Kinh tế sinh vật cảnh phát triển ổn định
Nghệ nhân SVC Trần Ích Phượng (78 tuổi) ở phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) luôn được người dân xung quanh trầm trồ bởi tuy tuổi cao vẫn
Những năm qua, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở tỉnh ta phát triển sâu rộng, doanh thu từ việc buôn bán hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật… duy trì mức khá, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.
Làm giàu từ sinh vật cảnh
Nghệ nhân SVC Trần Ích Phượng (78 tuổi) ở phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) luôn được người dân xung quanh trầm trồ bởi tuy tuổi cao vẫn “dám nghĩ, dám làm” trong phát triển kinh tế. Năm 1991, sau khi nghỉ công tác Binh đoàn 11 - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), trở về địa phương, ông Phượng bắt tay vào phát triển kinh tế từ sinh vật cảnh. Năm 1995, ông Phượng đã nhân giống thành công gần 500 chậu các loại lan Hạc đính, lan Càng cua. Thời điểm này, cùng với trồng địa lan, hoa trà, ông Phượng cũng bắt đầu quan tâm đến phong lan. Trong bộ sưu tập của ông có đầy đủ các loại phong lan như: Đai châu, Phi điệp, Hương Quế nâu, Tam bảo sắc… Hiểu rõ sự “khó tính” của từng loài hoa nên ông Phượng luôn chịu khó tìm tòi các phương pháp chăm sóc để cây sống khỏe, ra hoa đều và đúng thời điểm mong muốn. Thử nghiệm nhiều loại hoa lan và hoa trà, từ năm 1997 đến nay ông bắt đầu chuyên tâm đầu tư địa lan. Không đầu tư dàn trải, ông chọn trồng chuyên giống Hoàng vũ, vốn được người yêu lan đánh giá là “Nữ hoàng địa lan”, bởi đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, màu sắc, hương thơm. Bởi có vẻ đẹp sang trọng, quý phái nên địa lan Hoàng vũ có giá trị kinh tế cao; mỗi chậu hoa có giá từ 3 đến 20 triệu đồng tùy vào số lượng ngồng hoa. Hiện nay, vườn địa lan của ông Phượng có hơn 400 chậu trị giá nhiều tỷ đồng.
Ở xã Hải Tây (Hải Hậu), nhiều gia đình hội viên Hội SVC đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế từ mô hình nhà vườn, sản xuất kinh doanh SVC theo hướng kỹ thuật cao. Ông Hoàng Quốc Tiệm, ở xóm 11 có nhà vườn cây cảnh với tổng diện tích gần 4.000m2, ngoài phần đất thổ cư và ao thả cá, toàn bộ diện tích còn lại ông trồng cây cảnh với trên 200 cây tùng La hán, hàng trăm cây sanh Nam Điền và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nghệ nhân quốc gia Phạm Văn Giang, ở xóm 11 sở hữu khu vườn rộng 1.000m2 với tổng số 150 tác phẩm cây cảnh cỡ tiểu, cỡ trung, cỡ đại có giá trị cao, trong đó có 35 cây hội tụ đầy đủ tiêu chí “cổ, kỳ, mỹ”. Riêng cặp cây sanh Nam Điền dáng “lão mai” và “long thăng” có tuổi đời hàng chục năm được giới cây cảnh định giá tới 500 triệu đồng/cây.
Ở thị trấn Cổ Lễ, nghề trồng đào thế đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Tiêu biểu như hộ các ông Vũ Ngọc Nhạ (tổ dân phố Nam Hà), Nguyễn Duy Chiến (tổ dân phố Thượng Đền) mỗi hộ sở hữu vườn đào thế rộng trên 1.000m2 với nhiều dáng đào cổ độc đáo, mỗi năm bán hàng trăm triệu đồng. Từ năm 2011, nhận thấy thị trường cây cảnh nghệ thuật có nhiều biến động, nghệ nhân Trần Văn Bẩy ở tổ dân phố Song Khê chuyển sang sản xuất, kinh doanh các loại cây hoa trang trí, cây bóng mát. Với kinh nghiệm của một nghệ nhân nên uy tín của ông ở loại sản phẩm mới nhanh chóng được khẳng định, nhiều khách hàng mua cây hoa trang trí, cây bóng mát ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và cả Đài Loan, Trung Quốc tìm đến với ông. Hiện ông Bẩy sở hữu 2 vườn cây với tổng diện tích 5.000m2 trồng các loại như: mẫu đơn, tường vi, cây công trình, cây bóng mát với tổng giá trị hàng tỷ đồng.
