Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ công nghệ 4.0

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ, Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo các địa phương đồng hành cùng Chính phủ phát triển kinh tế số bằng việc đưa ra một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế số nhằm chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề ra với mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP.

Nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số

Rõ ràng thì đây vừa là thời cơ, vừa là cơ hội để phát triển nền kinh tế đất nước khi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Bởi vì, kinh tế số là việc áp dụng các tiến bộ về công nghệ và khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Đặc biệt là áp dụng vào các ngành giao dịch điện tử thông qua hệ thống mạng lưới internet, sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp, với sự hội tụ loạt công nghệ mới như: Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế hiện nay cho thấy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở hạ tầng, các nền tảng trực tuyến, các ứng dụng công nghệ, hệ thống dịch vụ vận chuyển càng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. Thuận lợi đó là các địa phương đều có dân số trẻ, nhạy bén trong việc nắm bắt công nghệ và nằm trong top đầu trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người sử dụng mạng xã hội, truy cập internet, điện thoại thông minh... Bên cạnh đó công tác chuyển đổi số đang trên đà phát triển thì các khu vực tư nhân và người dân cũng đã chủ động áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, ngành viễn thông công nghệ thông tin cũng rất tiến bộ khi tạo ra hạ tầng viễn thông 3G, 4G phủ 95% cả nước, sắp tới sẽ triển khai 5G và không chỉ phủ sóng trong nước mà còn đưa viễn thông công nghệ thông tin đến rất nhiều nơi trên thế giới. Và đây là một nền tảng quan trọng cho nền kinh tế số phát triển. Đặc biệt là Chính phủ rất quyết tâm và thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”.

Theo đó, Chính phủ xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm, lộ trình cụ thể và thiết lập hệ thống chỉ số giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó giải quyết các thách thức đặt ra từ chất lượng nguồn nhân lực đến đầu tư trang thiết bị cho sự chuyển đổi này. Hơn nữa, để chuyển đổi sang nền kinh tế số thành công, đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng, chuyển đổi từ phong cách đến lề lối làm việc và tính hiệu quả trong công việc. Từ đó, tạo nên được nền tảng, sức lan tỏa, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp cùng nhau nỗ lực chung tay chuyển đổi số kinh tế.

Tập trung phát triển chính quyền số, kinh tế số

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển chính quyền số, kinh tế số, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã tập trung phát triển hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Với mục tiêu đó, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhận thức số; hạ tầng số; thể chế số; dữ liệu số; nền tảng số; nhân lực số; an toàn thông tin mạng; chính quyền số; kinh tế số; xã hội số. Theo đó, các ban, ngành, địa phương thực hiện phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức chỉ đạo, tham mưu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Trong đó, tiên phong, gương mẫu sử dụng các nền tảng số về hoạt động chỉ đạo, điều hành, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh bám sát, chủ động chỉ đạo tổ chức triển khai đạt kết quả các nhiệm vụ trong các kế hoạch, quyết định, văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực chuyển đổi số. Phát huy hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số các cấp, cơ quan chuyên trách và bộ phận tham mưu, thực hiện chuyển đổi số, tổ công nghệ số cộng đồng. Đặc biệt là huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số, ưu tiên bố trí ngân sách của tỉnh phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong giai đoạn 2024 - 2025. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số có tiềm lực đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu số theo hình thức xã hội hóa và hợp tác công – tư.

Đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy và thu hút, phát triển nguồn nhân lực tham mưu, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh. Liên kết với các trường đại học, cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số của tỉnh...

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kinh-te-so-dong-vai-tro-quan-trong-trong-thoi-ky-cong-nghe-4-0-124536.html