Kinh tế suy thoái nhưng các ngân hàng trung ương vẫn tăng lãi suất
Trong khi các nền kinh tế chủ chốt tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng, các ngân hàng trung ương vẫn tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Theo Reuters, sau khi chậm trễ trong việc kiểm soát lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã dành phần lớn thời gian trong năm nay để tăng lãi suất.
Phần lớn các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng lãi suất thêm 2/3 so với dự báo. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với dự báo, mức lãi suất trong tương lai có thể còn tiếp tục tăng mạnh.
Thất nghiệp thấp có thể kéo dài lạm phát
Trong số 22 ngân hàng trung ương được Reuters khảo sát có 6 ngân hàng dự kiến đạt mục tiêu lạm phát vào cuối năm sau. Con số này ít hơn nhiều so với cuộc khảo sát vào tháng 7, khi đó 2/3 trong số 18 ngân hàng dự kiến đạt được mục tiêu này.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết: "Lịch sử không bao giờ lặp lại một cách chính xác, nhưng vì dự báo lạm phát rất kém trong 18 tháng qua, điều gì xảy ra khi lạm phát vượt ngưỡng. Câu trả lời sẽ là rất tệ."
Michael Every, chiến lược gia toàn cầu tại Rabobank, cho biết nguy cơ suy thoái toàn cầu là những gì mọi người nói và đã trở thành xu hướng chủ đạo trong các dự báo.
Một điểm sáng là hầu hết nền kinh tế lớn đang trong thời kỳ suy thoái hoặc đang tiến vào một cuộc suy thoái đều có tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các đợt suy thoái trước. Khoảng cách giữa tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp là nhỏ nhất trong bốn thập kỷ qua.
70% nhà kinh tế cũng cho biết khả năng tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong năm tới là thấp đến rất thấp.
Mặc dù điều này có thể làm giảm cường độ suy thoái, nó cũng có thể khiến lạm phát tăng cao lâu hơn so với dự kiến .
Michael Every cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể là một chỉ báo tụt hậu vì tỷ lệ thất nghiệp thấp càng kéo dài thì các ngân hàng trung ương càng có lý do để tăng lãi suất.
Tăng trưởng chậm chạp
Reuters cho biết tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm xuống còn 2,3% vào năm 2023 từ mức dự kiến là 2,9% và sẽ phục hồi lên 3% vào năm 2024.
Hơn 70% nhà kinh tế cho biết cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở các nền kinh tế sẽ tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Trong khi đó, chỉ có hơn 26% dự báo khủng hoảng sẽ được cải thiện.
Trong khi lạm phát có tính chu kỳ, nó vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn do giá năng lượng tăng đột biến từ cuộc chiến Nga - Ukraine.
Ngoài ra, các chỉ số phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy lãi suất cao hơn bao nhiêu.
Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp vào ngày 2/11 tới và các nhà kinh tế cho rằng nó sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát giảm xuống một nửa so với hiện tại.
Reuters cũng đưa ra nhận định về việc tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhưng nhìn chung mọi thứ vẫn sẽ phục hồi rất chậm.
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% và cũng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Nếu bỏ qua mức tăng trưởng 2,2% do tác động từ dịch Covid-19 vào năm 2020, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của đất nước tỷ dân kể từ năm 1976.
Nền kinh tế Ấn Độ cũng được dự báo tăng trưởng dưới mức dự báo trong hai năm tới, trung bình vào khoảng 6,9% trong năm tài chính 2022-2023 và 6,1% trong năm tới.
Nền kinh tế khu vực đồng euro dự kiến tăng trưởng 3% trong năm nay nhưng đi ngang vào năm 2023 trước khi tăng 1,5% vào năm 2024.