Kinh tế số năm 2024 góp 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 13,17% GDP
Sáng 6/1, Tổng cục Thống kê công bố kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP giai đoạn 2020 - 2024.
Theo đó, kinh tế số tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử,... không chỉ mang lại những thay đổi tích cực trong cách các doanh nghiệp, các tổ chức vận hành hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như làm thay đổi hành vi và thói quen của cá nhân trong xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020 - 2024 lần lượt là 12,66%, 12,87%, 12,83%, 12,87% và 13,17%. Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP trong giai đoạn trên đạt khoảng 12,88%. Trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,99% (chiếm 62%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,89% (chiếm 38%).
“Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2022, 2023 thấp do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm. Tỷ trọng giá trị tăng do các ngành được số hóa có xu hướng tăng dần theo các năm, từ 4,75% của GDP năm 2020 lên 5,01% của GDP năm 2024”, báo cáo phân tích.
Năm 2024, ước tính tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có dấu hiệu phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Cụ thể, giá trị tăng thêm của các hoạt động kinh tế số ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng tương đương 62,7 tỷ USD, chiếm 13,17% trong GDP.
Theo giá hiện hành, quy mô kinh tế số của toàn bộ nền kinh tế năm 2024 tăng 14,1% so với năm 2023. Trong đó các ngành kinh tế số lõi chiếm hơn 62%. Cụ thể, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm hơn 32% (tăng hơn 16% theo giá hiện hành); các ngành kinh tế số lõi khác như: bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, linh kiện điện tử, viễn thông, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, cổng thông tin… chiếm khoảng 30% có xu hướng tăng so với năm 2023.
Tiếp cận quy mô kinh tế số từ giá trị sản phẩm, năm 2024 tỷ trọng giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế số so với tổng giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế ước đạt 18,7%; nếu so với GDP của nền kinh tế thì tỷ trọng này lên tới 49,2%. Bình quân giai đoạn 2020 - 2024, tỷ trọng giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế số so với tổng giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế ước đạt 19,6%; so với GDP của nền kinh tế thì tỷ trọng này ước đạt hơn 52,3%.
“Các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,53% năm 2020 lên 7,15% năm 2024”, báo cáo chỉ ra.
Bên cạnh các ngành kinh tế số lõi, một số ngành có giá trị tăng thêm kinh tế số cao như: Thương mại điện tử chiếm khoảng gần 14% trong tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số, theo giá hiện hành tăng khoảng 20% so với năm 2023; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm khoảng 4% và tăng gần 11% so với năm 2024; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; Hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%...
Một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung…
Về đóng góp quy mô nền kinh tế số theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2025 có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP trên 20%. Bao gồm: tỉnh Bắc Giang (43,6%), tỉnh Bắc Ninh (42,5%), tỉnh Thái Nguyên (35,5%), TP Hải Phòng (27,2%), Vĩnh Phúc (26,8%). Bên cạnh đó 7 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10 -20%; 51 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5 - 10%.