Kinh tế thế giới nổi bật (28/4-4/5): Vàng Nga 'hạ cánh' châu Á; ra lệnh cấm, EC vẫn 'nương tay' với ngũ cốc Ukraine; EU chưa thoát phụ thuộc khí đốt

'Né' trừng phạt, vàng Nga chuyển hướng sang châu Á, ngũ cốc Ukraine bị cấm xuất khẩu sang 5 quốc gia EU, Mỹ tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, châu Âu chưa thoát cảnh phụ thuộc khí đốt… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Sau khi EU và G7 áp đặt các biện pháp trừng phạt, vàng của Nga đã chuyển hướng sang các thị trường châu Á. (Nguồn: Kitco)

Sau khi EU và G7 áp đặt các biện pháp trừng phạt, vàng của Nga đã chuyển hướng sang các thị trường châu Á. (Nguồn: Kitco)

Kinh tế thế giới

IMF nâng dự báo kinh tế khu vực châu Á

Ngày 2/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi.

Theo IMF, việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc đóng vai trò then chốt đối với châu Á, vì khu vực này có lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ phát triển hơn lĩnh vực đầu tư. Kinh tế châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu. Quỹ nâng dự báo thêm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10 năm ngoái. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những động lực phát triển chính, với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%.

Tuy nhiên, IMF giảm 0,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm 2024, xuống còn 4,4%. Quỹ này cảnh báo về những rủi ro đáng chú ý đối với triển vọng kinh tế châu lục như lạm phát cao hơn dự kiến, nhu cầu toàn cầu chậm lại và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên khoảng 5%-5,25%. Tuy vậy, Fed cho biết, có thể tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất để có thời gian đánh giá hậu quả từ các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây cũng như theo dõi tình hình lạm phát.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Mỹ kể từ tháng 3/2022. Fed cho biết cơ quan này sẽ đánh giá tình hình kinh tế, lạm phát và thị trường tài chính trong thời gian tới để xác định mức độ phù hợp của các chính sách bổ sung. (Reuters)

* Bà Heather Boushey, thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho rằng, Fed đang tăng lãi suất với hy vọng giảm lạm phát và điều đó đang có tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng, và không nên “đổ dầu vào lửa” (bằng vấn đề trần nợ công).

Bà Boushey cho biết, Quốc hội có thể dễ dàng loại bỏ rủi ro vỡ nợ bằng cách tăng trần nợ công, trong khi vấn đề lãi suất và tác động của lãi suất đối với hệ thống ngân hàng là một câu hỏi phức tạp hơn nhiều mà không một thực thể đơn lẻ nào có thể giải quyết. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/4, hoạt động sản xuất của nước này bất ngờ sụt giảm trong tháng 4/2023 làm gia tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc tháng 4/2023 đạt 49,2, giảm so với 51,9 trong tháng 3/2023 và dưới mức 50 - ngưỡng phân định giữa tăng trưởng hay suy giảm.

Diễn biến trên không đáp ứng được mức kỳ vọng 51,4 mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò của hãng Reuters và đánh dấu sự thu hẹp lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022, thời điểm PMI sản xuất chính thức ở mức 47. (TTXVN)

* Sự bùng nổ du lịch tại Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động năm nay được cho là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi tổng thể và sức bật mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” trong năm nay.

Theo ước tính, kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày ghi nhận hơn 200 triệu chuyến đi nội địa, mang lại tổng doanh thu du lịch hơn 100 tỷ NDT (khoảng 14,44 tỷ USD). Đây có thể coi là bước ngoặt của ngành du lịch Trung Quốc.

Theo dự báo của cơ quan quản lý đường sắt, người dân thực hiện khoảng 120 triệu chuyến đi trong giai đoạn 27/4 đến 4/5, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch cho thấy hơn 1,2 tỷ chuyến đi nội địa đã được thực hiện trong quý I/2023, mang lại doanh thu du lịch 1.300 tỷ NDT, tăng lần lượt 46,5% và 69,5% so với cùng kỳ năm ngoái. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 2/5 cho biết, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã tăng lên 7% trong tháng 4/2023, mức tăng đầu tiên sau 5 tháng giảm liên tiếp.

Kết quả này nằm ngoài dự đoán của thị trường, khi các nhà phân tích của FactSet và Bloomberg đã dự đoán tỷ lệ này sẽ vẫn ổn định trong tháng Tư.

