Kinh tế thế giới năm 2024: Những điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua
Những dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây đã củng cố niềm tin của các chuyên gia về triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn cần phải thận trọng trước những biến động địa chính trị như: xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến tại Trung Đông...
Những dấu hiệu lạc quan
Khi năm 2023 sắp kết thúc, nền kinh tế toàn cầu về nhiều mặt đang hoạt động tốt hơn những dự đoán.
Nhìn chung, lạm phát đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phá cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng dự kiến giảm xuống 4,5%. Nhà phân tích Goldman Sachs Research bày tỏ những lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khi cho rằng kết quả này đã vượt qua kỳ vọng của hầu hết các chuyên gia kinh tế.
Tại châu Âu, việc nền kinh tế trì trệ đã giúp lạm phát giảm xuống mức 2,4% trong tháng 11, từ mức đỉnh 10% vào một năm trước. Điều này giúp ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiến gần hơn đến với mức lạm phát mục tiêu 2% ngay cả khi các quan chức cảnh báo về những rủi ro phát sinh lạm phát do áp lực từ tiền lương và biến động thị trường. Bên cạnh đó, sự sụt giảm chi phí đầu vào PMI củng cố niềm tin về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể duy trì ở mức ổn định 2% trong sáu tháng tới.
Tại Mỹ, lạm phát toàn phần đạt mức 3,1% hằng năm trong tháng 11, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed nhưng giảm đáng kể so với mức 9,1% vào tháng 6/2022. Nền kinh tế số một thế giới không những tránh được một đợt suy thoái sâu rộng mà còn tăng trưởng ở mức ổn định. Chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, đầu tư tăng trưởng ổn định, với sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (khoảng 3,9%) trong nhiều năm.
Xu hướng lạm phát hạ nhiệt ở nhiều quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương giảm lãi suất hoặc ít nhất là không tăng lãi suất như hầu hết các tháng trong năm 2023. Chi phí đi vay giảm là động lực thúc đẩy đầu tư và mua nhà.
Hoạt động kinh tế cũng cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, với GDP tăng trưởng ở mức 5,2% trong quý III. Bên cạnh đó, thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch Covid-19 đang giúp các nhà đầu tư và các chuyên gia ngày càng lạc quan về triển vọng kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đang ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức đại dịch.
Những dấu hiệu này đã thuyết phục giới chuyên gia tin tưởng về triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế khu vực châu Á đang ngày càng cho thấy những dấu hiệu tích cực, giúp tăng trưởng của khu vực này trong năm 2023, dự kiến đạt mức 4,9% (tăng nhẹ so với mức dự báo 4,7% hồi tháng 9), chủ yếu đến từ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
ADB đã ghi nhận mức tăng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế, không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á – nhờ “đòn bẩy” của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như sự gia tăng của nguồn kiều hối chuyền về.
ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 4,9% lên 5,2% trong năm nay. Theo đánh giá từ các chuyên gia, nền kinh tế thứ hai thế giới đã tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý II/2023.
Bên cạnh đó, hàng loạt nền kinh tế thị trường mới nổi cũng cho thấy sức bền và khả năng phục hồi mạnh mẽ trước tình hình ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu năm 2023.Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt mức tăng GDP khoảng 4%.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm 2024, phần lớn đến từ lạm phát, xung đột địa chính trị hay biến đổi khí hậu. Mặc dù đã suy giảm, lãi suất cao vẫn đang gây ra những tác động tiêu cực đối với hệ thống kinh tế toàn cầu. Không những vậy, chiến tranh, xung đột cũng như thảm họa từ biến đổi khí hậu đang khiến đời sống của người dân ở nhiều khu vực lao đao, nền kinh tế bị đình trệ.
Các chính sách kinh tế đang bị chi phối bởi xung đột giữa các liên minh, các khối. Xung đột Nga - Ukraine đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đi theo nhiều hướng khác nhau, gồm các bên duy trì sự ủng hộ, hợp tác với Moscow và ngược lại.
Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ kỳ ngày càng tăng cường mua dầu Nga, châu Âu lại giảm mạnh sản lượng mua. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Biển Đỏ đang góp phần làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá cước vận chuyển, bảo hiểm và giá dầu tăng cao, đồng thời buộc giao thông phải chuyển hướng sang các tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn.
Hiện tại, nền kinh tế thế giới đang chia theo nhiều xu hướng khác nhau. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất và thương mại đang hoạt động yếu hơn so với phần còn lại, chẳng hạn như Đức đã chứng kiến suy thoái kinh tế đáng kể trong 3/4 quý của năm 2023.
Trong khi đó, các nền kinh tế kinh tế tập trung phát triển dịch vụ lại đang hoạt động tốt hơn, chẳng hạn như: Pháp hay Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, do nhiều yếu tố khác nhau, xu hướng này hoàn toàn có thể đảo ngược. Dự báo gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), GDP của Đức dự kiến sẽ tăng tốc thoát khỏi cuộc suy thoái vào năm 2024, trong khi tăng trưởng tại Pháp và Mỹ dự kiến sẽ chậm lại.
Sự khó lường trong chiều hướng tăng trưởng của những nền kinh tế này sẽ khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định của mình.
Trước những thách thức trên, một số chuyên gia đã thận trọng hơn trong việc đưa ra dự đoán. Công ty S&P Global Market Intelligence dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ ở mức 2,3%, thấp hơn mức ước tính 2,7% của năm 2023. Còn Công ty Fitch Ratings cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chỉ ở mức 2,1%, giảm so với ước tính 2,9% của năm 2023.
Theo báo The National (UAE), các nhà phân tích chỉ ra mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024, nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm.
Việc kinh tế toàn cầu đã tránh được một đợt suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu lạc quan như: chi tiêu tiêu dùng tăng, sự phục hồi của sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt,... đang thúc đẩy niềm tin về một triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng vào năm 2024.