Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Người trồng thanh trà 'chật vật' lo đầu ra

Năng suất không được cao, thời điểm thu hoạch lại ảnh hưởng của dịch COVID-19, nông dân vùng trồng thanh trà nổi tiếng Thủy Biều (TP. Huế) và nhiều vùng khác như Phong Điền, Hương Thủy phải chật vật ngược xuôi để lo đầu ra. Bên cạnh giá thấp, trở ngại lớn nhất mà người nông dân phải đối mặt là thương lái quen thuộc ở một số tỉnh thành lại nằm trong 'vùng đỏ' của dịch nên không lên đơn, nhập hàng.

Không chỉ giảm năng suất, vụ mùa thanh trà đang thời kỳ thu hoạch của bà con Thủy Biều còn gặp khó do ảnh hưởng dịch

Không chỉ giảm năng suất, vụ mùa thanh trà đang thời kỳ thu hoạch của bà con Thủy Biều còn gặp khó do ảnh hưởng dịch

Đơn đặt hàng từ ngoại tỉnh không đáng kể

Giữa tháng 9, hàng trăm nhà vườn ở vùng thanh trà nằm dọc thượng nguồn sông Hương - Thủy Biều đang vào mùa thu hoạch. Đây được xem là thời điểm lý tưởng nhất khi thu hoạch, bởi trái thanh trà vào “độ chín”. Thế nhưng, thay cho không khí nhộn nhịp, vui mừng của người dân như nhiều mùa thanh trà về trước, năm nay việc thu hoạch thưa thớt, người trồng tỏ ra lo lắng khi “đơn đặt hàng” từ các thương lái phương xa không đáng là bao.

Dọc theo các vườn thanh trà ở vùng thanh trà Thủy Biều như đường Bùi Thị Xuân, Thanh Nghị, Ngô Hà, Nguyệt Biều, Thân Văn Nhiếp, Lương Quán…, cảnh thu mua thanh trà ở các nhà vườn năm nay không sôi động như những mùa trước.

Hầu hết các hộ có vườn thanh trà ở Thủy Biều cho biết, sản lượng năm nay thấp do ảnh hưởng trực tiếp của mùa mưa lũ năm trước. Đã vậy, thanh trà năm nay cũng mất giá, chỉ còn khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, không như mọi năm, có khi lên đến 40.000 - 45.000 đồng/kg nhưng vẫn “cháy” hàng.

Quan trọng hơn, những nơi tiêu thụ thanh trà Thủy Biều với số lượng lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… năm nay lại là vùng tâm dịch nên các thương lái gần như không nhập hàng vì lo ngại khó tiêu thụ.

“Mỗi năm vườn thanh trà của tôi nhập hơn 2/3 đi các tỉnh thành từ trong Nam ra tới ngoài Bắc. Nhưng năm này thì con số ấy rất thấp, do ảnh hưởng dịch”, bà Hồ Thị Vui, chủ vườn thanh trà hơn 100 gốc ở đường Lương Quán nói. Mọi năm, các thương lái cho xe tải đến thu mua tận vườn, thì nay bà phải nhờ con cháu rao bán trên mạng, chở xuống các chợ bán.

Không riêng gì thanh trà Thủy Biều, vùng trồng thanh trà Dương Hòa (Hương Thủy), Phong Thu (Phong Điền)… cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Mai Xuân Nghi - một trong những hộ có kinh nghiệm trồng thanh trà lâu năm ở thôn An Thôn, xã Phong Thu cho biết, 150 gốc thanh trà trên diện tích 0,75 hecta của gia đình ông, mỗi năm thu về gần 150 triệu đồng.

Thế nhưng, năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm nhiều cây thanh trà bị rụng trái, cho trái nhỏ, sản lượng cũng giảm so với mọi năm, thị trường đầu ra bị bó hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, các đợt mưa lũ cuối năm 2020 đã làm cho hơn 60 cây thanh trà của gia đình bị chết dần vì vậy năm nay ông chỉ bán được gần 60 triệu đồng.

Chủ yếu “tiêu dùng nội tỉnh”

Ông Tôn Thất Kim Sơn, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Biều cho hay, chưa khi nào vụ mùa thu hoạch thanh trà ở vùng được mệnh danh là “thủ phủ” thanh trà của Huế lại gặp nhiều khó khăn như thế. Mùa mưa bão, lũ lụt cuối năm trước kéo dài khiến việc sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn hiện tại khi đã cho trái thu hoạch thì lại ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19.

Theo thống kê của ông Sơn, toàn địa bàn Thủy Biều hiện có khoảng 150 hecta trồng thanh trà, gần như nhà nào cũng trồng. Thời điểm thu hoạch vụ thanh trà thường bắt đầu từ giữa tháng 8 và kéo dài đến hết tháng 9. Nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, ông Sơn dự đoán, giá thanh trà sẽ còn giảm, lý do là vì chỉ “tiêu dùng nội tỉnh” chứ không thể nhập đi các tỉnh thành. “Trước tình hình người trồng thanh trà gặp khó khăn, chúng tôi cũng đã có ý kiến nhờ các cơ quan chức năng liên quan có phương án hỗ trợ bà con”, ông Sơn cho hay.

Ông Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thông tin, hiện phường đã nắm thông tin về thị trường thanh trà. Hiện nhiều tỉnh thành đang phong tỏa để phòng chống dịch, phương tiện vận tải di chuyển khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc đưa thanh trà đi ra các thị trường ngoại tỉnh. Trước tình hình đó, phường đã kêu gọi mọi người cùng nhau thông qua các trang thông tin, mạng xã hội… để quảng bá, hy vọng khách hàng trong và ngoài tỉnh tiếp cận và ủng hộ bà con.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thu Ngô Quang Quý cho biết, sau mùa mưa lũ năm 2020, 110/160 hecta thanh trà trên địa bàn xã bị chết. Số thanh trà còn sống đến mùa cho trái thì không năng suất như mọi năm, gặp thêm đợt dịch nên việc tiêu thụ chậm.

“Năm nay giá thanh trà vào khoảng 60-70% so với năm trước, tầm 25.000 - 30.000 đồng/kg”, ông Quý nói. Cũng theo ông Quý, bên cạnh việc người dân chủ động, linh hoạt để lo đầu ra, địa phương cũng tiến hành rà soát. Trong trường hợp ứ đọng sẽ lên phương án để hỗ trợ bà con.

Bài, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nguoi-trong-thanh-tra-chat-vat-lo-dau-ra-a104650.html