Phát huy vai trò các cấp Hội Sinh vật cảnh
Ông Phạm Huy Nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội SVC tỉnh cho biết: Để phát triển kinh tế SVC theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, các địa phương, các cấp Hội SVC trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; đẩy mạnh phong trào tìm tòi, sáng tạo các loại hoa, cây cảnh đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các ngành, các cấp có những ưu đãi trong vấn đề hỗ trợ vốn và kỹ thuật định hướng cho người dân phát triển các vùng chuyên canh về SVC. Các cấp Hội SVC đã phát huy vai trò định hướng kịp thời cho hội viên trong quá trình phát triển sản xuất, tiêu thụ. Các cấp Hội SVC trong tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối, tạo cơ hội giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên phát triển đa dạng sản phẩm cây cảnh để nâng cao giá trị sản xuất SVC. Hội SVC các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các đơn vị dạy nghề mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho hội viên; kết nối tổ chức cho hội viên đem cây cảnh tham gia triển lãm SVC các tỉnh; tăng cường tổ chức hoạt động giao lưu cho hội viên tham quan các mô hình trồng cây cảnh nghệ thuật ở tỉnh bạn để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh. Tiêu biểu như Hội SVC tỉnh tham gia Festival SVC, đá quý, đá phong thủy tại Bắc Ninh với 100 tác phẩm; tham dự triển lãm SVC các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng; qua đó đã tổ chức quảng bá, mua bán thành công hàng chục tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu. Hội SVC huyện Hải Hậu tham gia triển lãm SVC ở Thanh Hóa và Quảng Ninh với hàng trăm tác phẩm. Do vậy dù kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 song thu nhập từ SVC trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức khá cao. Theo số liệu báo cáo của Hội SVC tỉnh, năm 2020 doanh thu từ SVC toàn tỉnh đạt hơn 200 tỷ đồng. Một số địa phương có phong trào SVC phát triển mạnh như huyện Hải Hậu đạt doanh thu 50 tỷ đồng, bình quân theo đơn vị diện tích canh tác 250 triệu đồng/ha/năm. Huyện Nam Trực được coi là cái nôi phong trào SVC tỉnh cũng thu nhập gần 130 tỷ đồng từ bán hoa, cây cảnh; tiêu biểu như: Điền Xá, Nam Mỹ, Nam Toàn.
Thời gian gần đây, những người trồng hoa, cây cảnh mới tiếp cận với nghề, chưa đầu tư thời gian, kiến thức về cây trồng, kỹ thuật chăm sóc; thiếu khả năng phân tích thị trường nên dốc số tiền lớn đầu tư kinh doanh các cây “sốt” dẫn đến thua lỗ... Một số nơi phong trào SVC phát triển theo dạng “bong bóng”, ham muốn lợi nhuận nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất. Để khắc phục tình trạng trên, các cấp Hội SVC tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền điều lệ Hội SVC các cấp và Chỉ thị 16/2006/CT-UB của UBND tỉnh về phát triển SVC thành một ngành kinh tế; định hướng kịp thời cho hội viên trong quá trình phát triển sản xuất, tổ chức tiêu thụ; đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị có chức năng dạy nghề tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho hội viên SVC. Đặc biệt, những người trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh nên trang bị những kiến thức, có góc nhìn tỉnh táo, cẩn trọng trước những biến động thị trường SVC trong giai đoạn mới./.
Bài và ảnh: Viết Dư