Kinh tế thế giới 2022 – Phục hồi và mong manh

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 giảm 3,3%; năm 2021 tăng 5,8% và dự báo cho năm 2022 tăng từ 2,4% đến 3,2%.

Bình quân ba năm 2020-2022, tăng trưởng kinh tế thế giới được đạt khoảng từ 1,6% đến 1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước.

Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” của Ngân hàng thế giới (WB) phát hành vào tháng 9/2022, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023. Đặc biệt, ngày 7/10/2022, Chủ tịch Malpass của WB cảnh báo: Thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ", nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao. Ngay các nền kinh tế lớn cũng lúng túng trước bài toán tăng mạnh lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng việc thả lỏng cho lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn.

Theo báo cáo về “Triển vọng kinh tế khu vực châu Âu” công bố ngày 11/10/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho răng thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng, cụ thể: Thế giới năm 2022 chỉ tăng 3,2% GDP (so với 6% GDP năm 2021) và năm 2023 chỉ còn là 2,7%; Khu vực đồng euro chỉ tăng 3,1% và năm 2023 giảm tiếp xuống còn 0,5%.

Đặc biệt, trong năm 2023, cả Đức và Italia sẽ trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm (Đức sẽ giảm 0,3% và Italia sẽ giảm 0,2%). Các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng 2,4% (so với mức 5,2% của năm 2021) và chỉ tăng 1,1% trong năm 2023. Mỹ chỉ tăng 1,6%, và ở mức 1% năm 2023. Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2022 và sẽ tăng 4,4% vào năm 2023. Các nền kinh tế đang trỗi dậy tăng trưởng năm 2022 và 2023 đều ở mức 3,7% trong khi năm 2021 là 6,6%. Theo IMF, năm 2023 có 25% khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức 2% và hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, trong khi ba nền kinh tế lớn nhất - Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Nhóm 4 nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ tăng 5,3% GDP trong năm nay so với mức tăng 3,4% năm 2021 và giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực Eurozone và Mỹ. Lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% của năm 2021 lên 8,8% vào cuối năm 2022, sau đó sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.

Trong năm 2022, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành thêm 3,75 điểm % qua 6 lần điều chỉnh liên tiếp: tháng 3/2022 tăng 0,25 điểm %, tháng 5/2022 tăng 0,5 điểm % và 4 lần liên tiếp tăng 0,75 điểm %, vào tháng 6, 7, 9 và 11/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh đã điều chỉnh tăng lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 12/2021, lên mức 2,25%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng ba lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xu hướng tăng ở khu vực này. Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro “suy thoái – lạm phát” ở một số quốc gia.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động: tính đến ngày 31/10/2022, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm 21,98%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%, chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,82%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 36,48%, chỉ số S&P500 của Mỹ giảm 18,15% so với cuối năm 2021.

Theo báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế tháng 9/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Mỹ là 1,6%, khu vực đồng Euro là 2,5%; Nhật Bản là 1,4%; Trung Quốc là 3,3%. Ấn Độ là 7,4%; Philippines là 6,5%; Malaysia là 6,0%; Indonesia khoảng 5,4%. Thái Lan đạt 2,9%, Singapore đạt 3,7%.

Theo OECD, lạm phát của các nước G20 khoảng 8,2% năm 2022 và 6,6% năm 2023. Lạm phát một số quốc gia năm 2022 và 2023 được dự báo lần lượt là: Đức 8,4% và 7,5%; Anh 8,8% và 5,9%; Italia 7,8% và 4,7%; Mỹ 6,2% và 3,4%; Ấn Độ 6,7% và 5,9%; Trung Quốc 2,2% và 3,1%.

Theo Phân ban Tình báo kinh tế (EIU), trực thuộc Tập đoàn Economist (Anh), năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, giá năng lượng vẫn ở mức cao (dầu thô Brent khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023), dù tổng mức tiêu thụ năng lượng chỉ tăng nhẹ. Nguồn cung năng lượng cũng có khả năng giảm do các thành viên OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng. Châu Á đang trên đà trở thành thị trường khí đốt tự nhiên lớn nhất toàn cầu (vượt xa Bắc Mỹ) vào năm 2027.

Mức tiêu thụ năng lượng tái tạo tăng với tốc độ trung bình năm là 10% trong 10 năm tới. Lãi suất cao hơn cũng sẽ làm tăng chi phí tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, làm tăng sự mất cân đối trong các khu vực địa lý nghèo và dễ bị tổn thương. Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến gia tăng ủng hộ các nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy, như năng lượng hạt nhân Ấn Độ và Trung Quốc, Nhật và Đức. Việc hạn chế nguồn cung của Nga sẽ làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, thép, thủy tinh và phân bón sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng.

Tình trạng lạm phát cao toàn cầu và tổng cầu xã hội không tăng sẽ hạn chế lợi nhuận và động lực sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ chịu sức ép gia tăng chi phí nguyên liệu, hậu cần, lao động và năng lượng; tăng tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh và quản lý; đẩy mạnh bán lẻ trực tuyến. Nhiều thị trường mới nổi trở nên hấp dẫn đối với đầu tư bán lẻ hơn so với các thị trường truyền thống ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Các siêu thị sẽ tiến lại gần hơn với người tiêu dùng, thiết lập các cửa hàng “tốc hành” nhỏ hơn để có thể cạnh tranh tốt hơn với các cửa hàng tiện lợi. Điều này sẽ mang lại một số cơ hội cho các chủ sở hữu bất động sản thương mại.

Các nhà bán lẻ sẽ cần phải tìm cách mới để đóng gói hàng hóa của họ khi quốc gia cấm đóng gói bằng nhựa (Tây Ban Nha và Ý bắt đâùt từ tháng 1/2023). Hà Lan sẽ phải trả thêm tiền cho ly nhựa dùng một lần và bao bì thực phẩm. Canada sẽ mở rộng lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, có hiệu lực vào cuối năm 2022, bằng cách cấm bán chúng từ tháng 12/2023.

Các thương hiệu tiêu dùng và người bán hàng trực tuyến sẽ phải đối mặt với một loạt các quy định mới về quyền riêng tư, cạnh tranh và dữ liệu vào năm 2023. Vào tháng 1/2023, Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng của Phần Lan sẽ buộc người bán hàng trực tuyến phải minh bạch hơn trong các chiến lược định giá và chiết khấu của họ. Tại Hoa Kỳ, 5 bang sẽ ban hành luật bảo mật dữ liệu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách các doanh nghiệp thu thập và xử lý dữ liệu người tiêu dùng. Ấn Độ dự kiến tung ra dự luật bảo vệ dữ liệu sửa đổi vào đầu năm 2023. Các doanh nghiệp sẽ cần phải hiệu chỉnh lại phương pháp thu thập và lưu trữ dữ liệu của mình để tuân thủ luật mới.

TS.Nguyễn Minh Phong

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-the-gioi-2022-phuc-hoi-va-mong-manh-228071.html