Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/11): Cấm nhập dầu Nga, EU tạo lỗ hổng lớn; Mỹ 'hạ cánh không nhẹ nhàng'; Đức 'ôm' khí đốt, ung dung đón mùa Đông
Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu chỉ hạ nhiệt khi xung đột Nga-Ukraine được giải quyết, tăng trưởng toàn cầu lại bị hạ dự báo, Moscow có cách mới để bơm dầu sang EU, Mỹ xem xét giảm tốc độ tăng lãi suất… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế thế giới 2023 sẽ là một trong những năm tồi tệ nhất đối với kinh tế toàn cầutrong 4 thập niên
Ngày 16/11, các nhà kinh tế của công ty dịch vụ tài chính Barclays đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2023 với lý do tình trạng lạm phát cao trên diện rộng khó có thể giảm nhanh, buộc nhiều nước phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nhà cung cấp dịch vụ tài chính Anh cảnh báo rằng, năm 2023 có vẻ sẽ là một trong những năm tồi tệ nhất đối với kinh tế toàn cầu trong bốn thập niên qua, và các nền kinh tế tiên tiến có khả năng rơi vào suy thoái.
Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 ở mức 1,7%, thấp hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 9 là 2,2%. Trong năm nay, ngân hàng này dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2%.
Barclays dự kiến các nền kinh tế phát triển sẽ suy giảm trong năm 2023, với suy thoái ở Vương quốc Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu vào quý III và quý IV/2022.
Đối với Mỹ, ngân hàng trên nhận thấy một cuộc suy thoái kéo dài hơn sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này giảm 0,1% vào năm 2023. Barclays dự báo mức tăng trưởng dưới mức 3,8% cho Trung Quốc, do việc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” đang diễn ra chậm, tình trạng lây nhiễm gia tăng và lĩnh vực bất động sản trì trệ.
Barclays cho biết, Ấn Độ sẽ là một trong những nước đóng góp lớn nhất cho đà tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm tới, nhưng đây không phải là nền kinh tế đủ lớn để thay đổi triển vọng toàn cầu. Công ty dự kiến kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng hơn 5% vào năm 2023. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Trong loạt báo cáo mới nhất được công bố ngày 13/11, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ mức lãi suất cao vào năm 2023 vì lạm phát vẫn mạnh sau khi đạt đỉnh vào quý IV năm nay.
Báo cáo cho biết: “Nền kinh tế Mỹ chỉ vượt qua suy thoái vào năm 2023, nhưng cú hạ cánh không nhẹ nhàng lắm vì tăng trưởng việc làm chậm lại đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng”.
Morgan Stanley dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm tới. (Reuters)
* Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard ngày 14/11 cho biết, có thể sẽ sớm đến “thời điểm thích hợp" để Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Nhưng theo bà Brainard, trước tình hình lạm phát vẫn dao động gần mức cao nhất trong bốn thập kỷ, Fed vẫn còn "nhiều việc phải làm”.
Fed quyết tâm “hạ nhiệt” nhu cầu tiêu dùng và đưa lạm phát đến gần mức mục tiêu 2% bằng cách tăng lãi suất 6 lần trong năm nay, bất chấp lo ngại rằng động thái đó có thể gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến, bao gồm cả một số quan chức Fed, ủng hộ việc tăng lãi suất quy mô nhỏ hơn trong những tháng tới. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ khuyến nghị các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm tới trong khoảng 4,5-5,5% tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên vào tháng 12 tới. Việc này đánh dấu sự khởi sắc so với mục tiêu tăng trưởng của năm nay nhưng vẫn cho thấy những tác động của đại dịch và các thách thức khác.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ ưu tiên cho các biện pháp kích thích hơn là các cải cách tại hội nghị năm nay, với việc hoạch định đường lối chính sách cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong đó có các mục tiêu kinh tế.