Theo Eurostat, trong số 20 quốc gia sử dụng đồng Euro, Luxembourg có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 2,7% trong tháng 4/2023. Dữ liệu cũng cho thấy, lạm phát ở Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU - đã giảm xuống 7,6% trong tháng 4/2023, từ mức 7,8% một tháng trước đó. Nhưng tại Pháp, giá tiêu dùng đã tăng 6,9% trong tháng Tư vừa qua, sau khi tăng 6,7% trong tháng Ba. (AFP)

* Trung tâm hỗ trợ quyết định và thông tin văn phòng (IDSC) của Ai Cập ngày 3/5 trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng đáng kể nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Ai Cập trong năm 2022.

Theo IDSC, EU trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt từ Mỹ, Angola, Na Uy, Qatar, Ai Cập và Azerbaijan trong bối cảnh tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Mới đây, Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập thông báo lần đầu tiên nước này đã xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt tự nhiên sang châu Âu. (TTXVN)

Ngày 29/4, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho hay, Kiev có thể cần gói hỗ trợ tài chính trị giá 18 tỷ Euro (19,7 tỷ USD) từ EU vào năm 2024.

Hồi tháng 11/2022, ông Marchenko nói rằng, ngân sách của Ukraine đã phải đối mặt với khoản thâm hụt khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga hồi cuối tháng 2/2022, với 2/3 số tiền nhận được thông qua các khoản vay và trợ cấp nước ngoài, và 3/4 được chi tiêu cho nhu cầu quân sự.

Vào tháng 12/2022, EU đã thống nhất về một bộ tài liệu cho phép liên minh phân bổ 18 tỷ Euro viện trợ tài chính cho Ukraine vào năm 2023. (TTXVN)

* Ngày 2/5, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức cấm Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang 5 nước châu Âu, nhưng vẫn cho phép nước này trung chuyển và xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên EU khác. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 2/5-5/6.

Tuyên bố của EC nêu rõ, những biện pháp nói trên nhằm giảm tắc nghẽn về logistics liên quan đến những nông sản này tại Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Đây là các biện pháp phòng ngừa đặc biệt và tạm thời đối với việc nhập khẩu một số lượng hạn chế các sản phẩm từ Ukraine. Các biện pháp này chỉ liên quan đến 4 loại nông sản là lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương, có nguồn gốc tại Ukraine. (TASS)

* Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn dữ liệu của công ty phân tích ImportGenius ngày 3/5 cho biết, sau khi EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt các biện pháp trừng phạt, vàng của Nga đã chuyển hướng sang các thị trường châu Á, bao gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hong Kong (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, các công ty ít tên tuổi bắt đầu bán kim loại quý này của Nga.

Hàng chục công ty logistics và thương nhân, những người kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực vàng, đã tiếp quản hoạt động buôn bán vàng thỏi của Nga kể từ khi nước này bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế. Và thay vì vận chuyển số lượng lớn đến London để đưa vào hầm các ngân hàng hàng đầu như JPMorgan Chase và HSBC, các lô hàng của Nga đang được chuyển từng phần đến những nơi như UAE, Hong Kong và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi không bị hạn chế.

Từ tháng 3-8/2022, hơn 300 triệu USD vàng Nga đã được vận chuyển qua Hong Kong. Đây chỉ là phần nhỏ trong số vàng trị giá 1,2 tỷ USD của Nga mà JPMorgan cung cấp chỉ trong hai tháng đầu năm 2022. (Bloomberg)

* Trả lời phỏng vấn tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Mevlut Cavusoglu cho biết, ngũ cốc và phân bón của Nga có thể được mua thông qua trung gian là một ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, ngân hàng này sẽ xử lý các khoản thanh toán cho Nga.

Theo ông Cavusoglu, Tổng thống Erdogan đã nhận được một lá thư với lộ trình của Liên hợp quốc (LHQ) để khắc phục những vấn đề này trong đó đề cập sự tham gia của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, vào các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cần có được sự đảm bảo rằng các ngân hàng của mình không rơi vào lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cho biết đã thảo luận vấn đề này với những người đồng cấp từ Mỹ và Anh, bởi hai quốc gia này là nền tảng trong lĩnh vực ngân hàng và việc đưa ngân hàng nông nghiệp Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng phụ thuộc vào hai nước này. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Một khảo sát gần đây của Teikoku Databank Ltd., công ty cung cấp các dịch vụ nghiên cứu tài chính và hỗ trợ, cho thấy, giá các sản phẩm tiêu dùng tại Nhật Bản tăng một phần do dịch cúm gia cầm khiến giá trứng tăng và sản lượng rong biển thấp.

