Kinh tế tập thể dần trưởng thành
Nhiều HTX ra đời từ năm 1979 và đã đóng góp một phần cho sự phát triển của tỉnh Phú Khánh. Tỉnh Phú Yên tái lập năm 1989, các HTX phát huy vai trò tích cực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trải qua nhiều lần chuyển đổi, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các HTX, thành phần nòng cốt của kinh tế tập thể từng bước thay đổi, bắt kịp sự phát triển chung.
Nỗ lực từ những ngày đầu tái lập
Năm 1989 khi vừa tái lập, kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh ghi nhận có 160 HTX hoạt động với chủ yếu là các HTX nông nghiệp. Từ mô hình thí điểm của HTX sản xuất nông nghiệp ở xã Hòa Bình (huyện Tuy Hòa cũ), phong trào HTX ra đời và phát triển mạnh ở cả tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ và tỉnh Phú Yên sau chia tách.
Hơn 5 năm sau, các HTX lần đầu tiên đứng trước yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Luật HTX năm 1996 ra đời (có hiệu lực ngày 1/1/1997) đánh dấu một chặng đường hoàn toàn mới của KTTT.
Các HTX ở tỉnh lúc đó vừa phải chuyển đổi vừa hoạt động trong điều kiện của một tỉnh còn non trẻ. Đồng hành cùng các HTX, UBND tỉnh Phú Yên thành lập Hội đồng lâm thời Liên minh các HTX tỉnh (Hội đồng) tại Quyết định 173/QĐ-UB ngày 29/1/1996. Đây chính là tiền thân của Liên minh HTX tỉnh ngày nay. Đến tháng 12/1996, UBND tỉnh cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Hội đồng theo Quyết định 2040.
Theo Liên minh HTX tỉnh, tuy mới thành lập nhưng dưới sự quan tâm và lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, liên minh sớm ổn định hoạt động và bắt tay ngay vào chuyển đổi các HTX theo Luật HTX năm 1996. Kết quả, tính đến cuối năm 1998, Hội đồng lúc đó hướng dẫn chuyển đổi được 151 HTX, đạt tỉ lệ 94%. Đồng thời vận động thành lập mới 26 HTX, thu hút được 255 xã viên (nay gọi là thành viên HTX).
Thay đổi để phù hợp với sự phát triển
Giai đoạn 2002-2020 là giai đoạn kiện toàn hoạt động cho các HTX. Trong đó, cùng với cả nước, KTTT tỉnh lấy Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT làm kim chỉ nam.
Để nâng cao hoạt động các HTX, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 13 Ctr/TU (khóa XIII) ngày 2/7/2002 cụ thể hóa Nghị quyết 13. UBND tỉnh có kế hoạch triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy. Trước đó, năm 2001, UBND tỉnh đổi tên Hội đồng thành Liên minh HTX Phú Yên đến ngày nay.
Ông Lê Luân, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhớ lại: Thời điểm Luật HTX năm 2003 ra đời, HTX chuyển sang hoạt động như một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đây mở đường cho một loạt dịch vụ kinh doanh ra đời tại các HTX nông nghiệp.
Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh đưa website www.coop.phuyen.info.vn đi vào hoạt động vào tháng 3/2004 nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX. Tiếp đến, năm 2007, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT tỉnh ra đời với trưởng ban là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và thành viên là lãnh đạo các sở, ngành. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc kiện toàn, đổi mới HTX.
Tiếp nối giai đoạn trước, giai đoạn hiện nay, hoạt động của các HTX thực sự có dấu ấn rõ rệt với nhiều nông sản địa phương được HTX quản trị thương hiệu thành công. Các sở, ngành, đơn vị tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm của các HTX qua thương mại điện tử. Đặc biệt, UBND tỉnh cụ thể chương trình hỗ trợ HTX bằng nguồn vốn hơn 30 tỉ đồng. Ngày 1/7/2024 cũng là thời điểm Luật HTX năm 2023 có hiệu lực, đánh dấu sự tham gia của KTTT vào phát triển KT-XH địa phương giai đoạn mới...
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
“Năm 2012, các HTX tiếp tục được định hướng là mô hình kinh tế phục vụ thành viên bằng Luật HTX năm 2012. Thời kỳ này, các HTX tỉnh kiện toàn theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động bằng chủ trương hợp nhất, sáp nhập HTX cấp thôn, xóm thành HTX toàn xã. Điểm nhấn chính là sự ra đời lần đầu tiên của Liên hiệp HTX huyện Tây Hòa năm 2013. Cũng lần đầu tiên trong cả nước có mô hình HTX lâm nghiệp công nghệ cao với sự ra đời của HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên vào tháng 11/2019, là 1/10 sự kiện nổi bật của tỉnh. Mô hình này đánh dấu rõ nét tầm vĩ mô của mô hình HTX khi thành viên của đơn vị KTTT là doanh nghiệp. Đây cũng là thời kỳ hình thành mô hình HTX kiểu mới gắn với các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh như xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mỗi xã một sản phẩm...”, ông Luân chia sẻ thêm.
Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có thêm 34 HTX nông nghiệp được thành lập. So với năm 2002, tổng vốn hoạt động của các HTX nông nghiệp năm 2022 tăng 3,06 lần; doanh thu bình quân 1 HTX/năm tăng 8,9 lần; lợi nhuận bình quân HTX/năm tăng 4,03 lần.
Với các HTX phi nông nghiệp, vốn hoạt động tăng 13 lần so với năm 2002. Đặc biệt, các HTX không hoạt động sản xuất, dịch vụ đơn lẻ nữa mà đã hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, bắt đầu xây dựng và quản trị nông sản địa phương, tạo thế chủ động trên thị trường...
Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới mở ra cơ hội hòa nhập kinh tế quốc tế cho thành phần KTTT. Tỉnh ủy Phú Yên xây dựng Chương trình hành động 25, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch 99 trên tinh thần Nghị quyết 20.
Dấu ấn đơn vị KTTT điển hình qua các thời kỳ
Thời kỳ đổi mới sau tái lập tỉnh, phong trào KTTT tỉnh nổi lên có HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa). Năm 2006, HTX này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Giai đoạn kiện toàn, đổi mới ghi dấu thành công của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) từ đơn vị chỉ làm quản lý sản xuất nông nghiệp đã vươn lên hoạt động đa dịch vụ với doanh thu cao hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Từ năm 2010-2022, HTX nhận Huân chương Lao động hạng nhất, cúp vàng HTX vì cộng đồng thịnh vượng...
Hiện nay, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến và chuyển đổi số ghi danh HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa). Hai đơn vị này được công nhận HTX nông nghiệp tiêu biểu, ngôi sao HTX toàn quốc.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh cũng ghi dấu ấn thông qua hoạt động hợp tác quốc tế. Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Năm 2009, thông qua hợp tác với Nhật Bản, Liên minh HTX đưa được nguồn vốn về hỗ trợ 4 làng nghề sản xuất bánh tráng của tỉnh; năm 2010, phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề (mây tre đan, gỗ mỹ nghệ...), tập huấn nghiệp vụ tài chính và kiểm toán nội bộ HTX, giúp HTX phát huy vai trò là “bà đỡ” kinh tế hộ. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị hợp tác với Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp giúp các HTX và hộ thành viên trồng rừng tiếp cận chứng chỉ rừng bền vững...
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/317950/kinh-te-tap-the-dan-truong-thanh-%C2%A0.html