Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin trên được Google đưa ra hôm nay, 27-10, tại Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề "Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội", do Google, Temasek (Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore) và Bain & Company (Công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Mỹ) thực hiện, cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo cho biết, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động "bình thường mới" một cách nhanh chóng. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).
Người dùng tại khu vực thành thị có mức tiếp nhận dịch vụ số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, thực phẩm và tạp hóa đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%. Mặt khác, tần suất một người Việt Nam tiêu thụ nội dung số thấp hơn mức trung bình của khu vực với 23% người tham gia khảo sát cho biết họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần/tuần, tiếp đến là 19% cho hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Các dịch vụ tài chính số tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực cho vay số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép nhanh nhất ở mức 114%, lĩnh vực đầu tư dự kiến sẽ có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025 với mức hơn 106%. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.
Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á đi sâu vào các xu hướng trong 5 lĩnh vực chính, gồm: Thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận chuyển và thực phẩm, dịch vụ tài chính số (DFS). Báo cáo cũng cho biết, Singapore và Indonesia vẫn là các điểm đến đầu tư chính trong năm 2022, trong khi Việt Nam và Philippines đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư ở khía cạnh dài hạn hơn.