Kinh tế Quảng Nam có nhiều khởi sắc trong 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tiếp doanh nghiệp thường xuyên, định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Cấp mới 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 124 triệu USD

Chiều ngày 9/7, trong họp báo thông báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,7%; kinh tế với đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghiệp.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ; tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I (giảm 1,5%), đạt mức tăng trưởng dương vào quý II (tăng 6,5%).

 Ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Quy mô nền kinh tế gần 59 nghìn tỷ đồng; xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố; xếp vị trí thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp vị trí thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, sau thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Định.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp tăng 4,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức đóng góp cao nhất, tăng 12%; ngành xây dựng tăng 6,1%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,8%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%.

Khu vực dịch vụ tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng 18%; trong đó: khách quốc tế đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng 27% và khách nội địa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 4%. Doanh thu du lịch đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 11% và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 9.095 tỷ đồng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đảm bảo tiến độ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,0% so với cùng kỳ.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước đều tăng về số dự án và số vốn đăng ký.

Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tiếp doanh nghiệp thường xuyên, định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cập nhật, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.

Tính đến ngày 30/6, có 588 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 3.335 tỷ đồng. Đã cấp mới 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 124 triệu USD, cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 4.245 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 198 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đã khởi sắc hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho sự phát triển trong những tháng còn lại của năm 2024.

Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 2,7%; sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi nổi, khách quốc tế tăng mạnh và sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện.

Thu, chi ngân sách nhà nước được bảo đảm theo dự toán; giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá là điểm sáng của nền kinh tế; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng mạnh về số dự án và vốn đăng ký.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo.

Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh; công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam.

Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình hình kinh tế có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp; một số nguồn thu đạt thấp.

Doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam vẫn gặp khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, công tác lập Quy hoạch chung, Quy hoạch nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kinh-te-quang-nam-dat-muc-tang-truong-duong-a672142.html