Kinh tế Quảng Nam đảo chiều tăng trưởng, thu ngân sách hơn 26.000 tỷ đồng
Theo ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kinh tế Quảng Nam trong năm 2024 phục hồi tích cực so với năm 2023. Quy mô nền kinh tế ước đạt 129.000 tỷ đồng, tốc độ tăng GRDP năm 2024 ước tính tăng 7,1% (năm 2023 âm 8,4%).
Sáng 4/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tổ chức kỳ họp cuối năm 2024 (kỳ họp thứ 28), nhiệm kỳ 2021- 2026 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 2025 và xem xét, thảo luận thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026, với bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực, 14/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh.
"Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ tập trung đánh giá những kết quả đạt được trên các lĩnh vực; công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thành các mục tiêu đề ra”, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Báo cáo tại kỳ họp, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết kinh tế Quảng Nam trong năm 2024 phục hồi tích cực so với năm 2023. Quy mô nền kinh tế ước đạt 129.000 tỷ đồng, tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn)năm 2024 ước tính tăng 7,1% (năm 2023 âm 8,4%).
Một trong những lĩnh vực kinh tế tăng mạnh nhất là công nghiệp - xây dựng tăng 12,4%, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng 13,5%.
Cơ cấu GRDP khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 33,5%; dịch vụ chiếm 34,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,91%.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với 2023. Ước thu ngân sách nhà nước là 26.000 tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán; cơ cấu nguồn thu có sự chuyển biến. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỉnh đã có nhiều sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hưng, bên cạnh các kết quả đạt được, Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của tỉnh vẫn gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới; công tác quản lý khoáng sản còn hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương còn ách tắc, chậm trễ cần được khắc phục và tháo gỡ.