Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Nuôi heo đang gặp'bão'

Nếu ai nhìn thấy con đường bê tông mới cứng, to đẹp vắt qua những tán rừng keo tràm vùng cát Quảng Vinh (Quảng Điền) hẳn sẽ nghĩ đến sự đổi thay. Nhưng giữa khung cảnh tưởng chừng tươi mới ấy, những con người hàng ngày vẫn đang vật vã với việc tìm lối đi cho sản phẩm chăn nuôi.

Vì con heo nhiều người dân ở Quảng Vinh rơi vào cảnh nợ nần

Vì con heo nhiều người dân ở Quảng Vinh rơi vào cảnh nợ nần

“Lên... heo, xuống cũng... heo”

Nhằm đánh thức tiềm năng của vùng cát nội đồng có diện tích áng chừng 3.000 ha phân bổ ở 3 xã Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Vinh, huyện Quảng Điền có chủ trương phát triển kinh tế trang trại trên số diện tích này. Dẫn số liệu từ năm 2015 để thấy rằng chủ trương này đã thành công. Thời điểm đó, trong tổng số 83 trang trại có đến 28 trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/năm. Và mật độ trang trại rú cát tại Quảng Vinh chiếm phần lớn.

Tại Quảng Vinh, người ta nói nhiều đến con heo và những trang trại tiền tỷ. Năm 2015 trở về trước, nuôi heo như là xu hướng chủ lực của những trang trại đứng chân ở vùng rú cát này. Họ bắt đầu cuộc làm ăn với hàng tỉ đồng đổ vào vùng rú với ước mong “biến cát thành tiền”. Nhiều chủ trang trại đã thành công sau đó trong sự thèm muốn của các hộ dân khác xen lẫn niềm tự hào của chính quyền địa phương. Và rồi những trang trại khác tại Quảng Lợi, Quảng Thái mọc lên nhân rộng những mô hình. “Thành công chứ, đặc biệt là chăn nuôi heo. Nhờ con heo, nhiều người tậu nhà to, mua ô tô đẹp”, ông Hồ Tịnh Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh nói.

Những trảng cát tưởng chừng phỏng chân người trở thành khu trang trại ăn nên làm ra. Từ chăn nuôi heo nái, heo thịt theo phương pháp công nghiệp đến nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tất cả hầu như thành công. Những cái tên như: Nguyễn Thuận, Trần Vĩnh Cườm, Ái Hiệp… xuất hiện nhiều trên những trang báo là điển hình của nông dân sản xuất giỏi, biết chớp thời cơ, đầu tư đúng hướng.

Vì thua lỗ, một gia trại chăn nuôi tại rú cát Quảng Vinh phải “bỏ của chạy lấy người”

Vì thua lỗ, một gia trại chăn nuôi tại rú cát Quảng Vinh phải “bỏ của chạy lấy người”

Bây giờ, vẫn những con người ấy tiếp tục “cuộc chơi”. Nhưng hôm nay, rú cát Quảnng Vinh đang một màu bạc thếch, dài hun hút; keo tràm khô cháy giữa thiên nhiên khắc nghiệt, người nuôi heo đang loay hoay, quẫn trí. “Ít lắm anh ơi, người nuôi chừ như bỏ heo luôn rồi. Trước đây, dọc theo con đường này hàng chục chiếc xe tải thu mua heo qua lại nhưng chừ hung lắm ngày một chuyến”, bà bán nước ven đường thở dài, cùng với đó những nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ chăn nuôi bà bày bán cũng phủ một màu bụi mù.

Rất dễ nhận thấy những trang trại, gia trại ở rú cát Quảng Vinh không một bóng người, những tấm bạt rách bươm cùng cánh cổng gỉ sắt. Đường sá thông thương, chỉ có điều thời con heo đang xuống, người nuôi “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Trần Thuận dù nhẵn mặt với cánh nhà báo nhưng giờ lại ngại tiếp xúc. Sự ngại ngùng không phải vì sợ lây lan dịch bệnh trên bước chân người mà ngại vì sợ bị hỏi về… con heo. “Anh hỏi cọng lông heo có còn trong chuồng không thì hợp lý hơn về quy mô tổng đàn”, ông cười buồn, rồi hồi ức về năm tháng hoàng kim của những chủ trang trại. Chính con heo giúp họ vươn tới giấc mơ làm giàu, và cũng vì heo đẩy họ rơi vào cảnh nợ nần.

“Ngoài những công ty lớn, từ năm 2016 đến nay, trang trại của những người nuôi heo tại đây liên tục thua lỗ, có người bán nhà, bán xe tái đầu từ vẫn không gỡ được. Thị trường bấp bênh, giá thịt sụt giảm; dịch bệnh liên miên khiến người nuôi điêu đứng. Lứa này lỗ tái đàn lứa khác vẫn lỗ, cụt vốn đầu tư thì chỉ còn cách bỏ luôn con heo. Tôi không cần kể tên, anh cứ dạo một vòng vùng rú cát này sẽ thấy trang trại bỏ hoang rất nhiều”, ông Thuận lý giải.

