Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Phú Lộc trồng lúa hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Tại huyện Phú Lộc, mô hình trồng lúa an toàn được triển khai cho thấy hiệu quả bước đầu.

Nông dân Phú Lộc thu hoạch lúa

Nông dân Phú Lộc thu hoạch lúa

Giá thành cao gần gấp đôi

Ông Phạm Văn Đào, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Lộc thông tin, tại Phú Lộc, mô hình trồng lúa hữu cơ được triển khai thí điểm với tổng diện tích 5ha và được người nông dân tham gia tích cực.

Ông Hoàng Minh Tiến, nông dân trồng lúa ở HTX Đại Thành, xã Lộc An cho biết, sau khi được tham gia lớp tập huấn về mô hình trồng lúa hữu cơ, bản thân ông thấy những lợi ích lâu dài và có lợi cho sức khỏe con người khi sử dụng gạo hữu cơ, đặc biệt là chính sức khỏe của gia đình nên ông là một trong những nông dân tích cực tham gia.

Vụ hè thu năm 2019, gia đình ông Tiến tiến hành gieo trồng hơn 0,8 ha lúa hữu cơ. Quá trình trồng, ông Tiến chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma. Khi chăm sóc, hoàn toàn không bơm thuốc trừ sâu, không bơm thuốc diệt cỏ, không bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, vụ mùa thí điểm đầu tiên không thuận lợi vì thời tiết nắng nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá cao, 46 tạ/ha. Dù năng suất có thấp hơn so với lúa trồng đại trà (trung bình toàn huyện là 54 tạ/ha), nhưng đổi lại giá thành lại rất cao. Với lúa đại trà, thương lái chỉ thu mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg, với lúa trồng hữu cơ được thu mua với giá cao gần gấp đôi, khoảng 10.000 đồng/kg. Một thuận lợi khác là lúa được bao tiêu hoàn toàn, người dân không còn lo lắng trong việc tiêu thụ.

Bài toán tiêu thụ khi nhân rộng

Sở NN&PTNT nhận định, việc chuyển đổi mô hình sản xuất lúa hữu cơ là điều tất yếu, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, giúp người dân nắm bắt được quy trình sản suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Ông Phạm Bong, Kỹ sư nông nghiệp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lộc phân tích, lợi thế khi áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ giúp lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Việc trồng lúa hữu cơ cũng giúp cân bằng hệ sinh thái, sản xuất có tính chất bền vững.

Ông Phạm Văn Đào cho biết, UBND huyện Phú Lộc đã ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm về việc đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện. Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm giúp đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cung cấp, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi. Trên cơ sở vùng sản xuất nông nghiệp đã quy hoạch, hai bên cùng hợp tác đầu tư sản xuất.

Thực tế đã cho thấy hiệu quả bước đầu từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vấn đề còn lại là bài toán về đầu ra. Hiện nay, phía Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chỉ mới cam kết bao tiêu diện tích 5ha thí điểm, khi nhân rộng mô hình cần có thêm những đầu mối thu mua.

Để phát triển mô hình này hiệu quả hơn, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/phu-loc-trong-lua-huu-co-a78179.html