Kinh tế phục hồi, doanh nghiệp lạc quan sản xuất, kinh doanh
Dù chịu tác động lớn của tình hình thế giới, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn đạt 6,42%. DN lạc quan với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2022.
Tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng khá
6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của xung đột Nga - Ukraine. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Thông tin tại cuộc họp sáng 29/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Dù vậy, mức tăng GDP 6 tháng qua thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%; lĩnh vực dịch vụ tăng 6,6%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%.
Cùng với mức tăng trưởng khá của tất cả các nhóm ngành, lĩnh vực, cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục chuyển dịch tích cực. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,3%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%.
Xu hướng sản xuất, kinh doanh lạc quan
Cùng với sự phục hồi nền kinh tế nói chung, tình hình đăng ký DN trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), 6 tháng đã qua của năm 2022, cả nước có 76.200 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 882.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có gần 40.700 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và DN trở lại hoạt động lên 116.900 DN.
Dù số lượng DN đăng ký mới và quay trở lại hoạt động lần đầu vượt mốc 100.000 DN, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước cũng ghi nhận 50.900 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và gần 24.100 DN ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể. Như vậy bình quân một tháng có 19.500 DN thành lập mới và quay lại hoạt động, nhưng cũng có 13.900 DN rút lui khỏi thị trường.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và phổ biến thông tin kinh tế (Tổng cục Thống kê) thông tin, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2022, cho thấy có khoảng 85% số DN bày tỏ sự lạc quan khi đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022.
Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các tổ chức, DN thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm ước tính đạt 10,06 tỷ USD, đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 5 năm (2018 - 2022). Đây là động lực quan trọng đóng vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trong nước 6 tháng vừa qua.
Làm gì để duy trì tăng trưởng?
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. “Mặc dù các bộ ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhưng kết quả 6 tháng qua chưa đạt kỳ vọng…” - bà Nga đánh giá.
Nguyên nhân theo bà Phí Thị Hương Nga là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, chất lượng - kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu thi công các dự án còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tăng cao cũng khiến tiến độ đầu tư công bị chậm.
Theo đại diện Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, trong những tháng tới, các bộ ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Quyết liệt, kịp thời hơn trong bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Bổ sung vốn cho các dự án đầu tư công. Đồng thời, chủ động rà soát, điều chỉnh, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công giữa các dự án…
Thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng cũng là giải pháp cần tính đến trong giai đoạn 6 tháng tới. Theo đó, Tổng cục Thống kê đề nghị các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Chính phủ bổ sung, hoàn thiện thể chế. Chủ động xúc tiến các hội nghị đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến phát triển khu vực DN, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá việc tăng thuần 5.600 DN mỗi tháng là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên hiện nay, khu vực DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho DN là cần thiết để các đơn vị có vốn lưu động, phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tích cực triển khai các biện pháp gia hạn, miễn thuế phí cho DN. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ các thành phần kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 185,23 tỷ USD; đưa cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 710 triệu USD.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-phuc-hoi-doanh-nghiep-lac-quan-san-xuat-kinh-doanh.html