Kinh tế thế giới nổi bật (7-13/4): Nga 'không hề hấn' bởi trừng phạt, GDP sẽ tăng đáng kể; Ukraine có 'bước ngoặt lớn'; Nhật-Hàn hợp tác về LNG

Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục đà giảm, GDP của Nga sẽ tăng đáng kể trên thực tế, Ukraine có 'bước ngoặt lớn' khi xuất khẩu điện, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ tăng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Các xu hướng tích cực của nền kinh tế Nga đang được củng cố. (Nguồn: Bloomberg)

Các xu hướng tích cực của nền kinh tế Nga đang được củng cố. (Nguồn: Bloomberg)

Kinh tế thế giới IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục đà giảm

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 11/4 đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023; thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 1 vừa qua.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới được công bố, IMF nhận định: "Ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022".

Cũng theo báo cáo, quỹ này dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% và 4,5% lần lượt trong các năm 2023 và 2024. IMF nhấn mạnh: "Khi làn sóng Covid-19 lắng xuống (ở Trung Quốc) vào tháng 1 năm nay, các chỉ số kinh tế tần suất cao, chẳng hạn như doanh số bán lẻ và đặt chỗ du lịch, bắt đầu tăng lên. Việc mở cửa trở lại và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ tạo ra tác động tích cực, thậm chí tác động càng lớn hơn đối với các quốc gia có quan hệ thương mại mạnh mẽ và phụ thuộc vào du lịch Trung Quốc".

Ngoài ra, IMF bày tỏ lạc quan rằng, triển vọng kinh tế của các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển nhìn chung cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. IMF nêu rõ: “Tính bình quân thì tăng trưởng được dự đoán ở mức 3,9% trong năm 2023 và tăng lên 4,2% trong năm 2024”. (THX)

Kinh tế Mỹ

* Theo các số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/4, thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang nước này trong nửa đầu năm tài khóa 2023 đã đạt mức 1.100 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, do chi tiêu cao hơn cho giáo dục, phúc lợi y tế và thanh toán lãi cho các khoản nợ.

Tính riêng trong tháng Ba, mức thâm hụt ngân sách là 378 tỷ USD. Khoản thanh toán lãi cho các khoản nợ tồn đọng trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2023 đạt tổng cộng 384 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. (Reuters)

* Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này hầu như không tăng trong tháng Ba do giá xăng dầu giảm, song giá thuê nhà tiếp tục tăng cao khiến áp lực lạm phát vẫn âm ỉ, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trở lại vào tháng tới.

CPI của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng Ba, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 5,0% vào tháng Ba, giảm so với mức tăng 6,0% của tháng Hai và là mức tăng hằng năm thấp nhất kể từ tháng 5/2021. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Trong mùa báo cáo thu nhập gần đây, các ngân hàng Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong (Trung Quốc) đã gửi đi tín hiệu tích cực về chất lượng tài sản. Theo cơ quan quản lý đại lục, năm ngoái, các ngân hàng đã bán khoản nợ xấu, với trị giá 2.700 tỷ NDT (392 tỷ USD).

Một biện pháp khác được các ngân hàng sử dụng để xử lý các khoản nợ xấu là chứng khoán hóa, trong đó các khoản tín dụng được sử dụng để bán trái phiếu cho nhà đầu tư. (Nikkei Asia)

* China Daily cho biết, Trung Quốc sẽ chứng kiến sự bùng nổ du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới, cho thấy nhu cầu du lịch mạnh mẽ của người dân sau khi nước này dỡ bỏ hạn chế Covid-19.

Báo cáo của Tuniu, một cổng thông tin du lịch của Trung Quốc, cho biết, các điểm đến bao gồm Thái Lan, New Zealand và Maldives vẫn là những lựa chọn phổ biến đối với du khách quốc gia Đông Bắc Á này. Đồng thời, một số điểm đến châu Phi và châu Âu, chẳng hạn như Ai Cập và Pháp, có thể tăng lượt du lịch bởi những hãng hàng không có công suất cao.

Tính đến ngày 6/4, số lượt đặt phòng nước ngoài trên Trip.com đã tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước, tờ báo cho biết. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Trong một cuộc họp về các vấn đề kinh tế ngày 11/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các xu hướng tích cực của nền kinh tế Nga đang được củng cố, kể từ đầu tháng Tư, trong đó doanh số bán lẻ đã tăng gần 25%.

Ông Putin tin tưởng, GDP của Nga sẽ tăng đáng kể trên thực tế. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, chính phủ đã điều chỉnh dự báo phát triển kinh tế xã hội theo hướng cải thiện.

Chỉ số của Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 3/2023 đạt 56,8 điểm và Tổng thống Putin nhấn mạnh đây "là giá trị cao thứ ba trong lịch sử và trực tiếp nói lên sự lạc quan ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước”.

