Kinh tế tập thể tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương

Vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã vận động thành lập và hỗ trợ các hợp tác xã, các doanh nghiệp khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho thành viên HTX và 9.935 lao động địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Cửa hàng bán rau sạch của HTX nông nghiệp xanh 26/3, Thành phố.

Cửa hàng bán rau sạch của HTX nông nghiệp xanh 26/3, Thành phố.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận 947-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, triển khai các hoạt động theo Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình của Ban Dân tộc tỉnh. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân liên kết thành lập mới HTX, hoặc chuyển đổi hoạt động mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, gắn với bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, liên hiệp HTX, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hỗ trợ nông dân liên kết thành lập HTX, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 34 hội nghị tuyên truyền sáng lập viên thành lập HTX, liên hiệp HTX. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn. Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, các HTX trong tỉnh, ngoài tỉnh để liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết, ký kết hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm... Hiện nay, toàn tỉnh có 789 HTX (riêng 9 tháng năm nay thành lập mới 62 HTX), hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; tín dụng; thương mại, dịch vụ du lịch; quản lý chợ; vận tải, với tổng số 38.338 thành viên.

Bên cạnh đó, các ngành, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ các HTX xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao, rau sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng và tín dụng. Tập trung sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, nông sản sạch, sản xuất hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP... Các HTX còn phát huy vai trò trợ giúp kinh tế hộ gia đình phát triển, trợ giúp chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở mang ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, với doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/thành viên/tháng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Ngoài ra, các HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 9.935 lao động. Trong đó, 7.600 lao động làm việc trong các HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 1.422 lao động làm việc tại các HTX thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; còn lại là làm việc tại các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; vận tải.

Ông Đỗ Hồng Phương, Giám đốc HTX cựu chiến binh Mai Sơn (tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót), cho biết: Thành lập tháng 6/2022, HTX có 32 thành viên là các CCB trên địa bàn huyện. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là trồng cây ăn quả, chế biến nông sản, nuôi ong, hoạt động dịch vụ nông nghiệp, thu mua, tiêu thụ nông sản. Mục tiêu của HTX là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng, nghiên cứu phát triển thị trường, tạo sức cạnh tranh cho hàng nông sản của các thành viên trên thị trường. Chúng tôi kỳ vọng tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho thành viên. Từ đó, thu hút thêm các CCB gia nhập HTX, cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần cùng huyện xóa nghèo cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX nông nghiệp Mường Bú, huyện Mường La, chia sẻ: HTX có 28 ha xoài, 12 ha nhãn, 5 ha mít, 20 ha táo đại, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 700 tấn quả các loại. HTX đã liên kết với các HTX, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trên địa bàn. Ngoài giúp các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho gần 20 lao động địa phương, với mức 6 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, kinh tế HTX phát triển đã hỗ trợ tích cực cho thành viên có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và khẳng định vị thế kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kinh-te-tap-the-tao-nhieu-viec-lam-cho-lao-dong-dia-phuong-54577