Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Ứng dụng Chitosan oligosaccharide phục vụ chăn nuôi gà
Đó mục tiêu của dự án (DA) khoa học 'Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng Chitosan oligosaccharide (COS) phục vụ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế' được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành lập hội đồng nghiệm thu vào sáng 7/1.
DA do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh và KS.Phạm Đăng Khoa chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 9/ 2020 đến tháng 8/2022 với nguồn kinh phí gần 1,9 tỷ đồng; trong đó vốn sự nghiệp KH&CN 1,1 tỷ đồng.
DA đã tiến hành khảo sát nghiên cứu có sự tham gia của người dân ở thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Điền.
Trên cơ sở đó, DA đã tiếp nhận hai quy trình công nghệ là quy trình sản xuất COS và quy trình ứng dụng COS trong chăn nuôi phù hợp với điều kiện tại địa phương.
Trong đó, quy trình sản xuất COS đã có cải tiến giai đoạn sản xuất Chitosan từ Chitin so với kết quả của đề tài "Nghiên cứu chế tạo Chitosan oligosaccharide phục vụ nuôi gà ở Thừa Thiên Huế" của PGS. TS TRần Thái Hòa-Trường đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2014.
Hiện, DA đã thành công 1 mô hình sản xuất COS tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh với diện tích 150m2, quy mô 500lít/mẻ và sản xuất được 10.200 lít COS với chất lượng tốt và cung cấp cho các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn hơn 5000 lít.
DA xây dựng mô hình ứng dụng COS trong chăn nuôi gà tại 5 trang trại ở thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Điền với quy mô 2.000 con/lứa/trang trại với tổng quy mô hơn 30.000 con.
Kiểm nghiệm thực tế khi bổ sung COS cho gà nuôi, trọng lượng gà sau 40 ngày nuôi đã tăng 100ga so với gà nuôi bình thường, gà săn chắc, ít mỡ, khách ưa chuộng...
DA đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với cán bộ ban, ngành địa phương và người dân tham gia triển khai các mô hình nuôi gà sử dụng COS; đồng thời đào tạo các kỹ thuật viên (KTV) chuyên sâu về kỹ năng sản xuất và ứng dụng COS trong chăn nuôi gà; tiến hành đào tạo KTV tại cơ sở nắm lý thuyết và thực hành pha chế phối trộn COS để cho gà ăn...
Kết quả của DA đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao với tính thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội địa phương và mong DA có các giải pháp đề xuất để nhân rộng ứng dụng vào thực tiễn không chỉ ở địa phương mà các tỉnh bạn. Ngoài ra, DA cần mở rộng và không bó hẹp trong pham vi phục vụ chăn nuôi gà mà hướng đến các loại gia súc, gia cầm khác, như vịt, lợn, bò...
Tin, ảnh: SONG MINH