Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn 'Nâng tầm' trái thanh trà
TTH - Dù được công nhận là một trong 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam, thanh trà là cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ mà còn là biểu trưng của ẩm thực Cố đô Huế. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ trái thành trà còn khép kín, chủ yếu bán ở dạng tươi cho thương lái.
Còn nhiều khó khăn
Toàn xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) có khoảng 50ha thanh trà của 189 hộ tham gia trồng. Trong đó, khoảng 22ha đang cho thu hoạch. Những năm qua, nhờ chính sách khuyến khích phát triển cây thanh trà, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đầu ra, trái thanh trà thực sự mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân.
Ông Nguyễn Vinh (thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa) cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi, cộng với việc được đầu tư hệ thống tưới tự động (tưới từ ngọn) nên sản lượng trái thanh trà đạt khá cao. Nếu trước đây, những vùng gò cao thiếu nước sản lượng thanh trà chỉ đạt từ 60-70 kg/cây, nay nhờ chăm sóc tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, lượng quả đạt từ 150-200kg/cây, thu nhập bình quân đạt 250-400 triệu đồng/ha.
Theo Hội Nông dân xã Dương Hòa, quy hoạch từ nay cho đến năm 2025, tại địa phương sẽ phát triển thêm 20ha cây thanh trà, bưởi da xanh tại khu vực bên triền sông Tả Trạch; TX. Hương Thủy cũng phát triển thêm 10ha thanh trà từ diện tích trồng mở rộng phân tán và cải tạo vườn tạp. Song song với phát triển diện tích sẽ từng bước nâng cao chất lượng trái thanh trà. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thanh trà hiện này chủ yếu bán tự do cho thương lái dẫn đến giá thành bấp bênh, chưa bền vững.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT&BVTV), tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt 3.260ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả có múi khoảng 1.800ha, hiện còn phân tán, khó khăn trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất. Thanh trà trồng tập trung chủ yếu những vùng phù sa, ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương… với diện tích khoảng 74ha (diện tích cho sản phẩm 436ha).
Hiện nay, việc xây dựng các hồ đập chứa nước hạn chế được lũ lụt nhưng làm mất nguồn phù sa theo lũ về bồi đắp vườn tược ven sông (mất hàm lượng mùn ở mức trung bình 1-1,5%, đạm tổng số, lân tổng số và các nguyên tố vi lượng ở mức trung bình). Nếu thủy điện xả nước thì lưu lượng ít trong khi tốc độ dòng chảy cao khiến phù sa cũng bị cuốn trôi. Thiếu phù sa bồi hàng năm không chỉ làm giảm chất lượng trái, mà còn khiến nhiều vườn thanh trà bị “già hóa”.
Thực trạng canh tác của nông hộ chủ yếu sử dụng cây giống của địa phương, nhân giống thanh trà bằng phương pháp chiết cành. Đầu tư chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, mức đầu tư chăm sóc bón phân chưa đủ, chưa hợp lý. Diễn biến bất thường của thời tiết đã làm cho nhiều diện tích thanh trà đang cho trái bị ngã đổ (đặc biệt năm 2019, 2020). Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích trung bình khoảng 0,1 – 0,2 ha/hộ, chủ yếu là vườn tạp, vườn hộ gia đình, nên việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất còn hạn chế, không hình thành nên vùng sản xuất tập trung.
Hướng đến sản xuất hàng hóa
Để tập trung phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 4/7/2019 về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025. Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích thanh trà hơn 1.058ha, diện tích cho sản phẩm 889ha.
Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh giai đoạn 2021-2025 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn thực hiện. Các đơn vị tổ chức trên địa bàn tập trung nghiên cứu về cây đặc sản thanh trà như phương pháp nhân giống thanh trà; đầu tư dự án xây dựng vườn ươm nhân giống cây ăn quả...
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho rằng, thanh trà chỉ thích ứng và cho năng suất trên các loại đất bãi bồi ven sông... Vì vậy, cần tập trung vào các địa phương có diện tích đất bãi bồi thích hợp với sinh trưởng phát triển của cây như ven sông, không phát triển diện tích trên các vùng đất không thích ứng với đặc tính sinh trưởng phát triển của cây nhằm đảm bảo giá trị nguyên vẹn của loại cây đặc sản này.
Tỉnh đã có chính sách ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với cây đặc sản thanh trà đồng bộ từ chọn tạo giống đến toàn bộ quy trình sản xuất. Bình tuyển chọn lọc, công nhận cây đầu dòng; trên cơ sở đó, sử dụng giống được sản xuất từ nguồn giống cây đầu dòng đã được công nhận, khuyến khích dùng giống cây ghép đối với các vùng trồng mới.
Tập huấn chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quản lý dịch hại, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt..., công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và thay thế dần các vườn quả giống cũ bằng các giống mới được tuyển chọn, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Các địa phương cần chú trọng công tác cải tạo, nâng cao chất lượng các vườn cây đã trồng, thiết kế bao bì, nhãn mác, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu “Thanh Trà Huế” để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nang-tam-trai-thanh-tra-a118289.html