IMF, trong dự báo tháng Tư về kinh tế toàn cầu, đã nâng kỳ vọng tăng trưởng GDP của Nga năm nay lên 0,7% (dự báo tháng Một là 0,3%), đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2024 từ 2,1% xuống 1,3%.

Cơ quan thống kê nhà nước Nga (Rosstat) ngày 12/4 cho hay, lần đầu tiên lạm phát của nước này giảm xuống dưới 4% trong tháng 3/2023 kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có chống lại Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo đó, lạm phát của Nga trong tháng 3 ở mức 3,51% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức 10,99% của tháng 2. (TTXVN)

* Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko ngày 11/4 cho biết, nước này đã bắt đầu nối lại xuất khẩu điện sang các nước châu Âu, một bước ngoặt lớn so với sáu tháng trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã ảnh hưởng đến các nhà máy điện, khiến phần lớn lãnh thổ chìm trong bóng tối.

Ông Halushchenko nói, nhu cầu năng lượng trong nước của Ukraine được cung cấp “100%”, và nước này có nguồn dự trữ để xuất khẩu. Trước đó, Ukraine đã phải dừng xuất khẩu điện vào tháng 10/2022 để đáp ứng nhu cầu trong nước. (AP)

* Dịp lễ Phục sinh năm nay vào cuối tuần qua ghi nhận sự phục hồi tích cực của các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở thủ đô Rome của Italy.

Khoảng 90% số phòng khách sạn đã kín chỗ, trong khi lượng đặt bàn trước ở các nhà hàng tăng 30% so với dịp lễ Phục sinh năm ngoái. Số liệu này thậm chí còn cao hơn dịp lễ Phục sinh năm 2009, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cơ quan Du lịch vùng Lazio cho biết, lượng du khách đến thủ đô Rome ước tính đạt khoảng 415.000 lượt, tăng 63,39% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 11,35% so với cùng kỳ năm 2019, qua đó đưa số lượng khách lưu trú qua đêm đạt 660.000 lượt. Tình hình kinh doanh của các nhà hàng, cơ sở ăn uống tại Rome cũng rất lạc quan. (TTXVN)

* Bỉ đang trở thành một vùng đất thiết yếu của đổi mới. Nếu tính số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế trên tổng số dân, Bỉ vượt Pháp, Mỹ, Canada và Anh.

Mặc dù là một đất nước quy mô nhỏ nhưng Bỉ cho thế giới thấy tiềm năng to lớn về sáng chế. Khi công bố Chỉ số Bằng sáng chế 2022, Bỉ đã nêu bật năng lực đổi mới mạnh mẽ của mình.

Quốc gia này xếp thứ 7 ở châu Âu về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế, với 2.604 đơn (+5%). Ở cấp độ toàn cầu, Bỉ thậm chí còn đứng ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng số lượng đơn đăng ký tính trên một triệu dân, vượt xa các cường quốc công nghiệp lớn như Pháp, Mỹ hay Nhật Bản.

Theo ông Yann Ménìere, nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu (EPO), “kết quả hoạt động tốt của năm 2022 khẳng định kết quả của năm 2021 với mức tăng 3%. Sự gia tăng này không phải là sự phục hồi đơn giản sau Covid-19. Đó là dấu hiệu của một sự năng động trong lĩnh vực này". (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Công ty nhiệt điện lớn nhất Nhật Bản là JERA đã ký kết biên bản ghi nhớ với công ty năng lượng KOGAS của Hàn Quốc về việc hợp tác trong việc điều phối nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong trường hợp nguồn cung loại nhiên liệu này rơi vào tình trạng khan hiếm.

Theo đó, JERA và KOGAS sẽ thảo luận về việc điều phối nguồn dự trữ LNG của nhau khi xảy ra khủng hoảng nguồn cung trên phạm vi toàn thế giới, đồng thời, vận dụng hiệu quả hơn phương thức vận chuyển loại năng lượng này bằng tàu.

Ngoài KOGAS, JERA cũng đang tiếp tục thảo luận với một số doanh nghiệp nhập khẩu LNG khác nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung ứng loại năng lượng này. (TTXVN)

* Theo khảo sát của Văn phòng chính phủ Nhật Bản, chỉ số thái độ người tiêu dùng của nước này trong tháng 3/2023 tiếp tục duy trì đà tăng cao của các tháng trước đó. Đây là tín hiệu tốt trong bối cảnh lạm phát tại quốc gia Đông Bắc Á liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian qua.

