Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng đột phá: Động lực mới cho nền kinh tế
Với sự tăng trưởng hai con số ở lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và du lịch trực tuyến, nền kinh tế số Việt Nam đang tạo dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á.
Bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế với tốc độ phát triển bền vững, hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và những bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ của AI và các công nghệ tiên tiến.
Theo báo cáo vừa công bố của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số tại Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, nhờ vào nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và sự tiến bộ không ngừng của công nghệ. Bất chấp thách thức từ kinh tế toàn cầu, khu vực vẫn giữ vững đà tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm. Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ nền kinh tế số, với tổng giá trị hàng hóa (GMV), doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng cao trong hai năm qua.
Dự kiến, trong năm 2024, nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) 263 tỷ USD, với lợi nhuận lên đến 11 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của GMV và lợi nhuận lần lượt đạt 15% và 24% kể từ năm 2023.
Nền kinh tế số Việt Nam hiện giữ vững tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ lĩnh vực TMĐT và du lịch trực tuyến. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16%, cán mốc 36 tỷ USD vào năm 2024, với TMĐT và du lịch trực tuyến là hai lĩnh vực trọng điểm.
Năm 2024, TMĐT tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023, đạt GMV 22 tỷ USD và trở thành động lực chính cho kinh tế số quốc gia.
Tại Đông Nam Á, mô hình thương mại qua video (video commerce) đang thúc đẩy sự tăng trưởng của TMĐT khi sử dụng video trực tuyến để quảng bá và bán hàng. Mô hình này không chỉ đóng góp vào GMV và thu hút khách hàng mới, mà còn có tiềm năng duy trì sự gắn bó của khách hàng với thương hiệu lâu dài.
Theo thống kê, 68% lượt tìm kiếm tại Việt Nam không gắn liền với thương hiệu, trong khi tìm kiếm về các thương hiệu cụ thể chiếm 32% còn lại. Các thương hiệu ngày càng hợp tác với nhiều nhà sáng tạo nội dung thuộc đa dạng lĩnh vực, và nhiều nhãn hàng đã tự xây dựng nội dung để tiếp cận khách hàng.
Bên cạnh TMĐT, du lịch trực tuyến của Việt Nam cũng chứng kiến tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5 tỷ USD năm 2024. Sự phục hồi của nhóm khách du lịch từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á) đóng góp 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam. Trong khi đó, du khách Việt cũng chi tiêu cho du lịch nhiều nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), với chi phí cho mua sắm chiếm tới 58% tổng chi tiêu ở nước ngoài.
Ông Andrea Campagnoli - Đối tác tại Bain & Company, nhận định: “Nền kinh tế số Đông Nam Á tiếp tục phát triển tốt với tăng trưởng hai con số về GMV và lợi nhuận ở nhiều lĩnh vực, dẫn đầu là các công ty lớn. Nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục vươn lên nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô vững chắc, hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, và có triển vọng trở thành điểm nóng công nghệ AI và đổi mới. Tuy nhiên, để khai thác triệt để tiềm năng chuyển đổi của AI tạo sinh, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nền tảng, liên kết sáng kiến AI với mục tiêu cốt lõi để giải quyết những vấn đề thực tiễn và tạo ra giá trị hữu hình”.
Ông Fock Wai Hoong - Trưởng ban Đông Nam Á của Temasek, cho biết: “Nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ dân số trẻ, hiểu biết công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Temasek cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững và bao trùm, đảm bảo thịnh vượng cho mọi thế hệ”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Marc Woo - Giám đốc Điều hành phụ trách Việt Nam của Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Trong 5 năm qua, chúng tôi chứng kiến sự phát triển không ngừng của nền kinh tế số Việt Nam, đặc biệt với TMĐT. Quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số bất chấp nền kinh tế toàn cầu đầy biến động. Ngoài ra, lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á (14%), và nhiều nhà phát triển ứng dụng Việt Nam đã gây ảnh hưởng toàn cầu”.
Nền kinh tế số Việt Nam đang khẳng định vị thế trên bản đồ khu vực, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế và kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á" lần thứ 9, với chủ đề "Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á", cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trên 6 lĩnh vực: thương mại điện tử, dịch vụ giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính.