Kinh tế thế giới nổi bật (1-7/9): Một quốc gia châu Âu vẫn 'nghiện' khí đốt Nga, Đức quyết giảm nợ bằng mọi giá, UAE-ASEAN tăng hợp tác

Ô tô Trung Quốc xuất sang Nga lại lập kỷ lục, EU tiếp tục thực hiện phương án mua chung khí đốt, chứng khoán Mỹ đỏ sàn, UAE và các quốc gia ASEAN thắt chặt hợp tác… là một số tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Áo khẳng định việc mua khí đốt Nga là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng. (Nguồn: AFP)

Áo khẳng định việc mua khí đốt Nga là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng. (Nguồn: AFP)

Kinh tế thế giới

Tài trợ thương mại toàn cầu thiếu hụt 2.500 tỷ USD vào năm 2022

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 5/9 công bố kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, sự thiếu hụt nguồn tài trợ cho thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 2.500 tỷ USD vào năm 2022, so với mức 1.700 tỷ USD vào năm 2021, do những hạn chế tiếp tục kéo dài làm giảm nguồn lực của các ngân hàng.

Tổng giám đốc phụ trách khu vực tư nhân của ADB Suzanne Gaboury cho biết, sự thiếu hụt gia tăng do kinh tế toàn cầu vẫn đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Khảo sát trên là đáng tin cậy hàng đầu thế giới về tài trợ thương mại, dựa trên số liệu đến của 137 ngân hàng và 185 công ty từ khoảng 50 nền kinh tế.

Những người tham gia khảo sát cho biết họ tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận tài chính trong năm ngoái do lãi suất tăng và những bất ổn trên thị trường tài chính, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và bất ổn địa chính trị.

Theo khảo sát, đà phục hồi kinh tế mạnh sau đại dịch Covid-19 khiến lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu tăng trưởng lần lượt ở mức 26,6% và 11,5% trong năm 2021 và 2022, và dẫn tới nhu cầu về tài trợ thương mại tăng cao, đi kèm là rủi ro kinh tế lớn hơn.

Cuộc khảo sát mới nhất lần đầu tiên tập trung vào các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị cũng như số hóa để đánh giá tác động đối với các chuỗi cung ứng liên quan và mức độ thiếu hụt về tài trợ thương mại.

Hầu hết các ngân hàng và công ty tham gia cuộc khảo sát đều tin rằng việc liên kết vấn đề quản trị và xã hội có thể giúp giảm khoảng cách tài chính thương mại.

Thách thức hàng đầu về chuỗi cung ứng được các công ty khảo sát nêu ra là không đủ sự hỗ trợ tài chính. Họ xác định khả năng tiếp cận nguồn tài chính đầy đủ, hậu cần đáng tin cậy và sử dụng công nghệ kỹ thuật số là ba thành phần quan trọng nhất của chuỗi cung ứng linh hoạt. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Ba chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 6/9 giảm điểm, sau khi số liệu của lĩnh vực dịch vụ mạnh hơn dự kiến gây lo ngại lạm phát vẫn cao đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 198,78 điểm, hay 0,57%, xuống chốt phiên ở mức 34.443,19 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 31,35 điểm, hay 0,7%, xuống 4.465,48 điểm và chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite giảm 148,48 điểm, hay 1,06%, xuống 13.872,47 điểm.

Viện Quản lý nguồn cung Mỹ ngày 6/9 công bố số liệu cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng của lĩnh vực phi chế tạo tăng lên 54,5 trong tháng trước, so với mức dự báo 52,5. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc đã đạt kỷ lục 889,1 tỷ USD USD vào năm 2022, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước đó và duy trì vị thế là thị trường lớn thứ hai thế giới trong năm thứ 9 liên tiếp.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo phát triển thương mại dịch vụ Trung Quốc năm 2022, được biên soạn dưới sự chủ trì của Bộ Thương mại nước này. Trong nửa đầu năm 2023, lĩnh vực dịch vụ của quốc gia Đông Bắc Á chiếm 56% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đóng góp 66% vào tăng trưởng kinh tế. 70% nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc là dành cho lĩnh vực dịch vụ. (THX)

* Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu ô tô con của Trung Quốc sang Nga vào tháng 7 đã đạt 1 tỷ USD trong tháng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao kỷ lục.

Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu ô tô con của Trung Quốc sang Nga đã đạt giá trị kỷ lục 1,06 tỷ USD (1,03 tỷ USD trong tháng 6). Nga vẫn là khách hàng mua ô tô chính của Trung Quốc, chiếm 16,8% trong tổng lượng ô tô xuất khẩu của nước này. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/9 đã công bố danh sách các tập đoàn công nghệ, trong đó có Apple, Meta, tập đoàn sở hữu Facebook và ByteDance, công ty mẹ của TikTok, sẽ đối mặt với các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động.