Hội nghị sẽ chú trọng đến việc thúc đẩy tăng trưởng vốn giảm tốc do các hạn chế nhằm kiểm soát dịch cũng như do sự sa sút của thị trường bất động sản và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chậm lại. (Reuters)
* Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, giá nhà mới tại nước này trong tháng 10 giảm mạnh nhất trong 7 năm, khi lĩnh vực bất động sản điêu đứng vì khủng hoảng nợ và nền kinh tế giảm tốc.
Theo đó, giá nhà mới trong tháng 10 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015, khi giá giảm tại 58 thành phố.
Số liệu trên được công bố sau khi cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc công bố các biện pháp giải cứu lĩnh vực bất động sản trong tuần trước. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Các nhà phân tích nhất trí rằng những tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năng lượng đang được cảm nhận ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế ở châu Âu, và những vấn đề này chắc chắn sẽ còn tồn tại cho đến khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được giải quyết.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, từ đó đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia sẽ rơi vào suy thoái trong mùa Đông này, đồng thời tuyên bố rằng khối này là một trong những nền kinh tế tiên tiến dễ bị ảnh hưởng nhất trước tác động của cuộc khủng hoảng. (THX)
* Doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã giảm trong tháng 10/2022, xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một tuyến đường mới để cung cấp dầu của Nga cho EU.
Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan: “Một tuyến đường mới cho dầu của Nga tới EU đang xuất hiện thông qua Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ankara đã tăng cường nhập khẩu dầu thô của Moscow. Dầu sau đó được xử lý ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế sang EU và Mỹ đã tăng 85% trong tháng 9-10/2022 so với giai đoạn tháng 7-8/2022.
Do đó, theo CREA, các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp một "lối thoát" cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga, bằng cách tinh chế các sản phẩm cho các thị trường không sẵn sàng nhập khẩu dầu thô của Nga trực tiếp hoặc không có năng lực tinh chế để xử lý nó. CREA nhấn mạnh: "Khi EU cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào ngày 5/12, lỗ hổng này có thể trở nên quan trọng". (AFP)
* Kênh truyền hình RT dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nước này ủng hộ việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với điều kiện phải kiểm soát được việc cung cấp ngũ cốc cho những nước đang cần nhất, thay vì cho các nước phương Tây.
Nga cho biết sẽ nhất trí gia hạn thỏa thuận nếu các điều khoản đảm bảo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này. (Reuters)
* Ngày 16/11, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó cho biết, máy biến áp bị hư hỏng của đường ống dẫn dầu Druzhba có thể sẽ sớm được đưa vào hoạt động trở lại.
Đường ống vận chuyển dầu từ Nga đến Hungary, Slovakia và Czech đã ngừng hoạt động kể từ tối 15/11, khi một tên lửa bắn trúng một máy biến áp cần thiết cho hoạt động nhưng phần đường ống không bị hư hại. (TTXVN)
* Nhờ thời tiết ấm áp trong những ngày qua, dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất tại các cơ sở lưu trữ, sẵn sàng cho một mùa Đông thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga.
Báo cáo cập nhật theo ngày của Cơ quan Mạng lưới Liên bang (Đức), cho biết, “tổng mức dự trữ khí đốt của Đức đạt mức 100%”. Theo báo cáo, một số địa điểm lưu trữ có khả năng chứa được nhiều khí đốt hơn và việc dự trữ vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi các kho chứa đạt chỉ tiêu 100%. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 15/11, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Tetsuo Saito thông báo, nước này dự định sẽ cho phép các du thuyền quốc tế cập cảng từ năm tới.
Theo MLIT, các công tác chuẩn bị cần thiết đang được triển khai để tiếp đón các du thuyền chở theo các đoàn khách quốc tế.
Các hiệp hội ngành nghề sẽ soạn thảo các văn bản hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh giữa các du khách. Trong khi đó, các công ty điều hành du thuyền quốc tế sẽ thảo luận với các chính quyền địa phương nơi họ dự định cập cảng và ký thỏa thuận về việc này.
