Kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế

Khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt thì theo nhận định của các chuyên gia tại CIEMB 2023 kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế…

CIEMR là Hội thảo quốc tế lớn nhất mà NEU tổ chức thường niên

CIEMR là Hội thảo quốc tế lớn nhất mà NEU tổ chức thường niên

Với mong muốn tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh, trong hai ngày 23- 24/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cùng Đại học Quốc gia Úc đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ sáu với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” (CIEMB 2023).

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU, đây là Hội thảo quốc tế lớn nhất mà NEU tổ chức thường niên và năm nay là năm thứ sáu của chuỗi hội thảo này.

“Thông qua hội thảo, chúng tôi muốn xây dựng một diễn đàn để các học giả trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản trị trình bày và trao đổi những nghiên cứu của mình. Hội thảo mong muốn thúc đẩy thảo luận xoanh quanh các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý, và kinh doanh, cũng như tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững với quy mô toàn cầu…”- GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ.

GS Ippei Fujiwara từ Đại học Quốc gia Úc

GS Ippei Fujiwara từ Đại học Quốc gia Úc

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất: GS Ippei Fujiwara từ Đại học Quốc gia Úc diễn thuyết về chủ đề “Xây dựng mô hình kinh tế Việt Nam”; GS Peter J. Morgan, từ Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á, thảo luận chủ đề “Fintech, tài chính toàn diện và nắm bắt kiến thức tài chính: Những điều chúng ta biết”; GS Roman Matousek, từ Đại học Queen Mary thuộc Đại học London, diễn thuyết chủ đề “Sự mong manh của tài chính sau đại dịch Covid-19: Bài học từ các nền kinh tế phát triển”…

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì các thị trường mới nổi như Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần thiết phải xác định đâu là động lực tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.

S Peter J. Morgan, từ Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á,

S Peter J. Morgan, từ Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á,

Tại Hội thảo nhiều diễn giả, chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu về kinh tế số và nhận thấy kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp

Trao đổi về nhận định này, GS.TS Tô Thành Trung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (NEU) cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp các vấn đề suy giảm về tổng cầu và khả năng năm nay tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu, kinh tế số sẽ là một trong những vấn đề cần phải chú ý. Bởi kinh tế số cơ bản sẽ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến tổng cung của nền kinh tế, giúp tăng trưởng một cách bền vững.

"Kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt"- ông Trung nhấn mạnh.

Chia sẻ các giải pháp để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, GS.TS Tô Thành Trung, cho rằng trong năm 2024 cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tăng tổng cầu, cần phải tập trung vào các chính sách trọng cung như cải thiện về mặt thể chế cũng như pháp lý, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang suy giảm rất mạnh…

 GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU (người đứng giữ) tăng hoa các diễn giả quốc tế

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU (người đứng giữ) tăng hoa các diễn giả quốc tế

Từ 152 bài nghiên cứu được gửi về, Hội thảo đã lựa chọn 105 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và mời đến trình bày các nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như: Australia, Czech, Canada, France, Hungary, India, Indonesia, Japan, Korea, Malaysia, South Africa, UK, Việt Nam. Hội thảo được tổ chức thành 22 phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh, với sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của NEU và các diễn giả khách mời từ nước ngoài…

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kinh-te-so-se-la-dong-luc-tang-truong-quan-trong-cua-nen-kinh-te-post496471.html