Doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh rất khó khăn dịp Tết Ất Tỵ

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM đã chuẩn bị hàng hóa cho Tết Ất Tỵ năm 2025, lượng hàng tăng 8-16% so với cùng kỳ năm trước. Giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán, vì sức mua của thị trường rất chậm. Chưa kể doanh nghiệp còn bị cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc giá rẻ nên sức ép với doanh nghiệp sản xuất trong dịp Tết này rất lớn.

Siêu khuyến mãi để kích cầu

Để chuẩn bị thực phẩm tươi sống và chế biến cho Tết Ất Tỵ, từ tháng 6, Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đầu tư 540 tỷ đồng để chuẩn bị nguyên liệu hàng hóa, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty VISSAN cho biết, giá nguyên liệu đầu vào thịt heo đông lạnh nhập khẩu dùng để chế biến thực phẩm đã tăng từ 20-30%. Đây là khó khăn của công ty, vì sức mua hàng thực phẩm thịt chế biến từ đầu năm đến nay rất chậm, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Khó tăng giá bán trong dịp Tết, doanh nghiệp còn phải khuyến mãi sâu để kích cầu tiêu dùng. Riêng mặt hàng thịt tươi sống, công ty giảm giá từ 10%-25%, còn thực phẩm chế biến giảm giá từ 10%-50%.

Công ty soát xét, cắt giảm tất cả các khoản phi phí không cần thiết. VISSAN làm việc với các cổ đông chiến lược của công để dành 1 khoản ngân sách nhất định để đầu tư kích cầu thị trường. VISSAN đàm phán với tất cả các nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào, có lộ trình tăng giá nhất định, mức tăng phù hợp, chia sẻ khó khăn để hai bên cùng có lợi.

VISSAN triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Ất Tỵ

VISSAN triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Ất Tỵ

Tết Nguyên đán năm nay, Công ty Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Giá nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp này nhập khẩu đã tăng 6-7% so với đầu năm do chi phí logistics tăng. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm trong dịp Tết sắp tới nếu doanh nghiệp tăng giá theo mức này.

Trước khó khăn đó, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, doanh nghiệp phải nội hóa nguồn nguyên liệu trong nước, chuyển sang sử dụng nguyên liệu được chiết xuất từ thiên nhiên và trái cây trong nước thay vì nhập từ Châu Âu, châu Mỹ. Tết này, nhiều sản phẩm mới của công ty sử dụng nguyên liệu trong nước, như củ đẳng sâm ở Tây Nguyên, trái sim rừng, chanh dây, nước dừa và cơm dừa… làm các loại nước tăng lực, nước uống đóng chai và lon. Giá bán các sản phẩm của công ty chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài việc nội địa hóa nguyên liệu sản xuất thì công ty cắt giảm tất cả chi phí, hợp lý hóa sản xuất, làm sao các hao phí trong sản xuất phải giảm xuống. Doanh nghiệp áp dụng xanh hóa quy trình sản xuất, ví dụ như dùng năng lượng tái tạo, giảm được chi phí điện trong sản xuất.

Livestream theo giờ vàng

Đối với hàng may mặc ở thị trường nội địa thì khó khăn hơn, dù giá bán không tăng. Doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường. Giá bán rẻ hơn 20% so với hàng may mặc trong nước, nhất là ở các chợ truyền thống và trung tâm thương mại. Đó cũng là nỗi lo của ông Phạm Văn Việt -Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean sau chuyến khảo sát thị trường gần đây chuẩn bị cho Tết.

Ông Việt cho biết, sản phẩm quần áo thời trang của công ty cũng liên tục cập nhật gu thị hiếu của thị trường trong nước, nhất là giới trẻ. Tết này, sản phẩm thời trang dành cho giới trẻ của công ty cũng chuyển từ may ôm sát người sang kiểu dáng rộng rãi, thoáng mát, màu sắc tươi sáng, giá cũng cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, ở kênh thương mại điện tử, doanh nghiệp đang bị cạnh tranh rất khốc liệt với hàng may mặc Trung Quốc giá rẻ, giá nào cũng có, dù tiền nào của nấy. Với áp lực này, bên cạnh hệ thống cửa hàng bán hàng trực tiếp, Việt Thắng Jean cũng đẩy mạnh bán hàng online và thường xuyên livestream.

Việt Thắng Jean luôn cập nhật xu hướng tiêu dùng, sản xuất hàng thời trang theo gu giới trẻ (Ảnh Website của doanh nghiệp)

Việt Thắng Jean luôn cập nhật xu hướng tiêu dùng, sản xuất hàng thời trang theo gu giới trẻ (Ảnh Website của doanh nghiệp)

Ông Phạm Văn Việt-Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, thương mại điện tử cũng là kênh bán hàng tiềm năng của công ty ở thị trường nội địa. Vì vậy, công ty tập trung đầu tư để kênh này thu hút và tiếp cận với khách hàng tốt hơn, nhất là trong dịp tết.

Công ty vừa bán sỉ, vừa tổ chức livestream để bán lẻ, đây là hình thức bán hàng mới. Công ty thay đổi thời gian livestream. Trước đây công ty livestream bán hàng từ 8h tối đến 11h tối. Nhưng sau đó, công ty tổng hợp, nghiên cứu thông tin mua sắm của khách hàng trẻ trên các sàn thương mại thì thấy theo thói quen của khách hàng thay đổi nên chuyển sang livestream bán hàng từ 10 h tối đến 2 giờ sáng, cao điểm giờ vàng là từ 12h khuya đến 2h sáng.

Theo dự đoán của các doanh nghiệp, sức mua của thị trường năm nay chưa có dấu hiệu tăng tốc mạnh mẽ vì người tiêu dùng chi tiêu khá dè sẻn trong tình hình khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cũng rất khó tăng giá bán sản phẩm dù chí phí đầu vào tăng. Doanh nghiệp buộc phải tiết giảm tối đa, tìm cách giảm giá thành sản xuất để giữ khách hàng và thị trường, đồng thời đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-san-xuat-canh-tranh-rat-kho-khan-dip-tet-at-ty-post1136736.vov