Theo Ủy ban Du thuyền Quốc tế Nhật Bản (JICC), có 166 chuyến thăm của các du thuyền nước ngoài đã được lên kế hoạch từ tháng 3 năm tới. Nếu các kế hoạch đó được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản mở cửa tiếp đón các tàu du lịch quốc tế sau hơn 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19. (TTXVN)
* Ngày 16/11, chính phủ Nhật Bản đã thông qua danh mục các mặt hàng, dịch vụ cần đảm bảo nguồn cung ứng theo Luật thúc đẩy đảm bảo an ninh kinh tế được Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 5/2022.
Danh mục gồm 11 lĩnh vực là: Chất bán dẫn, pin tích điện, nam châm vĩnh cửu, khoáng sản quan trọng, robot công nghiệp và máy móc sản xuất, linh kiện máy bay, hệ thống đám mây, khí thiên nhiên, linh kiện liên quan đến tàu thuyền, thuốc kháng virus và phân bón. (TTXVN)
* Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, nhập khẩu kim chi của nước này đã chạm mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng 10/2022 trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Theo đó, Hàn Quốc nhập kim chi đạt mức kỷ lục 17,02 triệu USD trong tháng 10/2022, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng tăng 16,2% so với tháng trước đó và ghi dấu lần đầu tiên nhập khẩu kim chi hàng tháng của Hàn Quốc vượt mốc 17 triệu USD.
Nhập khẩu kim chi tăng trong tháng 10/2022 được cho là do giá bắp cải, các nguyên liệu khác và các sản phẩm làm kim chi trong nước tăng giá, khiến các nhà hàng và những người tiêu dùng khác chuyển sang nhập giá rẻ hơn từ Trung Quốc. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 16/11, Thượng viện Argentina đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách năm 2023, trong đó dự kiến GDP của nước này sẽ tăng 2%, thấp hơn so với mức dự báo 4% của năm nay.
Thượng nghị sỹ Ricardo Guerra, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện, khẳng định dự toán ngân sách này phù hợp với tình hình thực tế. Liên quan đến lạm phát, văn kiện trên dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng 95% trong năm nay và sẽ giảm dần xuống mức 60% trong năm tới.
Dự luật ngân sách cũng đưa ra mức tính toán tổng nguồn lực của Cơ quan quản lý công quốc gia sẽ đạt khoảng 22,3 nghìn tỷ Pesos (khoảng 136 tỷ USD) trong năm 2023, tương đương với 15,2% GDP và là mức tăng 78,1% so với năm 2022. (TTXVN)
* Chính phủ Thái Lan ngày 15/11 đã thông qua đề xuất của Bộ Y tế về việc cấp thị thực cho những người nước ngoài tới nước này chữa bệnh.
Loại thị thực mới dự kiến sẽ bắt đầu được cấp từ ngày 1/1 năm tới, khi các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Theo đề xuất của Bộ Y tế Thái Lan, loại thị thực chữa bệnh mới cho phép du khách nhập cảnh nhiều lần và có hiệu lực trong vòng 1 năm. Người được cấp thị thực có thể được lưu trú trên lãnh thổ Thái Lan trong thời gian 90 ngày. Ba thành viên trong gia đình bệnh nhân cũng có thể được cấp thị thực kèm theo. Mức phí xin cấp loại thị thực này là 5.000 Baht/người (139,97 USD/người). (TTXVN)
* Chính phủ Indonesia đã chính thức hợp tác với công ty năng lượng tái tạo Sun Cable của Australia để phát triển mạng lưới phân phối năng lượng xanh trị giá 115 tỷ USD.
Theo tuyên bố của Sun Cable ngày 15/11, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (ESDM) và công ty Sun Cable đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, cam kết chính sách kết nối lưới điện liên đảo và phát triển chương trình kỹ thuật. (TTXVN)