Kinh tế số - 'chìa khóa' thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong phân phối sản phẩm cũng như phương thức lựa chọn của người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, mở rộng không gian tăng trưởng tới các khách hàng trên cả nước và xuyên biên giới.

Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Doanh nghiệp tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã dần trở thành tác vụ quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.

Theo bà Nikki Baird - Phó Chủ tịch về đổi mới bán lẻ (VP, retail innovation) của Aptos, chuyển đổi số ngành bán lẻ là chuyển đổi từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Quá trình chuyển đổi số là quá trình gắn kết con người và công nghệ, thay đổi mô hình cũ của doanh nghiệp truyền thống sang mô hình vận hành hiện đại của doanh nghiệp số dựa trên những ứng dụng công nghệ mới.

Ưu tiên lĩnh vực chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ

"Để thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ, việc chuyển đổi số, lĩnh vực kinh tế số Việt Nam hãy bắt đầu từ thương mại điện tử. Thông điệp này cần được triển khai xuyên suốt trong giai đoạn tới nhằm thúc đẩy và lan tỏa kinh tế số trên cả nước". Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Còn theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương, TMĐT và chuyển đổi số đã tạo ra những thành công tại Việt Nam, giúp cho doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.

“Để thích ứng với sự chuyển dịch của nền kinh tế số và đối phó với đại dịch, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam đang hướng đến phát triển TMĐT, thay đổi mình thành các doanh nghiệp số để giảm bớt số lượng các cửa hàng bán lẻ truyền thống mà thay vào đó là tập trung phát triển các cửa hàng số” - bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, cùng với sự phát triển của TMĐT, chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ sẽ được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong lĩnh vực bán buôn, giá trị gia tăng bán buôn đạt 544 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ, chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP. Việc chuyển đổi số đang tập trung vào việc đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn và bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh số khác nhau, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chỉ ra, hiện nay các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với những hạn chế, bất lợi nếu không có sự dịch chuyển online. TMĐT và số hóa sẽ thay thế mô hình bán buôn, bán lẻ truyền thống.

Chia sẻ về thành công của TMĐT, ông Nguyễn Tất Hữu - Giám đốc chiến lược của Metric cho hay, năm 2023, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến đạt 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022 với 637.273 cửa hàng tham gia. Trong quý I/2024, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ đạt 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, hiện nay trên thế giới có khoảng 9,8 triệu cửa hàng bán lẻ online (etailer), con số này tại Mỹ là 2,2 triệu cửa hàng. Trong xu hướng bán hàng trực tuyến đa kênh, website chính là trụ sở chính danh của các cửa hàng trên Internet. Thông qua website có thể tích hợp các kênh bán hàng khác nhau để tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh cho một cửa hàng bán lẻ trên môi trường số.

Với bối cảnh như vậy, tên miền quốc gia gắn với website/email chính là giải pháp giúp cho các cửa hàng bán lẻ hiện diện tin cậy, chính danh; tối ưu hệ thống tìm kiếm, cơ hội tìm kiếm cao; phát triển thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp hãy bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số.

Trước xu thế phát triển TMĐT và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, ông Trần Minh Tuấn chia sẻ, chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn" của Bộ TT&TT đang triển khai đem đến những chính sách đột phá chưa từng có cho người dân.

ÔNG NGUYỄN BÍCH LÂM - NGUYÊN TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ: Thực hiện các chính sách để kích cầu tiêu dùng

Để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tạo cơ sở tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng và an sinh xã hội.

Đồng thời, tiếp tục phát huy khả năng kích cầu từ chính sách tài khóa giảm thuế giá trị gia tăng; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngoài ra, có thể thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống cho người tiêu dùng.

ÔNG VŨ VINH PHÚ - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Dư địa để tăng trưởng tổng mức bán lẻ

Hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là khá nhiều khi tiền lương cơ sở sẽ tăng thêm 30%; lương cho người nghỉ hưu tăng 15%. Đợt cải cách tiền lương này được rất nhiều công chức, viên chức, người nghỉ hưu trông chờ. Bên cạnh đó, với việc Quốc hội đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ ngày 1/7 đến 31/12/2024, là cơ sở để kỳ vọng sức mua trên thị trường sẽ tăng lên.

Ngoài ra, thời điểm cuối năm thường diễn ra nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Việc hàng hóa được đưa ra thị trường cùng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sẽ kích thích tiêu dùng. Các yếu tố kể trên là cơ hội để tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có khả năng sẽ đạt mục tiêu 9% như Chính phủ đề ra.

Diệu Linh (lược ghi)

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-so-chia-khoa-thuc-day-chuyen-doi-so-ban-buon-ban-le-154634-154634.html