Kinh tế thế giới nổi bật (13-19/10): Huawei của Trung Quốc gây sốc thị trường smartphone toàn cầu, lượng khí đốt EU dự trữ đạt tối đa tuyệt đối

Mỹ nhận số liệu kinh tế trái chiều, chi phí vận chuyển dầu Nga sang Ấn Độ tăng gấp đôi, lượng khí đốt EU dự trữ đạt tối đa, thêm một quốc gia cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Đường ống TurkStream dẫn khí đốt Nga tới một số nước châu Âu trong đó có Hungary. (Nguồn: Hungarytoday)

Đường ống TurkStream dẫn khí đốt Nga tới một số nước châu Âu trong đó có Hungary. (Nguồn: Hungarytoday)

Kinh tế thế giới

Doanh số bán smartphone toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất trong thập niên

Thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu ghi nhận doanh số quý III/2023 giảm 8% và cũng là quý III có số liệu thấp nhất trong một thập kỷ qua, chủ yếu do nhu cầu đối với các thương hiệu lớn như Apple và Samsung Electronics ở hầu hết các thị trường phát triển đều giảm sút.

Theo số liệu do Counterpoint Research tổng hợp, thị phần của 5 thương hiệu hàng đầu, bao gồm cả các công ty Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Tính chung, tổng doanh số bán trên thị trường smarphone toàn cầu đã kéo dài chuỗi giảm so với cùng kỳ năm trước đó sang quý thứ chín liên tiếp. Counterpoint Research nhận định, sự suy giảm chủ yếu do nhu cầu tại các thị trường không phục hồi nhanh như kỳ vọng.

Báo cáo làm dấy lên những lo ngại rằng sự sụt giảm liên tục của thị trường smartphone có thể kéo tụt thu nhập sắp tới của các công ty như Apple, vốn ghi nhận doanh số bán ra đã giảm 8% trong quý vừa qua. Lượng hàng bán ra của công ty dẫn đầu thị trường - Samsung Electronics cũng đi giảm 13% trong kỳ báo cáo.

Trong số những công ty tăng thêm thị phần giai đoạn từ tháng 7-9/2023 có Huawei - đối thủ đến từ Trung Quốc của Apple. Bất chấp lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ, Huawei đã gây sốc cho toàn ngành vào đầu năm nay với mẫu smartphone Mate 60 Pro sử dụng con chip tiên tiến tự sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, báo cáo của Counterpoint Research cũng chỉ ra tổng lượng smartphone xuất xưởng đã tăng 2% trên toàn ngành kể từ quý II. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng thị trường có thể chấm dứt chuỗi sụt giảm kéo dài hơn hai năm qua trong quý IV/2023.

Dữ liệu của Counterpoint Research còn chỉ ra các thị trường mới nổi vẫn là điểm sáng về doanh số bán smartphone trong quý III. Theo đó, Trung Đông và châu Phi là những khu vực duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng doanh số hằng năm trong quý vừa qua.

Nhưng về tổng thể, Counterpoint Research nhận định thị trường smartphone toàn cầu dự kiến sẽ vẫn suy giảm trong cả năm 2023 xuống mức thấp nhất trong thập niên. Điều này phần lớn do sự thay đổi trong thói quen thay thế thiết bị của người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thị trường phát triển. (AFP, Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Kinh tế Mỹ đón nhận những số liệu trái chiều trong ngày 17/10, khi sản lượng chế tạo của nước này đã tăng vượt kỳ vọng trong tháng 9/2023 bất chấp các cuộc đình công trong ngành sản xuất ô tô, nhưng niềm tin của giới xây dựng nhà đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm trong tháng 10.

Theo báo cáo do Hiệp hội Xây dựng nhà quốc gia (NAHB) kết hợp với Wells Fargo tổng hợp và công bố ngày 17/10, Chỉ số niềm tin của các nhà xây dựng Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống mức 40 trong tháng này, sau khi chỉ số của tháng Chín được điều chỉnh ở mức 44.

Đây là dấu hiệu cho thấy lãi suất thế chấp cao đang đè nặng lên sự lạc quan của các công ty xây dựng và người mua nhà.

* Cùng ngày 17/10, số liệu do Fed công bố cho thấy sản lượng chế tạo của nước này đã tăng 0,4% trong tháng 9, cao hơn mức dự báo tăng 0,1% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, số liệu của tháng Tám lại được điều chỉnh xuống thấp hơn với mức sản lượng giảm 0,1% thay vì tăng 0,1% như báo cáo ban đầu.

So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng chế tạo của Mỹ giảm 0,8%. Còn tính riêng trong quý III/2023, sản lượng chế tạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới không thay đổi. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo số liệu chính thức được công bố ngày 18/10, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2023 tăng nhanh hơn dự đoán, qua đó cho thấy sự phục hồi gần đây có thể tạo đủ đà để kinh tế nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm mà chính phủ đặt ra.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự đoán 4,4% mà giới phân tích đưa ra trong khảo sát của hãng tin Reuters.

So với quý trước đó, GDP quý III tăng 1,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng đã điều chỉnh 0,5% trong quý II và cũng vượt mức tăng dự đoán 1%. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt 4,9% trong quý IV. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Theo dữ liệu của Cơ sở Hạ tầng khí đốt châu Âu, tổng trữ lượng khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức tối đa tuyệt đối kỷ lục. Hiện tại, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu đã lấp đầy 97,89% (cao hơn 8,54 điểm phần trăm so với mức trung bình vào thời điểm này trong 5 năm qua), chứa 107,75 tỷ m3 khí đốt. Các nước châu Âu đã lấp đầy các kho chứa dưới lòng đất lượng khí đốt đạt mục tiêu 90% cho mùa sưởi ấm vào giữa tháng 8. Trước đây, Ủy ban châu Âu lên kế hoạch đạt được chỉ số này vào tháng 11. (TTXVN)

* Ngày 17/10, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, thu nhập của các công ty thuộc chỉ số STOXX 600 trên toàn châu Âu sẽ tăng 3% vào năm 2023, so với dự báo không tăng trưởng được đưa ra trước đó, do giá dầu tăng cao.

Theo Goldman Sachs, giá dầu cao hơn sẽ mang lại doanh thu cao hơn và lợi ích cho các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa. Cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lớn ở châu Âu như BP, Shell và TotalEnergies đã tăng từ 4,5% đến 7% kể từ khi xung đột Israel-Hamas bắt đầu diễn ra. (Reuters)

* Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), nước này xuất khẩu 520.000 chiếc xe điện (EV) trong thời gian từ tháng 1-8/2023, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu EV đạt 23,9 tỷ Euro (25,2 tỷ USD). Phần lớn xe EV của Đức được xuất sang Bỉ, tiếp đến là Hà Lan và Anh.

Mặc dù EV đang bùng nổ, xe động cơ đốt trong truyền thống tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn nhất trong xuất khẩu xe ô tô con của Đức. Theo Destatis, 1,1 triệu chiếc xe động cơ đốt trong trị giá 42 tỷ Euro đã được xuất khẩu tính đến cuối tháng 8/2023. (THX)

* Theo các nguồn tin, phí vận chuyển dầu từ các cảng trên biển Baltic của Nga tới Ấn Độ tăng khoảng 50% kể từ tuần trước, khi có thêm các hãng tàu dừng cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, phí vận chuyển tăng lên khoảng 7,5 triệu USD/chuyến từ ngày 16/10, so với mức 4,5-4,8 triệu USD/chuyến trong tuần trước.

Phí vận chuyển trong xu hướng tăng trên nhiều tuyến vận chuyển, từ Tây Phi tới vùng vịnh Mỹ, Tây Phi đến Địa Trung Hải và qua Địa Trung Hải, khiến các hãng tàu tìm kiếm các lựa chọn thay thế an toàn hơn. (Reuters)

* Chính phủ Nga cho biết, nước này đã đình chỉ tất cả hoạt động nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản, sau khi Tokyo quyết định xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị đóng cửa ra Thái Bình Dương.

Rosselkhoznadzor, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm nông nghiệp của Nga, cho biết họ đang cùng thực hiện các biện pháp tạm thời về hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản kể từ ngày 16/10 như một "biện pháp phòng ngừa”.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản liên quan tới việc xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima. (AFP)

* Theo số liệu do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 18/10, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2023 của Cộng hòa Czech là 8,3%, cao thứ 4 trong EU. Tỷ lệ lạm phát trung bình của toàn EU là 4,9%. Quốc gia EU có tỷ lệ lạm phát cao nhất là Hungary với 12,2% và đây cũng là thành viên duy nhất của EU có mức lạm phát trên 10%. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Sanjaya Panth, ngày 14/10, cho biết, sự sụt giá gần đây của đồng Yen xuất phát từ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng Nhật Bản nên cân nhắc không can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Theo ông Panth, IMF coi việc can thiệp ngoại hối chỉ hợp lý khi có sự rối loạn nghiêm trọng trên thị trường, rủi ro ổn định tài chính tăng cao hoặc nguy cơ lạm phát không còn ổn định. Tuy nhiên, đối với trường hợp đồng Yen, không có bất kỳ yếu tố nào trong ba yếu tố chính kể trên đang tồn tại. (Reuters)

* Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 17/10 công bố duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc là AA- và triển vọng tín nhiệm "ổn định" trong nửa cuối năm 2023.

