã An Nong 1, An Nong 2, Nam Sơn, Đại Thành, Châu Thành và Đông Hưng tiếp tục thực hiện cánh đồng lớn, gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như DT100, DV108, HG12 nhằm chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, để khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang trong vụ đông xuân và các vụ tiếp theo, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực. Các địa phương trước mắt thực hiện nghiêm túc khung lịch thời vụ gieo trồng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, sử dụng các giống lúa xác nhận, chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ.
Đối với những diện tích vùng trũng, tốn chi phí đấu úng sẽ được bố trí cơ cấu nhóm giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn như TH5, PC6… để giảm chi phí đầu vụ, đảm bảo thời vụ gieo trồng. Sản xuất cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, hữu cơ, đồng thời giảm chi phí đầu tư là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường. Đối với cây lúa sẽ áp dụng các biện pháp khoa học tiến tiến như “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm tối đa giá thành, tăng năng suất, mang lại lợi nhuận cho bà con.
Trước yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, các HTX mạnh dạn tổ chức sản xuất theo hướng dồn điền, đổi thửa, ưu tiên các hộ nông dân có đủ điều kiện thuê ruộng để tập trung sản xuất quy mô lớn. Để từng bước đáp ứng điều kiện sản xuất hiện đại, ứng phó biến đổi khí hậu cần thường xuyên kiểm tra, khắc phục, tu sửa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, nâng cấp các tuyến đê bao nội đồng ở các vùng trũng như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, TP. Huế... nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp; kết hợp xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết hợp lý tại các hồ thủy lợi, thủy điện để chống ngập úng khi có mưa lớn ở thượng nguồn và mưa tập trung ở đồng bằng. Với những vùng, diện tích lúa không chủ động nguồn nước tưới, kém hiệu quả sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn như hoa màu, dưa, cây họ đậu các loại…
Ông Lê Văn Anh cho rằng, ngành nông nghiệp, các địa phương cần có biện pháp, tạo điều kiện để các hợp tác xã, nông dân có thể mua sản phẩm, vật tư nông nghiệp, phân bón trực tiếp từ nhà máy sản xuất nhằm giảm chi phí khâu trung gian. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón để kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng, phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khong-bo-ruong-hoang-a122071.html