Kinh tế thế giới nổi bật: Nga nói việc cấp khí đốt cho châu Âu phụ thuộc EU và Ukraine, Nhật Bản lần đầu 'ra tay' với doanh nghiệp Mỹ

Quỹ trái phiếu toàn cầu hút vốn, Nga sẵn sàng bơm khí đốt cho châu Âu, Mỹ khởi kiện 3 ngân hàng lớn nhất nước, Trung Quốc thông qua luật thuế giá trị gia tăng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến khác, không chỉ qua Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa EU và Kiev. (Nguồn: Getty Images)

Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến khác, không chỉ qua Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa EU và Kiev. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới

Lượng tiền đổ vào các quỹ trái phiếu toàn cầu cao kỷ lục

Các nhà đầu tư đã rót một lượng tiền kỷ lục vào các quỹ trái phiếu toàn cầu trong năm nay, đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

Theo dữ liệu từ EPFR, các quỹ trái phiếu đã thu hút dòng tiền trị giá hơn 600 tỷ USD trong năm 2024, vượt mức cao nhất trước đó là gần 500 tỷ USD vào năm 2021.

Ông Matthias Scheiber, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Allspring, cho biết: “Đây là năm mà các nhà đầu tư đặt cược lớn vào một sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ, điều vốn luôn hỗ trợ lợi nhuận từ trái phiếu”. Theo ông, tăng trưởng và lạm phát chậm lại đã khuyến khích các nhà đầu tư rót vốn vào trái phiếu với lợi suất cao hơn mức trung bình.

Kinh tế Mỹ

* Ngày 24/12, tờ Los Angeles Times đưa tin, Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) tuần trước đã khởi kiện 3 ngân hàng lớn nhất nước này gồm Wells Fargo, JP Morgan Chase và Bank of America, với cáo buộc 3 ngân hàng không có biện pháp kiểm soát gian lận trên ứng dụng thanh toán Zelle, khiến hàng trăm nghìn khách hàng mất hơn 870 triệu USD.

Đây là một trong những cuộc đối đầu pháp lý đầu tiên mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải giải quyết ngay sau lễ nhậm chức trong tháng tới.

* Khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Mỹ đã giảm bớt phần nào, nhưng người Mỹ có thu nhập thấp vẫn phải chật vật sau nhiều năm lạm phát cao và lãi suất tăng.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Mỹ, ngưỡng nghèo của người dân Mỹ nghĩa là có thu nhập dưới 15.480 USD trong năm 2023.

Các nhà kinh tế cho biết, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump giữ cam kết áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ ba đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Canada, Mexico và Trung Quốc, động thái có thể khiến lạm phát bùng phát trở lại.

Kinh tế Trung Quốc

* Các tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn trong việc thoái vốn khỏi các công ty trong danh mục đầu tư tại Trung Quốc. Việc Bắc Kinh siết chặt quản lý các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nền kinh tế tăng trưởng chậm khiến nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài bị "mắc kẹt" tại đây.

Dữ liệu từ Dealogic cho thấy, trong số 10 tập đoàn đầu tư tư nhân toàn cầu lớn nhất hoạt động tại Trung Quốc, chưa có bất kỳ công ty nào được niêm yết hoặc bán toàn bộ cổ phần thông qua hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) trong năm nay. Đây là năm đầu tiên trong ít nhất một thập niên xảy ra tình trạng này, mặc dù tốc độ thoái vốn đã chậm lại kể từ khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với khả năng niêm yết của các công ty Trung Quốc vào năm 2021.

* Ngày 25/12, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) đã bỏ phiếu thông qua luật thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc thực thi nguyên tắc đánh thuế theo luật định.

Theo kế hoạch, luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Kinh tế châu Âu

* Ngày 20/12, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Olof Gill tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thảo luận các vấn đề thương mại, trong đó có năng lượng, với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Tuyên bố trên được ông Gill đưa ra sau khi ông Trump cảnh báo trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social về khả năng áp thuế đối với hàng hóa của EU nếu khối này không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ.

* Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 25/12 tuyên bố Moscow sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến khác, không chỉ qua Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa EU và Kiev.

Trước đó, Ukraine thông báo không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga từ sau năm 2024. Tổng lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang các nước châu Âu trong năm 2024 đã tăng 18-20% so với năm 2023.

* Giới doanh nghiệp Thụy Sỹ đã hoan nghênh thỏa thuận mới giữa nước này với EU, coi đây là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế vốn được dự đoán là một trong những nền kinh tế kiên cường nhất châu Âu năm 2025.

Các tổ chức vận động hành lang doanh nghiệp, nhà kinh tế và công ty nhận định thỏa thuận này sẽ giúp ổn định quan hệ với EU – đối tác chiếm hơn nửa kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, thỏa thuận phải đối mặt với một quá trình phê chuẩn khó khăn, có thể bao gồm cả một cuộc trưng cầu dân ý.

* Từng được xem là đầu tàu của châu Âu, kinh tế Đức gần như không tăng trưởng kể từ cuối năm 2019. Theo tập đoàn tài chính Goldman Sachs, các dự báo tăng trưởng cho năm 2025 vẫn ảm đạm, với GDP thực tế dự kiến chỉ tăng 0,3%. Ngân hàng Bundesbank thậm chí còn dự báo mức tăng khiêm tốn hơn là 0,2%, trong khi Viện Kiel dự báo tình trạng trì trệ hoàn toàn và tăng trưởng ở mức 0%.