Thông tin từ Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh Hồ Tịnh Ân cho thấy, có lẽ sẽ rất lâu nữa vùng rú cát Quảng Vinh mới trở lại thuở ban đầu. “Tổng đàn bây giờ giảm đến 80%. Vì dịch bệnh các giống heo nái bị thải loại, đực giống cũng chết. Người nuôi cũng không có vốn đầu tư dẫn đến nhiều trang trại bỏ hoang”, ông Ân cho biết.

Nhiều trang trại không một bóng người

Nhiều trang trại không một bóng người

Phải liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ

Trang trại bỏ hoang, người nuôi đứt vốn nhưng những khoản nợ ngân hàng thì vẫn còn đó, chỉ một cái nhẩm tính sơ sơ của Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền Phan Văn Lự khiến ai cũng phải giật mình.

“Muốn đầu tư một gia trại 100 con heo thịt thì riêng tiền chuồng trại từ 2 - 3 triệu đồng/con. Nuôi đến lúc xuất chuồng mất 350 triệu đồng tiền thức ăn/100 con, chưa kể tiền thuốc men, nhân công chăm sóc. Như vậy, mỗi lứa heo 100 con mất phải đầu tư gần 500 triệu đồng. Thất bát một lứa còn dễ xoay xở, chứ 2 lứa trở lên mà thua lỗ thì e có nước bán nhà trả nợ”, ông Lự nói.

Về vùng rú cát Quảng Vinh thời điểm này, câu chuyện những khoản nợ ngân hàng chồng chất, ít thì trăm triệu đồng, nhiều lên đến tiền tỉ khiến ai cũng phải ngậm ngùi. Khoảng 3 năm trước, ông H.C. là một trong những hộ dân dốc hết vốn liếng đầu tư vào con heo, ông bỏ ra 2 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, 60 con heo nái ngoại. Năm 2017, chăn nuôi thua lỗ ông vẫn tiếp tục tái đàn. Năm 2018, thịt heo trượt giá. Năm 2019 dịch tả heo châu Phi bùng phát khiến ông C. trắng tay. “Nợ ngân hàng bây giờ chưa trả được. Chăn nuôi heo đang xuống dốc tui chuyển sang đầu tư nuôi gà nhưng xoay xở nguồn vốn rất khó khăn”, ông C. thở dài.

Hiện nay, ngoài trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, toàn xã Quảng Vinh có khoảng 30 trang trại, gia trại của các hộ dân nhưng hình như có hộ nào cũng nợ.

“Muốn nuôi heo quy mô lớn phải vay ngân hàng, nếu thuận lợi với cái đà phát triển bình thường vài năm họ sẽ trả được nợ, nhưng không ngờ vài năm trở lại đây gặp khó khăn nên người nuôi trở thành con nợ. Có những hộ may mắn áp dụng mô hình chăn nuôi tổng hợp, con heo không phải chủ lực thì ít lỗ. Bây giờ, một số hộ vẫn duy trì đàn heo nhưng phập phồng như ngồi trên đống lửa. Ngân hàng cần khoanh nợ, không tính lãi suất, nếu không thì các trang trại sẽ phá sản”, ông Hồ Tịnh Ân chia sẻ.

Thị trường bấp bênh, dịch bệnh lây lan khiến người nuôi điêu đứng. Cơ quan chức năng đang có những biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi thay đổi tư duy sản xuất bằng những phương pháp mới, áp dụng công nghệ, hạn chế tái đàn trong mùa dịch bệnh, nhưng nói như ông Phan Văn Lự, nuôi heo giờ như canh bạc với trời. Lúc trượt giá nếu khuyến cáo người dân hạn chế thả nuôi đến lúc tăng giá dân không có heo để bán lại “khó ăn khó nói”.

Theo ông Lự, không chỉ riêng vùng rú cát Quảng Vinh, tại Quảng Điền, kinh tế trang trại vẫn là hướng đầu tư mũi nhọn, chỉ có điều quy trình chăn nuôi sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, định hướng cho người dân liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đảm bảo đầu ra, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh. “Toàn huyện đã có 3 hộ dân liên kết sản xuất với Công ty CP Chăn nuôi CP với quy mô 1.000 con/hộ. Chúng tôi đang khuyến khích hướng đi này. Người dân cần áp dụng phương thức nuôi công nghệ cao, sản xuất giống phù hợp, kết hợp trồng trọt. Bây giờ, huyện có chủ trương không giao đất mà ai muốn đầu tư cần phải kế hoạch và quy trình phù hợp được thẩm định mới cho phép đầu tư chăn nuôi, điều này sẽ hạn chế việc lãng phí đất đai và rủi ro”, ông Lự thông tin.

Rú cát Quảng Vinh đang gặp “bão tố”, những trang trại hàng trăm triệu đồng chơ vơ giữa tán keo tràm. Chấp nhận theo đuôi con heo, người nuôi còn phải đi trên con đường gập ghềnh trăm lối. Thế mới nói, nếu muốn làm ăn lớn cần phải tính toán kỹ, một chút may mắn và nhất là phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, ứng dụng được công nghệ cao mới có thể hy vọng đời sẽ sang trang.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nuoi-heo-dang-gapbao-a77546.html