Thông báo trên đánh dấu bước tiến lớn trong việc thực hiện Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), nhằm buộc các tập đoàn lớn nhất phải thay đổi cách thức hoạt động, từ đó tạo ra một thị trường công bằng hơn.

Ủy ban châu Âu đã nêu tên 22 ứng dụng "nền tảng cốt lõi" thuộc về 5 tập đoàn công nghệ của Mỹ được coi là "người gác cổng" là Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft, cùng với ByteDance của Trung Quốc. Các ứng dụng và dịch vụ được nêu phải tuân thủ đầy đủ DMA vào ngày 6/3/2024.

Một ứng dụng được coi là "người gác cổng" khi có trên 45 triệu người dùng mỗi tháng và trên 10.000 người dùng là doanh nghiệp được thành lập tại EU mỗi năm. (AFP)

* Ngày 5/9, một quan chức EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thực hiện kế hoạch mua chung khí đốt lâu dài của EU, sau khi nhu cầu trên thực tế đã vượt quá dự đoán trong các cuộc đấu thầu đầu tiên của chính sách này nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

EU đã triển khai chương trình mua chung khí đốt trong năm nay sau khi Nga cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm 2022, đẩy giá năng lượng ở châu Âu lên mức cao kỷ lục.

Chương trình mua chung tạm thời này dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12, nhưng EC đã đề xuất đưa chương trình này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của việc cải tổ rộng rãi hơn các quy tắc thị trường khí đốt của EU. Việc tham gia mua chung sẽ là tự nguyện, nhưng nếu EU gặp phải khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, việc mua chung sẽ trở thành bắt buộc để tránh sự cạnh tranh giữa các nước EU. (TTXVN)

* Các nguồn thạo tin cho hay Nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng đồng minh chưa thực hiện các cuộc đánh giá lại kế hoạch áp trần giá đối với dầu của Nga giữa bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng cao.

G7 cùng EU và Australia đã áp đặt cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào tháng 12/2022. Sang tháng 2/2023, nhóm tiếp tục áp trần giá 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel của Nga.

Ban đầu, các nước EU đồng ý xem xét lại mức trần giá hai tháng một lần và điều chỉnh nếu cần thiết, trong khi phía G7 sẽ xem xét “khi phù hợp” bao gồm cả việc thực hiện và tuân thủ kế hoạch. Tuy nhiên, G7 đã không xem xét mức trần giá đó kể từ tháng 3/2023. Bốn nguồn tin quen thuộc với các chính sách của G7 cho biết nhóm này hiện chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh kế hoạch này ngay lập tức. (Reuters)

* Phát biểu trên kênh truyền hình ORF ngày 4/9, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng, việc mua khí đốt của Nga là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng của nước này. Ông Nehammer nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là đảm bảo an ninh năng lượng. Và đó là nghĩa vụ của tôi, với tư cách Thủ tướng, phải làm điều đó”.

Tháng 6/2018, một thỏa thuận đã được ký kết để gia hạn hợp đồng giữa công ty Gazprom Export LLC và OMV Gas Marketing & Trading GmbH để cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Áo cho đến năm 2040.

Người đứng đầu OMV Alfred Stern trước đó đã tuyên bố rằng OMV sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga theo hợp đồng vì công ty này không phải chịu lệnh trừng phạt của EU. Theo Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt châu Âu (ENTSOG), vào tháng 7/2023, 66% lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đến từ Nga. (TTXVN)

* Công ty Vestmoldtransgaz của Romania đã nhận được quyền quản lý hệ thống chuyển tải khí đốt của Moldova trong 5 năm. Hợp đồng cho thuê đã được ký kết với công ty con Moldovatransgaz của Moldovagaz.

Cơ quan báo chí thuộc Bộ Năng lượng Moldova cho biết, theo các điều khoản của thỏa thuận, Vestmoldtransgaz cũng sẽ nhận được các hợp đồng để bảo trì hệ thống trung chuyển khí đốt của Moldova. Để có hiệu lực, hợp đồng phải được Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Moldova (ANRE) phê duyệt. (TTXVN)

* Sau ba năm chi tiêu lớn để đối phó với đại dịch Covid-19 và những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine, Đức đang lên kế hoạch áp dụng các biện pháp cắt giảm trên diện rộng đối với ngân sách mới. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tuyên bố quyết tâm giảm nợ bằng bất cứ giá nào.

