Kinh tế tập thể thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển ổn định và bền vững

ĐTO - Tiếp thu Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (viết tắt Nghị quyết số 13), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 29 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) để tổ chức triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Qua triển khai thực hiện, tất cả 12/12 huyện, thành phố đều ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đưa nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa tại một hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hồng

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa tại một hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hồng

Xác định nhiệm vụ trọng tâm phải tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, gắn kết chặt chẽ hai nhân tố quan trọng nhất trong chuỗi giá trị nông sản là nông dân và doanh nghiệp, năm 2016, Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Trung ương lựa chọn thí điểm thực hiện, trong đó KTTT là mắc xích quan trọng. Là tỉnh nông nghiệp, đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp xác định việc phát triển KTTT, HTX vẫn là nòng cốt, phát triển KTTT phải gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Trong lãnh đạo thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quán triệt đến từng cấp ủy tổ chức đảng phải xem việc phát triển KTTT, HTX là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết, là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu để có biện pháp cụ thể thúc đẩy KTTT, HTX phát triển, khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp quá sâu đối với KTTT, HTX.

Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.068 tổ hợp tác (THT) với tổng số thành viên tham gia 50.624 người. Các THT hoạt động đa dạng về ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế. Đa số các THT đều tổ chức bộ máy gồm 1 Tổ trưởng điều hành chung và 1 Tổ phó giúp việc cho tổ trưởng hoặc thay thế Tổ trưởng điều hành THT khi Tổ trưởng đi vắng. Hoạt động chủ yếu của THT là giúp nhau làm kinh tế gia đình, sản xuất thời vụ, góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân và người lao động trong các ngành nghề ở nông thôn, thực hiện chủ trương giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Mô hình này là cơ sở để các tổ chức chính trị - xã hội thông qua vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Toàn tỉnh có 185 HTX nông nghiệp với 29.192 thành viên, tổng diện tích đất canh tác được HTX nông nghiệp cung cấp dịch vụ là 48.060ha, lãi bình quân mỗi HTX là 267 triệu đồng/năm.

Phần lớn các HTX nông nghiệp chủ động trong hoạt động kinh doanh, mở rộng thêm nhiều dịch vụ phục vụ thành viên. HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả là nhân tố tích cực, tác động rất lớn đến quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, các HTX sau khi chuyển đổi đã củng cố tổ chức bộ máy, thay đổi phương thức điều hành, xử lý có hiệu quả những vấn đề tồn đọng về nguồn vốn, tài sản. Khi tham gia vào THT, HTX, thành viên và người lao động được tham gia học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, khép kín, gắn với áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ vệ sinh, cải tạo, sử dụng giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh cho đến sơ chế, bảo quản sản phẩm; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, OCOP... Đây là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX giúp cho các sản phẩm của thành viên nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng được giá trị.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của THT, HTX nông nghiệp được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để phát triển ổn định và bền vững. Hoạt động của các THT, HTX nông nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội. Thành viên của các THT, HTX không chỉ hợp tác thụ hưởng lợi ích kinh tế mà còn thụ hưởng các chính sách phát triển văn hóa - xã hội trong cộng đồng, được tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, hoạt động văn hóa - xã hội, thông qua đó đã giúp cho các thành viên cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, gắn kết, giữ gìn an ninh trật tự và sự ổn định ở nông thôn. Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các THT và HTX nông nghiệp đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương; góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thành viên và người lao động khu vực KTTT, HTX.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/kinh-te-tap-the-thuc-day-chuyen-doi-co-cau-kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-phat-trien-on-dinh-va-ben--105462.aspx