Nguyên nhân là do sự kết hợp của xuất khẩu yếu, tiêu dùng tư nhân chậm và đầu tư giảm sút. Việc khử carbon, số hóa và những thay đổi về nhân khẩu học đang gây sức ép lên nền kinh tế, khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu tình trạng trì trệ của Đức là một sự suy yếu tạm thời hay là một sự điều chỉnh mang tính cấu trúc.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Nhật Bản ngày 23/12 thông báo sẽ ra lệnh yêu cầu ngừng hành vi vi phạm đối với "gã khổng lồ" công nghệ Google của Mỹ liên quan đến cáo buộc độc quyền trên thị trường. Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản đưa ra động thái pháp lý đối với công ty công nghệ của Mỹ.

Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC) cáo buộc Google đã vi phạm luật khi áp đặt những điều kiện ràng buộc đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Android tại Nhật Bản. JFTC phát hiện Google đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại phải cài đặt cửa hàng ứng dụng Google Play như một phần của gói ứng dụng tìm kiếm trên trình duyệt web Chrome. Yêu cầu này khiến các thiết bị Android về cơ bản không thể bán được trên thị trường nếu không có Google Play.

* Nỗ lực mở rộng hoạt động tư vấn mua lại và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu của tập đoàn tài chính Nhật Bản Mizuho Financial Group Inc. có thể được hỗ trợ nhờ các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của chính quyền Mỹ sắp tới dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Masahiro Kihara, Giám đốc điều hành của Mizuho – ngân hàng lớn thứ ba của Nhật Bản, kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nới lỏng các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp. Điều này có thể giúp Mizuho củng cố sự hiện diện trong thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt sau khi thâu tóm ngân hàng đầu tư Greenhill & Co. vào năm ngoái.

* Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Cheong In Kyo hôm 26/12 cho biết Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Hàn Quốc với Philippines, dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, sẽ giúp nước này tăng cường hơn nữa danh mục thương mại và góp phần duy trì chuỗi cung ứng ổn định.

Theo ông Cheong In Kyo, hai nước dự kiến sẽ đạt được mức độ tự do hóa thị trường cao theo FTA, điều này cũng sẽ thúc đẩy trao đổi đầu tư và kinh doanh, cuối cùng góp phần ổn định chuỗi cung ứng. Hàn Quốc và Philippines sẽ xóa bỏ thuế quan đối với lần lượt 94,8% và 96,5% sản phẩm, có hiệu lực ngay lập tức.

FTA cũng sẽ hỗ trợ Hàn Quốc mở rộng xuất khẩu ô tô khi mức thuế 5% đối với xe tải chở hàng và xe chở khách sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, trong khi thuế đối với xe thân thiện với môi trường sẽ được xóa bỏ dần trong vòng 5 năm.

* Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 88,3% số người lao động Hàn Quốc được hỏi bày tỏ chấp thuận đối với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, hoặc áp dụng các chiến lược tái tuyển dụng nhằm cho phép người lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu hiện tại được ấn định là 60 tuổi.

Lý do chính là những lo ngại xung quanh vấn đề ổn định tài chính sau khi nghỉ hưu (33,8%), sau đó là sự suy giảm liên tục của dân số trong độ tuổi lao động (20,3%) và tuổi nghỉ hưu tăng (15%).

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Bộ Kinh tế và Xã hội số (DES) của Thái Lan vừa trình dự luật nhằm bảo vệ người dân tốt hơn khỏi những kẻ lừa đảo trực tuyến. Dự luật này sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi cẩu thả khi để khách hàng của họ bị lừa đảo, thắt chặt kiểm soát việc gửi tin nhắn ngắn có đính kèm liên kết và hạn chế hơn nữa quyền sở hữu thẻ SIM điện thoại.

Dự luật cũng nhằm tăng hình phạt đối với những người bán thông tin cá nhân của khách hàng mà không được sự đồng ý của họ, từ 1 năm tù lên 5 năm.

* Giới chức Indonesia cho biết, nhà máy sản xuất xe điện (EV) mới của hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD ở Subang, Tây Java, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2025, sớm hơn một năm so với mục tiêu ban đầu là năm 2026 và tạo ra hơn 18.000 việc làm mới.

Chính phủ Indonesia hoàn toàn ủng hộ khoản đầu tư của BYD, đảm bảo sự phối hợp liên bộ để đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả đường bộ và cơ sở hậu cần trong khu công nghiệp.

* Bốn nền tảng gọi xe ở Singapore (gồm Grab, Gojek, ComfortDelGro và TADA) sẽ tăng phí lên tới 0,5 SGD (0,37 USD) từ ngày 1/1/2025, trong một động thái mà họ cho là do chi phí phát sinh từ Đạo luật lao động nền tảng sắp tới.

Trong một thông báo ngày 24/12, Grab, nền tảng gọi xe hàng đầu tại Singapore, cho biết sẽ tăng phí từ 0,7 SGD lên 0,9 SGD đối với người dùng.

Gojek cũng sẽ tăng phí từ 0,3 SGD lên 0,5 SGD cho mỗi chuyến đi, để "bảo vệ tài xế và thu nhập của họ theo Đạo luật", bên cạnh việc cải thiện và duy trì dịch vụ của mình.

Tương tự, ComfortDelGro, nhà khai thác taxi lớn nhất Singapore, cho biết sẽ tăng phí. Những người đi xe sẽ bị tính phí từ 1 SGD đến 1,2 SGD, tùy thuộc vào các yếu tố như khoảng cách di chuyển và thời gian di chuyển, từ mức giá cố định hiện tại là 0,7 SGD.

TADA cũng cho biết sẽ tăng phí thêm 0,5 SGD mỗi chuyến đi, chưa bao gồm thuế hàng hóa và dịch vụ.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-nga-noi-viec-cap-khi-dot-cho-chau-au-phu-thuoc-eu-va-ukraine-nhat-ban-lan-dau-ra-tay-voi-doanh-nghiep-my-298680.html