Tổng số các mặt hàng tăng giá vượt mức 20.000, sớm hơn ba tháng so với năm ngoái, khi thời điểm vượt ngưỡng này là tháng Bảy. Nếu tốc độ tăng giá được duy trì, con số này có thể vượt mức 30.000 trong mùa Thu.

Cụ thể, trong tháng Ba, có 9.667 sản phẩm tăng giá. Con số này trong tháng Tư là 5.116, tháng Năm và tháng Sáu tương ứng khoảng 820 và 3.300. (Kyodo)

* Xuất khẩu của Hàn Quốc đã bị thu hẹp trong 7 tháng liên tiếp do sự sụt giảm liên tục của chất bán dẫn và hóa dầu - những sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của nước này.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thâm hụt thương mại trong 14 tháng liên tiếp với tổng thâm hụt thương mại lũy kế trên 25 tỷ USD. Riêng tháng 4/2023, quốc gia này ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 2,92 tỷ USD. (TTXVN)

* Chính phủ Nhật Bản ngày 28/4 thông báo sẽ đưa Hàn Quốc trở lại danh sách đối tác thương mại được ưu đãi, sau khi Seoul đưa ra quyết định tương tự đối với Tokyo. Trong thông báo, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nêu rõ, nước này sẽ khôi phục quy chế ưu đãi đối với Hàn Quốc.

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc ngày 24/4 đã đưa Nhật Bản trở lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy sau hơn 3 năm gián đoạn. Đây là động thái nhằm cải thiện mối quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương sau cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 3. (Kyodo)

Nhật Bản đưa Hàn Quốc trở lại danh sách đối tác thương mại được ưu đãi. (Nguồn: koreaherald.com)

Nhật Bản đưa Hàn Quốc trở lại danh sách đối tác thương mại được ưu đãi. (Nguồn: koreaherald.com)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn mạnh mẽ và tiếp tục là một thành tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 26 được tổ chức tại thành phố Incheon của Hàn Quốc ngày 2/5, bà Sri Mulyani cho rằng, khu vực kinh tế ASEAN đang cho thấy những bước chuyển biến tích cực trong tiến trình khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sự hợp tác của các nước ASEAN nhằm tăng cường vai trò của Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và các sáng kiến khác có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của khu vực cũng như sự thịnh vượng và ổn định của thế giới. (TTXVN)

* Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước ASEAN+3 (gồm các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đã nhất trí tăng cường hợp tác tài chính khu vực tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước ASEAN+3 lần thứ 26.

Các bên cũng nhất trí hợp tác tài chính thông qua Sáng kiến Tương lai ASEAN+3 bao gồm tài trợ cơ sở hạ tầng tài chính, nghiên cứu các cơ sở phi tài chính, và nghiên cứu về chiến lược số hóa tài chính, tài chính bền vững, nợ, và các giao dịch nội tệ. (TTXVN)

* Thái Lan đã xuất khẩu được 2,06 triệu tấn gạo trong quý đầu năm nay, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thông báo mới đây, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 38,06 tỷ Baht, tăng 29,26% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, Iraq là thị trường lớn nhất, chiếm 16,38%; tiếp đó là Indonesia (13,08%); Mỹ (8,62%); Nam Phi (8,24%) và Senegal (5,86%). (TTXVN)

* Chiều 3/5, trong một động thái bất ngờ, Ngân hàng trung ương Malaysia thông báo tăng lãi suất chính sách qua đêm (OPR) thêm 25 điểm cơ bản lên 3%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 của ngân hàng trung ương này kể từ tháng 1/2022.

Biên độ OPR sàn-trần cũng được nâng lên lần lượt là 2,75-3,25%. Trước cuộc họp, nhiều nhà quan sát dự đoán Ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75% sau ba lần không tăng lãi suất trước đó. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-284-45-vang-nga-ha-canh-chau-a-ra-lenh-cam-ec-van-nuong-tay-voi-ngu-coc-ukraine-eu-chua-thoat-phu-thuoc-khi-dot-225816.html