Kinh tế thế giới nổi bật (10-16/2): EU lại bàn trừng phạt Nga, Moscow yêu cầu NATO họp khẩn về vụ nổ Dòng chảy phương Bắc, tin vui từ Mỹ

EU nhắm trừng phạt các chính trị gia, lãnh đạo quân sự và 4 ngân hàng Nga; lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt; Gazprom tăng lượng khí đốt sang châu Âu qua Ukraine… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Rò rỉ khí đốt trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga ở ngoài khơi Bornholm, phía Nam Dueodde, Đan Mạch, ngày 27/9. (Nguồn: Reuters)

Rò rỉ khí đốt trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga ở ngoài khơi Bornholm, phía Nam Dueodde, Đan Mạch, ngày 27/9. (Nguồn: Reuters)

Lợi nhuận của ngành dầu khí toàn cầu cao ngất

Ngày 14/2, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, lợi nhuận của ngành dầu khí toàn cầu trong năm 2022 vào khoảng 4.000 tỷ USD - cao hơn hẳn mức lợi nhuận trung bình 1.500 tỷ USD trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, nhiều nước có nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn thu bán dầu và khí đốt vẫn cần chuẩn bị giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ được cho là sẽ giảm trong thời gian dài hơn. Theo ông, điều này có nghĩa là các nước, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, cần đa dạng hóa nền kinh tế.

Ông kỳ vọng Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ là cơ hội bước ngoặt cho các nước này.

Giám đốc điều hành IEA nhấn mạnh: "Không thể vận hành nền kinh tế mà 90% nguồn thu phụ thuộc vào doanh thu dầu và khí đốt, vì nhu cầu dầu sẽ đi xuống".

Theo kế hoạch, Hội nghị COP28 sẽ diễn ra tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - một thành viên của Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Bộ Lao động Mỹ ngày 14/2 công bố số liệu cho thấy, lạm phát tiêu dùng của nước này đã tăng chậm lại trong tháng 1/2023, song vẫn cao hơn so với mục tiêu lạm phát mà các nhà hoạch định chính sách đề ra, do chi phí thuê nhà và năng lượng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát chính, đã giảm tốc từ mức tăng 9,1% hồi tháng 6/2022 trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu một chiến dịch tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế giá cả tăng vọt.

Nhờ tác động từ các chính sách của Fed đối với nền kinh tế, chỉ số CPI trong tháng 1/2023 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước - chỉ thấp hơn một chút so với lạm phát của tháng 12/2022 và là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát trong tháng 1/2023 vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách đề ra. (Reuters)

* Các quan chức Fed hôm 14/2 cho biết, ngân hàng trung ương nước này sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất dần dần để kiểm soát lạm phát, đồng thời cho hay, áp lực giá cả do thị trường việc làm được cải thiện có thể đẩy chi phí vay cao hơn họ từng nghĩ.

Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams nói với các phóng viên rằng, với tình hình “khỏe mạnh” hiện thời của thị trường lao động, rõ ràng có những rủi ro rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến, hoặc Fed có thể cần tăng lãi suất vượt mức dự báo hiện tại.

Lãi suất chính sách chuẩn của Fed hiện nằm trong phạm vi mục tiêu 4,50 - 4,75%. Hầu hết các quan chức Fed kể từ tháng 12/2022 đã chỉ ra rằng lãi suất ở mức 5,1% sẽ đủ để giảm lạm phát.

Tuy nhiên, ông Williams hôm 14/2 có giọng điệu “diều hâu” hơn. Ông nói rằng việc kết thúc năm 2023 với lãi suất trong khoảng 5,00 - 5,50% dường như “phù hợp" cho triển vọng chính sách của Fed. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 15/2, IEA cho biết, Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% mức tăng nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc OPEC+ hạn chế sản xuất có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.

IEA nhận thấy nhu cầu dầu có thể tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, trong đó Trung Quốc chiếm 900.000 thùng/ngày. Con số này tăng 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. (Reuters)

* Theo các báo cáo ngân sách hằng năm của các chính quyền địa phương, các tỉnh ở Trung Quốc đã chi ít nhất 352 tỷ Nhân dân tệ (51,6 tỷ USD) cho việc kiểm soát dịch Covid-19 trong năm 2022.

Trong số 31 tỉnh, khu vực và khu tự trị, ít nhất 20 đã công bố số tiền chi cho việc kiểm soát dịch trong năm ngoái, trong đó các tỉnh giàu chi mạnh nhất.

Tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Trung Quốc là Quảng Đông đã chi 71,14 tỷ Nhân dân tệ, trong đó có chi cho việc tiêm chủng, xét nghiệm PCR và hỗ trợ cho nhân viên y tế. Con số này là cao nhất trong số 20 tỉnh, tăng 56,8% so với mức chi của năm 2021 và hơn gấp đôi so với năm 2020.

Số tiền trên đưa mức chi của Quảng Đông cho việc kiểm soát dịch trong ba năm qua lên 146,8 tỷ Nhân dân tệ. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 15/2, đại diện của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các chính trị gia, lãnh đạo quân sự và 4 ngân hàng Nga dự kiến sẽ là mục tiêu được nhắm tới.

Bất kỳ biện pháp mới nào mà EU dự kiến áp dụng để tiếp tục phản ứng trước cuộc xug đột Nga-Ukraine, sẽ cần có sự ủng hộ nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên. (Reuters)

* Chính phủ Nga cho biết, xuất khẩu khí đốt của nước này đã giảm mạnh 25% vào năm 2022, sau khi cuộc xung đột tại Ukraine gây bất ổn cho mối quan hệ của Moscow với những khách hàng chính ở châu Âu.

Theo đó, sản lượng khí đốt năm 2022 của Nga đạt tổng cộng 673,8 tỷ m3. Xuất khẩu cùng năm giảm 25,1% xuống 184,4 tỷ m3. Trong khi việc cung cấp khí đốt cho châu Âu giảm mạnh, lượng mua của những khách hàng mới - đặc biệt là Trung Quốc - đang nhanh chóng gia tăng.

Kỷ lục về lượng khí đốt Nga cung cấp mỗi ngày thông qua đường ống Power of Siberia đã bị “xô đổ” nhiều hơn một lần. Kết quả là nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống trên đã tăng 48% và đạt mức cao nhất lịch sử là 15,4 tỷ m3.

Ông cũng cho biết xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng 7,6% trong năm 2022 so với một năm trước đó. (Reuters)

* Ngày 15/2, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã chuyển 35,3 triệu m3 khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, mức cao nhất kể từ ngày 16/1, khi lượng khí đốt chuyển cho châu Âu là 35,4 triệu m3.

Lượng khí đốt Gazprom chuyển cho châu Âu qua Ukraine ngày 15/2 cao hơn mức 30,8 triệu m3 của ngày 14/2, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 40 triệu m3 trong nửa cuối năm 2022 và đầu tháng 1/2023.

Việc Gazprom chuyển lượng khí đốt lớn hơn có thể gây áp lực giảm giá đối với khí đốt ở châu Âu vốn đang ở gần mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, khoảng 52 Euro/MWh. Trong năm ngoái, giá khí đốt châu Âu đã lên mức kỷ lục hơn 300 Euro/MWh do nguồn cung từ Nga giảm. (AFP)

* Ngày 14/2, EU đưa Nga vào danh sách đen thiên đường thuế của khối này, động thái mới nhất trong một loạt biện pháp kinh tế và ngoại giao được thực hiện đối với Moscow kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong thông báo, EU cho biết, luật thuế năm 2022 của Nga đã không thể xoa dịu những lo ngại về cách xử lý không minh bạch vấn đề thuế của các công ty cổ phần quốc tế. Hội đồng châu Âu cũng nêu rõ: "Ngoài ra, đối thoại với Nga về các vấn đề liên quan đến thuế đã đi vào bế tắc sau xung đột ở Ukraine". (AFP)

* Tối 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về những phát hiện gần đây liên quan vụ nổ hồi tháng 9/2022 tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.

Trước đó, ngày 9/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, cần triển khai việc điều tra sau khi có thông tin cáo buộc Mỹ có liên quan đến các vụ nổ làm hư hại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc hồi năm ngoái. (TASS)

* Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 15/2 cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng của nước này trong tháng 1 vừa qua đã giảm mạnh hơn mức dự báo xuống 10,1%, so với mức 10,5% trong tháng 12/2022.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự báo lạm phát của Anh có thể giảm xuống 10,3% trong tháng 1 năm nay, tiếp tục lùi xa mốc 11,1% trong tháng 10/2022 - mức cao nhất trong 41 năm qua. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 14/2, Văn phòng Nội các Nhật Bản ra thông báo nêu rõ, trong quý IV/2022, nền kinh tế nước này đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng sau một quý tăng trưởng âm vì tác động tiêu cực của lạm phát và sự mất giá của đồng Yen.

Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với quý trước đó. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. (TTXVN)

* Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 15/2 cam kết sẽ giảm gánh nặng kinh tế cho người dân thông qua hạn chế tối đa tăng giá năng lượng và chi phí công cộng trong nửa đầu năm nay.

Phát biểu tại Hội nghị kinh tế khẩn cấp lần thứ 13 về sinh kế của người dân, Tổng thống Yoon đề nghị đóng băng cước phí công cộng đang do chính phủ trung ương quản lý như phí đường bộ, đường sắt, bưu điện trong nửa đầu năm nay, yêu cầu chính quyền địa phương nỗ lực để ổn định cước phí công cộng tại địa phương nhằm giúp ổn định sinh kế cho người dân. (TTXVN)

* Bộ Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 13/2 cho biết, trong năm 2023, Hàn Quốc đặt mục tiêu ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với hơn 10 quốc gia, bao gồm các nước Trung Đông và Mỹ Latinh và Khung xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF) với hơn 20 quốc gia.

Để đạt được mục tiêu trên, chính phủ Hàn Quốc và các ngành hữu quan đã công bố 10 nhiệm vụ thương mại ưu tiên năm 2023, bao gồm việc mở rộng mạng lưới thương mại sang các nền kinh tế mới nổi nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư. (TTXVN)

Hàn Quốc cam kết sẽ giảm gánh nặng kinh tế cho người dân thông qua hạn chế tối đa tăng giá năng lượng và chi phí công cộng trong nửa đầu năm nay. (Nguồn: Yonhap)

Hàn Quốc cam kết sẽ giảm gánh nặng kinh tế cho người dân thông qua hạn chế tối đa tăng giá năng lượng và chi phí công cộng trong nửa đầu năm nay. (Nguồn: Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn cho biết, tổ chức khu vực này đang tìm cách mở rộng sáng kiến một cửa với Nhật Bản nhằm tăng cường thương mại hai chiều trong năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ đối thoại song phương.

ASEAN không chỉ dựa vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - để thúc đẩy thương mại với Nhật Bản. ASEAN còn muốn Nhật Bản trở thành một phần của Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Tổng thư ký Kao nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn chứng kiến sự gia tăng thương mại và đầu tư với Nhật Bản. Chúng tôi đã làm được rất nhiều điều trong 50 năm qua, nhưng chúng tôi hy vọng có thể làm được nhiều hơn nữa trong 50 năm tới. ASEAN cũng hoan nghênh ý định của Nhật Bản thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm nay”. (TTXVN)

* Nhóm công tác Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFCDM-WG) đã thảo luận về việc xây dựng Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 theo kế hoạch công tác năm 2022 và 2023 của ASEAN trong lĩnh vực tài chính.

Trong tuyên bố ngày 11/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Dody Budi Waluyo, cho biết: “Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Indonesia sẽ làm việc với tất cả các nước thành viên để rà soát lĩnh vực tài chính của ASEAN nhằm kịp thời phản ứng với những thay đổi và thách thức khác nhau”. (TTXVN)

* Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Anthomy Albanese và Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan ngày 13/2 ở Australia, hai bên đã trao đổi một số vấn đề nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư đã bị gián đoạn do đại dịch và khủng hoảng toàn cầu, trong đó có việc Indonesia tăng cường nhập khẩu lithium để phát triển ngành công nghiệp pin xe điện.

Phát biểu họp báo ngày 14/2, Bộ trưởng Luhut cho biết, Indonesia đang tập trung phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn, đặc biệt là công nghiệp sản xuất pin lithium. Mặc dù là quốc gia giàu nickel nhưng Indonesia lại không có đủ lithium, nguyên liệu chính trong sản xuất pin xe điện. Do đó, để hoàn thành mục tiêu trở thành nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, Indonesia hy vọng sẽ tăng nhập khẩu lithium từ Australia. (TTXVN)

* Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) ngày 14/2 đã tiết lộ các chiến lược mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong 3-5 năm tới.

Tổng thư ký BoI Narit Therdsteerasukdi cho biết, các chiến lược mới này phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội dài hạn của đất nước, đồng thời nhằm hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh để các công ty trong nước và quốc tế có thể xây dựng nền tảng cho sự phát triển ở Thái Lan.

Trong nội dung các chiến lược mới, BoI có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG), xe điện cũng như các doanh nghiệp số và sáng tạo. (TTXVN)

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-10-162-eu-lai-ban-trung-phat-nga-moscow-yeu-cau-nato-hop-khan-ve-vu-no-dong-chay-phuong-bac-tin-vui-tu-my-216802.html