AA- là mức cao thứ 4 trong thang xếp hạng tín nhiệm của Fitch, sau AAA, AA+ và AA. Fitch đã nâng xếp hạng tín dụng quốc gia của Hàn Quốc từ A+ lên AA- vào năm 2012 và vẫn duy trì mức xếp hạng tương tự từ đó đến nay.

Trong đánh giá lần này, Fitch chọn ra những điểm mạnh của nền kinh tế Hàn Quốc là các biện pháp cải thiện trong lĩnh vực tài chính và tính lành mạnh trong đối ngoại tốt, khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô và sự năng động trong lĩnh vực xuất khẩu; đồng thời phản ánh cả rủi ro địa chính trị liên quan đến Triều Tiên và vấn đề cơ cấu dân số do già hóa. (TTXVN)

* Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho mới đây khẳng định, quốc gia này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2% vào năm 2024, đúng như dự báo của IMF. Hơn nữa, Bộ trưởng Choo cũng tiết lộ ngân sách của Hàn Quốc cho năm 2024 sẽ không thắt chặt, mà ngược lại sẽ mở rộng hơn và lãi suất cơ bản nhiều khả năng sẽ đi xuống do đã đạt đỉnh.

Tuy nhiên, trái với nhận định lạc quan của Bộ trưởng Choo, các nhà nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc và giới đầu tư cho rằng triển vọng kinh tế của nước này trong năm 2024 không mấy sáng sủa. Theo các chuyên gia, IMF vừa tiếp tục hạ dự báo đối với Hàn Quốc, do lo ngại những ảnh hưởng từ môi trường quốc tế sẽ tác động đến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. (TTXVN)

Nga đình chỉ tất cả hoạt động nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ 16/10. (Nguồn: Getty)

Nga đình chỉ tất cả hoạt động nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ 16/10. (Nguồn: Getty)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chính phủ Australia ngày 16/10 cho biết, nước này đã lên kế hoạch bảo vệ người dân khỏi sự sụp đổ của tiền điện tử bằng cách buộc các nền tảng này phải có giấy phép dịch vụ tài chính.

Trong một tài liệu đề xuất, Bộ Tài chính Australia kiến nghị, bất kỳ sàn giao dịch tiền điện tử hoặc nền tảng tài sản kỹ thuật số nào có tổng tài sản trị giá hơn 5 triệu AUD (3,2 triệu USD) đều sẽ phải tuân thủ yêu cầu nói trên. (TTXVN)

* Theo dự báo từ Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), sản lượng gạo của Indonesia dự kiến giảm 650.000 tấn trong năm nay, tương ứng giảm 2,05% so với năm ngoái.

Năm nay, sản lượng gạo dự kiến dao động khoảng 30,90 triệu tấn. Dữ liệu của BPS cho thấy sản lượng gạo từ tháng 10-12/2023 dự kiến giảm 10,92% xuống 4,78 triệu tấn từ mức 5,37 triệu tấn năm ngoái. (TTXVN)

* Theo dự báo mới nhất của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), xuất khẩu của nước này trong năm 2024 có thể phục hồi để đạt tăng trưởng 3,6%, thay vì mức giảm 2% từ dự báo đã đưa ra trước đó.

Việc điều chỉnh dự báo dựa trên thực tế là lạm phát trên toàn cầu đang dần suy giảm và nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu hạ lãi suất, có khả năng sẽ làm tăng nhu cầu hàng hóa. (TTXVN)

* Theo IMF, GDP thực tế của Malaysia dự kiến sẽ tăng 4,3% vào năm 2024, cao hơn mức dự báo trước đó là 4,0%. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu xuất khẩu toàn cầu cao hơn, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghệ.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi công bố báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực (REO) của IMF cho châu Á - Thái Bình Dương ngày 18/10, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF Shanaka (Jay) Peiris cho biết Malaysia là một nền kinh tế mở, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử (E&E).

Ông bày tỏ kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu xuất khẩu sẽ dần phục hồi, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cũng sẽ khởi sắc trong năm tới và điều đó sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng 3% hoặc cao hơn. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-13-1910-huawei-cua-trung-quoc-gay-soc-thi-truong-smartphone-toan-cau-luong-khi-dot-eu-du-tru-dat-toi-da-tuyet-doi-246673.html