Kinh tế tăng trưởng, thu thuế nội địa giữ nhịp ổn định

Tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh..., góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Nhờ đó, lũy kế 8 tháng năm 2024, toàn ngành Thuế thu ngân sách nhà nước đạt 1.146.828 tỷ đồng, bằng 77,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,9% so với cùng kỳ thực hiện. Trong 4 tháng cuối năm, ngành Thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế.

Thu ngân sách 8 tháng năm 2024 đạt khá chủ yếu do các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

Thu ngân sách 8 tháng năm 2024 đạt khá chủ yếu do các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

8 tháng, thu ngân sách nội địa tăng 17,9%

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.146.828 tỷ đồng, bằng 77,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,9% so với cùng kỳ thực hiện, nếu loại trừ chính sách thì tăng 10,2% so cùng kỳ. Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 39.364 tỷ đồng, bằng 85,6% so với dự toán, bằng 97,4% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 1.107.464 tỷ đồng, bằng 76,9% so với dự toán, bằng 118,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố chính sách thì tăng 10,7% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 860.346 tỷ đồng, bằng 79,3% so với dự toán, nếu loại trừ yếu tố chính sách thì tăng 5,4% so với cùng kỳ thực hiện.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách 8 tháng năm 2024 đạt khá chủ yếu do các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chênh lệch của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước và do chính sách gia hạn năm 2024 ban hành muộn so với cùng kỳ.

Nhìn vào kết quả thu ngân sách cho thấy, kinh tế có dấu hiệu dần hồi phục, tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, vẫn còn có những địa phương và khoản thu có tiến độ thực hiện dự toán thấp, tập trung tại những nguồn thu từ đất đai, sản xuất, lắp ráp ô tô, các công ty nhiệt điện than, thủy điện,...

Bên cạnh đó, công tác tổ chức đấu giá đất chưa được triển khai kịp thời nên có 37/63 địa phương tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, 3 địa phương có nguồn thu từ ô tô chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam tiến độ thực hiện dự toán còn chậm (mới đạt dưới 65% dự toán); các địa phương bị ảnh hưởng từ nguồn thu sản xuất nhiệt điện không phát sinh hoặc nguồn thu từ thủy điện phát sinh rất thấp.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, kinh tế phục hồi còn thể hiện ở con số doanh nghiệp trở lại hoạt động tương đối tích cực. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có nhiều nỗ lực, hoạt động có khởi sắc. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, 8 tháng năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 109.680 doanh nghiệp, tăng 4.848 doanh nghiệp, tương ứng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu địa bàn, từng khu vực

Ngày 2/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg về điều hành dự toán NSNN trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao.

Để triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình công tác thuế năm 2024 và các nhiệm vụ được giao tại các thông báo kết luận, thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng cục từ đầu năm 2024 đến nay.

Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Thuế giao toàn ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, khoản thu, sắc thuế. Tham mưu Tổng cục các giải pháp để hỗ trợ các cục thuế có tỷ lệ thực hiện dự toán đạt thấp bù đắp hụt thu.

Tổ chức tuyên truyền trọng tâm về dự thảo luật thuế sửa đổi bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng; thuế tối thiểu toàn cầu; chuyển đổi số ngành thuế; hoàn thuế giá trị gia tăng; chuẩn hóa mã số thuế; phòng ngừa rủi ro về hóa đơn; thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác đôn đốc, thu hồi nợ thuế.

Tiếp tục tổng hợp, báo cáo Tổng cục những vướng mắc trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đưa ra đề xuất cụ thể những việc có thể triển khai được ngay thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế, và những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội; khẩn trương tham mưu Tổng cục có văn bản chỉ đạo toàn ngành.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ tự động hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp công nghệ thông tin xây dựng ứng dụng trợ lý ảo trong quản lý nợ thuế; phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ gia hạn tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử; trao đổi và đề xuất phương án phối hợp với ngân hàng thương mại trong việc gửi quyết định cưỡng chế tài khoản, phong tỏa tài khoản qua văn bản điện tử.

Tiếp tục rà soát, hỗ trợ các cơ quan thuế trong quá trình rà soát, chuẩn hóa mã số thuế cá nhân, cung cấp danh sách dữ liệu cần chuẩn hóa phát sinh sau 29/11/2023 triển khai nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ.

Ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử. Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ, đơn vị và các cục thuế địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì, xây dựng lộ trình triển khai và bám sát tiến độ đối với từng nhiệm vụ, chủ động phối hợp, đôn đốc các đơn vị để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, tiến độ. Các vụ, đơn vị, cục thuế liên quan cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ để toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ.

25/63 địa phương có tỷ lệ thu cao so với dự toán

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, lũy kế 8 tháng năm 2024, có 25/63 địa phương có tỷ lệ thực hiện dự toán cao hơn so với tỷ lệ chung toàn ngành (đạt 77,2%); có 53/63 địa phương có số thu tăng so với cùng kỳ; có 10/63 địa phương có số thu đạt thấp so với cùng kỳ.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-tang-truong-thu-thue-noi-dia-giu-nhip-on-dinh-159469-159469.html