Kinh tế quý II chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ

Bước sang quý II, kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực thông qua các chỉ số tăng trưởng của các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi và cũng thể hiện sự hiệu quả từ những giải pháp mà các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức khiến kinh tế trong quý II chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn cần những giải pháp để bứt phá.

Ngân hàng Vietinbank Ninh Bình tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ngân hàng Vietinbank Ninh Bình tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Hiệu quả từ những giải pháp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý I/2022, GRDP của tỉnh ước đạt trên 10.700 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ và bằng 22,21% kế hoạch năm 2022. So với mục tiêu tăng trưởng của cả năm đã đặt ra 7% là tương đối thấp.

Một số ngành kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, thương mại chịu nhiều tác động từ dịch bệnh và tình hình chính trị trên thế giới nên đã bị "đứt gãy" chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, thiếu hụt lao động, khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra dẫn đến một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: ô tô, linh kiện điện tử, phân đạm có mức sụt giảm đáng kể.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 chỉ đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 0,93% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, chỉ đạo các ngành cùng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở Công Thương đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hướng dẫn, giám sát các cơ sở, doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Phương án sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19 của đơn vị.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ cung cấp các thông tin về thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường, các nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nhiệp như: thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ukraine,…

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Thuế cũng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu cho giai đoạn sau dịch bệnh năm 2022.

Cục Thuế tỉnh đã thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp, đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để tham mưu kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ động triển khai, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách thuế và các chính sách giảm, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ và xóa tiền chậm nộp; kịp thời giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp và người nộp thuế trong quá trình thực hiện.

Kết quả: Cục Thuế tỉnh thực hiện giải đáp vướng mắc khó khăn cho 1.340 lượt, trong đó giải đáp qua điện thoại cho 847 lượt, trực tiếp tại cơ quan thuế 477 lượt và trả lời bằng văn bản 16 vướng mắc; bộ phận "một cửa" tổ chức tiếp nhận và luân chuyển 2.310 lượt hồ sơ khai thuế và các hồ sơ hành chính thuế khác do người nộp thuế trực tiếp nộp theo đúng quy định đảm bảo luân chuyển kịp thời, không để tồn đọng.

Để tăng cường nguồn vốn tín dụng cho các hoạt động phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo vốn tín dụng cho phát triển sản xuất và tiêu dùng. Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng lãi suất huy động nhằm bổ sung nguồn vốn, chủ động về nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong điều kiện kinh tế cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến 30/4 đạt 99.933 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, trong đó, số dư nợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đạt 21.730 tỷ đồng.

Tăng cường các giải pháp

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, bước sang quý II tình hình chính trị thế giới tiếp tục có nhiều biến động, nhất là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cùng với sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây ra sự thiếu hụt, chậm trễ việc cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất và tăng chí phí đối với nhiều ngành công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thiếu hụt linh kiện, vật tư, nguyện liệu đầu vào dẫn đến sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ của một số sản phẩm giảm.

Đồng thời, hiện nay tại các cửa khẩu, Trung Quốc vẫn thực hiện kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ thông quan hàng hóa rất chậm, vẫn tồn đọng nhiều phương tiện phải dừng chờ phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh.

Nhận định về khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hiện nay các doanh nghiệp đang tiếp tục nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cao nhất. Tuy nhiên, trong 3 quý còn lại việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các ngành vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức khiến kinh tế trong quý II chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn cần những giải pháp để bứt phá.

Để thực hiện tốt mục tiêu phục hồi kinh tế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, các cấp các ngành tiếp tục nghiên cứu, xem xét miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2022 và kéo dài thời gian hiệu lực của một số chính sách như: Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện cho người lao động,... để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh.

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả lương, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021.

Nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công tác xây dựng, triển khai thực hiện Phương án phục hồi sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai phòng, chống dịch bệnh; tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng để đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, khai thác có hiệu quả cơ hội thị trường xuất khẩu và đảm bảo lưu thông hàng hóa trong nước thông suốt.

Ngành Công thương tiếp tục cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường nhất là thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp nắm, chủ động xây dựng, điều chỉnh phương án phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế.

Các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung vào việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kinh-te-quy-ii-chua-the-tang-truong-manh-me/d20220515234359297.htm