Kinh tế Thái Lan sụt giảm mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ

Cảnh vắng vẻ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan do dịch COVID-19, ngày 1/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

* Kinh tế Trung Quốc có các nền tảng vững chắc bất chấp dịch COVID-19

Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) ngày 17/8 công bố báo cáo cho biết, kinh tế Thái Lan đã chứng kiến mức suy giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ qua trong quý 2/2020, do tác động của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, theo báo cáo trên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý 2/2020 đã giảm 12,2% so với cùng kỷ năm ngoái.

Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhưng vẫn khả quan hơn chút ít so với mức dự báo giảm 13,3% mà các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó.

Trong quý 2/2020, GDP của Thái Lan giảm 9,7% so với quý trước đó. NESDC dự báo nền kinh tế Xứ Chùa vàng sẽ giảm khoảng 7,3%-7,8% trong cả năm nay, so với mức dự báo giảm trước đó là 5-6%.

Tỉ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 1,95% và có thêm khoảng 1,8 triệu người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm. Ngoài các vấn đề logistic và nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất khẩu của Thái Lan còn chịu sức ép của việc đồng baht tăng giá hơn 6% trong quý 2.

Dự kiến trong những tháng tới, Chính phủ Thái Lan sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và hoạt động xuất khẩu, sau khi đã bơm vào nền kinh tế gói cứu trợ trị giá 1.900 tỉ bath (61,03 tỉ USD).

Mặc dù Thái Lan đã dỡ bỏ hầu hết các lệnh phong tỏa sau khi không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trong hơn hai tháng qua, kinh tế nước này tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm đối với các chuyến bay chở khách đến Thái Lan và nhu cầu du lịch thấp trên toàn cầu.

NESDC dự báo chỉ 6,7 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay, giảm 83% so với mức kỷ lục ghi nhận vào năm ngoái là 39,8 triệu lượt khách.

Thái Lan hiện ghi nhận 3.377 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong. Từ ngày 13/8, nước này đã mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Thanarak Plipat cho biết các cơ quan chức năng cần chuẩn bị nhân sự cho các tổ chức và cộng đồng để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

* Tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Xin Guobin khẳng định các yếu tố vững hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát huy tác dụng, bất chấp tác động của dịch COVID-19, song cho rằng Bắc Kinh cần nỗ lực hơn nữa để đối phó với các thách thức và bù đắp những tổn thất do dịch bệnh gây ra.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa xã, Thứ trưởng Xin Guobin cho hay hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã cải thiện theo từng tháng nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ và dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả.

Ông Xin Goubin dẫn các số liệu cho biết sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc trong tháng 6/2020 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn so với mức tăng lần lượt 4,4% và 3,9% ghi nhận trong tháng 5 và 4/2020.

Sản lượng giá trị gia tăng của ngành chế tạo công nghệ cao trong sáu tháng đầu năm nay tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng thiết bị điện tử và mạch tích hợp tăng lần lượt 36,6% và 16,4%.

Theo quan chức trên, trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tăng cường sự ổn định và khả năng cạnh tranh cho chuỗi công nghiệp và cung ứng của nước này, bên cạnh việc cải thiện các nền tảng công nghiệp và cấp độ hiện đại hóa các chuỗi công nghiệp.

Cùng với đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy thiết lập một cơ chế quản lý và phối hợp khẩn cấp cho các chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước khác đối phó với dịch COVID-19 cũng như khôi phục các nền kinh tế này.

Ông Xin Goubin thừa nhận hơn 30 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt những thách thức do thiếu đơn hàng và lợi nhuận giảm sút.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244557/kinh-te-thai-lan-sut-giam-manh-nhat-trong-hon-hai-thap-ky.html