Chỉ số thái độ người tiêu dùng thể hiện ý định mua sắm của các hộ gia đình tại Nhật Bản trong thời gian tới. Theo khảo sát của Văn phòng chính phủ Nhật Bản, chỉ số này trong tháng 3/2023 đạt 33,9 điểm, tăng 2,6 điểm so với tháng 2/2023 và tiếp tục duy trì mức tăng cao kể từ tháng 6/2022 đến nay.

Trên cơ sở kết quả khảo sát này, Văn phòng chính phủ Nhật Bản đã điểu chỉnh chỉ số dự báo cơ bản về tâm lý tiêu dùng ở mức “có động thái phục hồi”, lần đầu tiên sau 2 tháng. (TTXVN)

IMF dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, giảm 0,2% so với mức dự báo 1,7% đưa ra hồi tháng 1/2023. (Nguồn: Yonhap)

IMF dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, giảm 0,2% so với mức dự báo 1,7% đưa ra hồi tháng 1/2023. (Nguồn: Yonhap)

* Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) công bố ngày 11/4, IMF dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, giảm 0,2% so với mức dự báo 1,7% đưa ra hồi tháng 1/2023. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dù vừa công bố giữ nguyên lãi suất chuẩn song cũng cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này năm nay có thể thấp hơn so với dự báo 1,6% đưa ra hồi tháng 2/2023.

Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều nhận định bi quan rằng nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đã tăng trưởng âm 0,4% trong quý IV/2022 sẽ khó có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái trong năm 2023.

Kể từ khi dự đoán tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2023 ở mức 2,9% vào tháng 1/2022, IMF đã 4 lần liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tờ The Economic Times cho biết, phát biểu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) về các hiệp định thương mại tự do (FTA) ở Washington, Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, các FTA hiện được ký kết theo cách "nhanh hơn", đồng thời thông báo rằng cuộc đàm phán FTA giữa Anh và Ấn Độ vẫn đang diễn ra.

Nhận định của bà được đưa ra vào thời điểm một báo cáo gần đây cho rằng các cuộc đàm phán FTA giữa hai nước đang bị đình chỉ, do các vấn đề liên quan tới chính trị.

Bà Sitharaman nói: “Chúng tôi vừa ký kết một hiệp định với Australia. Trước đó, chúng tôi đã ký kết với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mauritius và với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chúng tôi đã mở rộng chế độ miễn hạn ngạch và miễn thuế cho các nước kém phát triển nhất".

Đại diện Ấn Độ khẳng định đang đàm phán thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Canada. (TTXVN)

* Niềm tin của người tiêu dùng Thái Lan đã tăng tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng Ba vừa qua, đạt mức cao nhất trong ba năm trở lại đây nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch và chi tiêu cho cuộc bầu cử sắp tới tại đất nước Chùa Vàng.

Kết quả khảo sát của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) công bố ngày 11/4 cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Thái Lan đã tăng lên 53,8 trong tháng Ba từ mức 52,6 trong tháng Hai.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan (BoT) Sethaput Suthiwartnarueput ngày 10/4 nhận định rằng, nền kinh tế Thái Lan có khả năng phục hồi và có thể chịu được nhiều cú sốc, dự đoán GDP nước này sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay. (TTXVN)

* Các doanh nghiệp đầu tư vào Kura-Kura Bali sẽ được miễn thuế thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định sau khi khu vực này được công nhận là đặc khu kinh tế (SEZ) vào ngày 5/4 vừa qua.

Ngoài miễn giảm thuế thu nhập, các doanh nghiệp cũng được hưởng các ưu đãi khác như miễn thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu,… cũng như các lợi ích liên quan đến lưu thông hàng hóa, lao động, nhập cư, cấp phép kinh doanh, đất đai và quy hoạch không gian.

Với việc Kura-Kura Bali được công nhận là SEZ, các doanh nghiệp có thể nhận được nhiều ưu đãi hơn như miễn thuế thuế giá trị gia tăng trong 10 năm cho các khoản đầu tư có giá trị từ 100-500 tỷ Rupiah (6,7-33,6 triệu USD). (TTXVN)

* Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia đã được thay đổi tên thành Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI).

Trong tuyên bố ngày 12/5, MITI khẳng định, việc đổi tên này phù hợp với quyết định của Thủ tướng Anwar Ibrahim trong cuộc họp Nội các ngày 5/4 vừa qua.

Tuyên bố cũng nêu rõ, tên gọi mới phù hợp với chức năng của MITI với tư cách người đi đầu trong việc thúc đẩy và khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường đầu tư trong nước, tăng cường thương mại quốc tế và trao quyền cho sự phát triển công nghiệp bền vững. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-7-134-nga-khong-he-han-boi-trung-phat-gdp-se-tang-dang-ke-ukraine-co-buoc-ngoat-lon-nhat-han-hop-tac-ve-lng-223345.html