Sáng 5/9, Chính phủ Đức đã trình dự thảo ngân sách năm 2024 trước Quốc hội. Dự thảo ngân sách gồm 445 tỷ Euro (480 tỷ USD) cho năm 2024, ít hơn khoảng 30 tỷ Euro so với năm 2023 nhưng vẫn nhiều hơn khoảng 90 tỷ Euro so với năm 2019. Với ngân sách dự kiến cho năm 2024, hầu hết các bộ ban ngành sẽ phải tiết kiệm hơn so với năm nay. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng so với đồng USD ngay cả sau khi Nhật Bản đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về những biến động mạnh của đồng nội tệ trong nhiều tuần, làm tăng khả năng chính phủ sẽ can thiệp nếu tình trạng sụt giảm tiếp diễn.

Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda cho biết, các động thái đầu cơ có thể thấy rõ trên thị trường ngoại tệ, đồng thời cảnh báo rằng Chính phủ sẵn sàng hành động nếu cần.

Bình luận trên đã nhanh chóng đẩy đồng Yen lên 147,37 Yen đổi 1 USD do các nhà giao dịch cân nhắc rủi ro khi Tokyo can thiệp vào thị trường lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022. (Bloomberg)

Kinh tế Hàn Quốc lấy lại đà tăng trưởng dù mức tăng còn thấp. (Nguồn: AFP)

Kinh tế Hàn Quốc lấy lại đà tăng trưởng dù mức tăng còn thấp. (Nguồn: AFP)

* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, GDP thực của nước này trong quý II/2023 tăng 0,6% so với quý I, trong khi GDP danh nghĩa đạt mức tăng 0,9%. Như vậy, đã hai quý liên tiếp, kinh tế Hàn Quốc lấy lại đà tăng trưởng dù mức tăng còn thấp.

Trong quý IV/2022, GDP của Hàn Quốc giảm 0,3%, sau đó quay lại đà tăng trưởng 0,3% trong quý I năm nay.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho trong phát biểu cùng ngày cho rằng biết kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi, nhờ xuất khẩu tiếp tục có dấu hiệu được cải thiện. (TTXVN)

* Chính phủ Hàn Quốc quyết định chi ngân sách kỷ lục trong năm 2023 để thúc đẩy tiêu thụ hải sản, trong bối cảnh người dân lo ngại về sự an toàn của hải sản sau khi Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Nội các Hàn Quốc vừa thông qua kế hoạch huy động thêm 80 tỷ Won (60,36 triệu USD) từ quỹ dự trữ trong năm nay để phát hành phiếu giảm giá và tổ chức các sự kiện khuyến mại khác nhau nhằm khuyến khích mọi người mua nhiều hải sản và hỗ trợ tốt hơn cho ngành đánh bắt cá. Cùng với 64 tỷ Won mà chính phủ đã chi để thúc đẩy tiêu thụ hải sản, ngân sách năm nay đánh dấu số tiền lớn nhất từ trước đến nay dành cho mục tiêu này. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 5/9, Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF) đã được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tại Jakarta, Indonesia.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu, ASEAN đã chứng tỏ được khả năng phục hồi và tiếp tục phát triển vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu và các khu vực khác. Với dân số 680 triệu người, ASEAN cũng là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo trên, ASEAN không tránh khỏi các thách thức toàn cầu và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, đặc biệt là nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (TTXVN)

* Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tiến sĩ Thani Al Zeyoud ngày 5/9 cho rằng, khi trọng tâm kinh tế tiếp tục dịch chuyển về phía Đông, UAE và ASEAN có thể hình thành một hành lang cơ hội mới mạnh mẽ hơn, định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực tăng trưởng cao, phát triển các giải pháp về an ninh lương thực và chuyển đổi năng lượng, đồng thời tạo ra các cụm ưu việt trong các ngành công nghiệp của tương lai.

Bộ trưởng Thani Al Zeyoud cho biết: “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa UAE với đối tác (CEPA) bao gồm các thỏa thuận đã hoàn tất với Indonesia và Campuchia, cũng như khởi động đàm phán với Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, nhấn mạnh niềm tin của UAE vào các nền kinh tế này - và vai trò của các bên trong việc mang lại một tương lai mới cho châu Á”. (TTXVN)

* Ngày 5/9, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, hội nhập kinh tế phải tiếp tục là trọng tâm của ASEAN và cần tăng tốc những nỗ lực phát triển các lĩnh vực tăng trưởng mới cho khối.

Người đứng đầu chính phủ Singapore kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục củng cố khả năng phục hồi của khu vực trước những thách thức mới nổi. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-1-79-mot-quoc-gia-chau-au-van-nghien-khi-dot-nga-duc-quyet-giam-no-bang-moi-gia-uae-asean-tang-hop-tac-241127.html