Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, nhanh và bền vững
là chủ đề của Diễn đàn do Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương chiều 4/12, tại Hà Nội.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm để phát triển bền vững hệ thống bán lẻ
Sự kiện mở đầu cho chuỗi Diễn đàn Chính sách và Pháp luật thường niên, nhằm thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Diễn đàn có sự tham gia của các đại diện từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, trường đại học, doanh nghiệp bán lẻ, công ty luật, chuyên gia kinh tế...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh nhấn mạnh, hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của chúng ta đã và đang đối mặt với không ít cơ hội và thách thức. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để đổi mới và nâng cao chất lượng, dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ.
Theo Vụ trưởng Phan Văn Chinh, để phát triển hệ thống bán lẻ một cách nhanh chóng và bền vững, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, cần thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, từ đó tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.
Tiếp đó, cần tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước, nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường cũng là một yếu tố không thể thiếu; xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ và bao trùm, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng. Cuối cùng, cần thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển ngành bán lẻ.
Diễn đàn là dịp để đánh giá hiệu quả của các chính sách và pháp luật hiện hành đối với ngành bán lẻ. Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành. Những ý kiến này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành bán lẻ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, sáng tạo
Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống bán lẻ hiện đại, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thương mại trong nước. Chương trình của Diễn đàn được chia thành hai phiên thảo luận chính, tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong phát triển hệ thống bán lẻ, bao gồm: “Chính sách phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam” và “Phát triển bền vững đối với chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại”.
Tại Phiên thảo luận đầu tiên, các diễn giả đã chia sẻ các giải pháp chính sách và đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển của hệ thống phân phối, hướng đến việc tăng cường sự hiện diện và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế.
Các ý kiến đưa ra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các mô hình bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử, chuỗi cung ứng thông minh và ứng dụng công nghệ trong hoạt động bán lẻ.
Chuyển đổi số và bảo vệ môi trường trong phát triển hệ thống bán lẻ bền vững
Trong phiên thảo luận thứ hai, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tập trung phân tích các thách thức và cơ hội trong việc phát triển bền vững chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại. Các vấn đề như việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng, cũng như sự phát triển của thương mại điện tử và các nền tảng bán lẻ trực tuyến được xem là yếu tố quan trọng trong việc phát triển hệ thống bán lẻ bền vững.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn là việc nhấn mạnh giải pháp phát triển bền vững trong thương mại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và phát triển mô hình tiêu dùng xanh.
Các diễn giả cho rằng việc áp dụng các xu hướng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và các công cụ phân tích dữ liệu trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động bán lẻ, mà còn góp phần tạo ra một thị trường bán lẻ xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Diễn đàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành bán lẻ hiện đại. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản trị bán lẻ, chuyển đổi số và quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Diễn đàn kết thúc với sự đồng thuận về tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Các kết luận và khuyến nghị từ Diễn đàn sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương và các cơ quan nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước, hướng tới một nền tảng thương mại vững mạnh và bền vững cho tương lai.