Kinh tế phát tín hiệu phục hồi, nhưng cảnh báo lạm phát có thể quay lại

Các số liệu kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện, thể hiện qua tăng trưởng GDP đang tăng dần đều từ quý I đến quý III. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đưa cảnh báo về rủi ro lạm phát cũng có thể xuất hiện trở lại. Theo đó, việc quản lý dòng tiền đến đúng đối tượng, không bị 'lan man' đi vào những kênh kém hiệu quả cũng là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Xuất hiện tín hiệu tích cực

Một số tín hiệu lạc quan về nền kinh tế đã xuất hiện và điều này đặt ra kỳ vọng về sự phục hồi sẽ tiếp tục để đưa nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023, nhưng với xu hướng cho thấy tình hình đang tốt dần lên. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,28%, nhưng quý II/2023 đã nâng lên mức 4,05% và quý III/2023 cũng đã tăng lên 5,33%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cũng cho thấy có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023 và dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023.

Đây có thể coi là một số tín hiệu khá tích cực xuất hiện, thời kỳ nửa đầu năm 2023 được giới kinh doanh coi là giai đoạn rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, các số liệu kinh tế thời kỳ nửa đầu năm 2023 thể hiện rõ các yếu tố khó khăn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.

Cảnh báo lạm phát tái xuất hiện

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố tích cực tạo lực kéo nền kinh tế trong quý III/2023 là sự phục hồi của sức tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá vẫn đạt tốc độ tăng 7,3%.

Tuy nhiên, ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết, quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn cần được theo dõi và đánh giá khi mà hoạt động thương mại vẫn đang suy giảm, hoạt động sản xuất có thể tiếp tục mờ nhạt trong một thời gian và triển vọng phục hồi FDI vẫn chưa rõ ràng.

Số liệu đến cuối tháng 9 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 9 cũng chỉ tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Số liệu thực tế cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm kiểm soát, theo đánh giá của ông Tim Leelahaphan, áp lực về giá suy giảm sẽ tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách tập trung vào tăng trưởng. Mặc dù vậy, chính ông Tim Leelahaphan cũng cảnh báo rằng những lo ngại mới về sự trở lại của lạm phát trong nửa cuối năm có thể gây ra những tác động nhất định.

Về diễn biến dòng tiền từ kênh ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Về cho vay, tính đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, còn đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1- 6,2% so với cuối năm 2022. Giá trị tuyệt đối của vốn huy động đến cuối tháng 9 đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.

Bối cảnh hiện nay cho thấy, ngân hàng mặc dù vẫn đang rất nỗ lực các hoạt xúc tiến tín dụng, nhưng một mặt cũng vẫn rất cẩn trọng trong việc kiểm soát dòng tiền. Theo đó, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục thực hiện các cuộc họp kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, qua đó hướng đến việc tháo gỡ các khó khăn về quy trình, thủ tục, tiếp tục hạ lãi suất.

Tuy nhiên, quan điểm chung của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn cho thấy ngành Ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng để định hướng dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát an toàn hệ thống.

Nhu cầu 3 tháng cuối năm sẽ tăng

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 3 tháng cuối năm 2023, nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp và ngân hàng cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-phat-tin-hieu-phuc-hoi-nhung-canh-bao-lam-phat-co-the-quay-lai-136936-136936.html