Kinh tế tập thể huyện Lập Thạch từng bước phát triển
Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương, Huyện ủy, UBND huyện Lập Thạch đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đổi mới, phát triển KTTT. Nhờ vậy, đến nay, khu vực KTTT của huyện đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho kinh tế hộ, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.
Để thúc đẩy phát triển KTTT, Huyện ủy, UBND Lập Thạch đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện việc đổi mới, phát triển KTTT trên địa bàn. Hằng năm, UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với khu vực KTTT, Luật HTX và các văn bản có liên quan bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển KTTT.
Đồng thời, thực hiện rà soát, hướng dẫn các HTX tổ chức lại hoạt động; tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, làm cầu nối liên kết, hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp.
Huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập mới HTX từ 15 ngày xuống còn 3 ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, phát triển KTTT; thường xuyên hướng dẫn các HTX chọn lựa mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp; tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về vốn, máy móc, trang thiết bị, đất đai, xúc tiến thương mại… để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khu vực KTTT của huyện Lập Thạch đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Đến nay, toàn huyện có 60 HTX, trong đó, có 24 HTX nông nghiệp và 36 HTX phi nông nghiệp, với tổng số gần 800 thành viên, hơn 1.000 lao động. Theo kết quả rà soát, đánh giá mới đây của UBND huyện Lập Thạch, các HTX trên địa bàn đã được củng cố về mặt tổ chức và hoạt động ổn định hơn, với doanh thu bình quân của HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt hơn 530 triệu đồng/năm.
Thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 30 triệu đồng/năm, tăng 19 triệu đồng so với năm 2011; trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều các HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Tháng 4/2018, HTX Sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm Thủy Phương, xã Tiên Lữ được thành lập với mục tiêu cung cấp cho thị trường những dòng sản phẩm không dùng hóa chất, không chứa phụ gia, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ giữ chữ "tâm", chữ "tín" trong sản xuất, kinh doanh, chỉ trong một thời gian ngắn, HTX đã chiếm lĩnh được niềm tin của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm chủ yếu của HTX là tương nếp, bánh gạo rang, cá thính, dấm lên men, măng ớt, bột ngũ cốc...
Theo chị Khương Thị Lý, Giám đốc HTX, khi mới thành lập, HTX cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ sự quan tâm, định hướng của chính quyền địa phương, giữa năm 2019, HTX được tiếp cận với nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.
Có vốn, HTX mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xe chở hàng, mở rộng sân phơi nông sản và thực hiện đăng ký mã vạch, thiết kế logo tem nhãn riêng. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, các sản phẩm của HTX đều đã được cơ quan chuyên môn đánh giá đạt tiêu chuẩn quy định, không sử dụng hóa chất, phụ gia ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó, sản phẩm tương nếp Thủy Phương được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP, xếp hạng 3 sao.
Trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 1.000 lít tương, hơn 500 thùng dấm ăn các loại và hàng trăm hộp cá thính... Doanh thu của HTX đạt gần 900 triệu đồng/năm.
Ngoài mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT của huyện Lập Thạch vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều; trình độ cán bộ HTX còn yếu; nhiều HTX thiếu trụ sở làm việc; trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thô sơ…
Để KTTT thực sự là chỗ dựa cho kinh tế hộ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Lập Thạch tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với hoạt động KTTT; tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với KTTT phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tập trung nghiên cứu và xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ số; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển KTTT, pháp luật của Đảng, Nhà nước về KTTT, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường.
Khuyến khích cách HTX đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, áp dụng những tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về HTX cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất cho HTX thuê để xây dựng trụ sở làm việc, kho bãi bảo quản hàng hóa, mở rộng sản xuất, kinh doanh...