Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (22-29/1): Thủ tướng Canada thất vọng với quyết định của ông Biden, Mỹ có 'giọng điệu nhẹ nhàng' với Trung Quốc?
Tác động khủng khiếp của Covid-19, Thủ tướng Canada thất vọng, rủi ro toàn cầu do Covid-19 sẽ bộc lộ rõ nhất trong 3 - 10 năm nữa, Trung Quốc đánh bật Mỹ khỏi vị trí số 1 trong danh sách các quốc gia có đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020 nhiều nhất thế giới...
Kinh tế thế giới tuần qua
Rủi ro toàn cầu do Covid-19 sẽ bộc lộ rõ nhất trong 3 - 10 năm nữa
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố Báo cáo rủi ro toàn cầu 2021, dựa trên kết quả của Khảo sát Nhận thức Rủi ro toàn cầu (GRPS) mới nhất, cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và kinh tế. Những rủi ro mà thế giới có thể sẽ phải đối mặt trong vòng 2 năm tới, gồm tình trạng thất nghiệp, sự vỡ mộng lan rộng của giới trẻ, bất bình đẳng số, trì trệ kinh tế, tàn phá môi trường, xói mòn sự gắn kết xã hội và các cuộc tấn công khủng bố.
Các rủi ro về kinh tế sẽ bộc lộ rõ nhất trong vòng 3-5 năm tới, bao gồm bong bóng tài sản, bất ổn giá, những cú sốc hàng hóa và khủng hoảng nợ, tiếp theo là các rủi ro địa chính trị, bao gồm các mối quan hệ và xung đột giữa các quốc gia cũng như việc địa chính trị hóa các nguồn tài nguyên. Trong vòng 5-10 năm tới, các rủi ro môi trường như đánh mất đa dạng sinh học, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và thất bại trong hành động khí hậu sẽ là chủ đề chính, cùng với vũ khí hủy diệt hàng loạt, tác động tiêu cực của công nghệ và sự sụp đổ của các quốc gia hoặc các thể chế đa phương. (WEF)
Covid-19 khiến kinh tế thế giới giảm mạnh gấp hơn hai lần khủng hoảng tài chính 2009
Trong Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới mới công bố, Liên hợp quốc dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2021, sau khi giảm 4,3% trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 - giảm mạnh gấp hơn hai lần so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Theo đó, các nền kinh tế phát triển giảm 5,6% trong năm 2020 và sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021, trong khi các nền kinh tế đang phát triển giảm 2,5% trong năm 2020 và tăng trưởng 5,7% trong năm 2021. Báo cáo cảnh báo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới vẫn rất cần phục hồi tăng trưởng, không chỉ để thúc đẩy phần còn lại của thế giới mà còn để tăng khả năng chống đỡ của kinh tế toàn cầu trước các cú sốc trong tương lai. (Reuters)
Thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất lớn cho thị trường việc làm toàn cầu, khi tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, khiến thu nhập lao động toàn cầu cũng giảm 8,3%, tương đương khoảng 3.700 tỷ USD, hoặc 4,4% GDP của thế giới.
Theo ILO, trong năm 2020, thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gần gấp 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Trong năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng 1,1% (tương đương 33 triệu người) lên tổng số 220 triệu người. (ILO)
Mỹ-Trung Quốc
Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc đại diện cho hơn 230 công ty lớn của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đã kêu gọi Chính quyền Tổng thống Biden giảm mức thuế quan mà Chính quyền tiền nhiệm đề ra và “xây dựng một chính sách thương mại có sắc thái và hiệu quả hơn đối với Trung Quốc.”
Trích dẫn kết quả nghiên cứu của Oxford Economics, nhóm này cho rằng, việc giảm dần thuế quan xuống 12% từ mức 19% hiện tại sẽ tạo ra thêm 169 tỷ USD cho GDP của Mỹ và tạo thêm 145.000 việc làm cho người Mỹ vào năm 2025. Phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Hong Kong, Chủ tịch Tập đoàn Blackstone Stephen Schwarzman dự đoán, Chính quyền mới của Mỹ sẽ có “giọng điệu nhẹ nhàng hơn” đối với Trung Quốc và hy vọng căng thẳng giữa hai nước sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đến nay đã loại trừ việc giảm thuế ngay lập tức và các trợ lý cho biết, ông có ý định xem xét lại tất cả các khía cạnh của mối quan hệ Mỹ-Trung trước khi quyết định sẽ giữ, sửa đổi hoặc loại bỏ các chính sách nào. Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng: “Chính quyền Tổng thống Biden đang có cơ hội lớn trong đổi mới chính sách đối với Trung Quốc” và việc tận dụng cơ hội đó có thể kéo dài hơn 100 ngày đầu tiên của ông Biden. (TG&VN)
Kinh tế Mỹ
Ngay trong ngày nhậm chức 21/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký quyết định thu hồi giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL (KXL) từ Canada vào Mỹ, làm tan vỡ hy vọng của Ottawa về việc cứu vãn dự án trị giá 8 tỷ USD mà ngành dầu thô Canada đang rất cần triển khai.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngay sau đó đã ra tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi hoan nghênh cam kết chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ, nhưng chúng tôi rất thất vọng dù phải chấp nhận quyết định của ông Biden là thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử về dự án Keystone XL”.
Keystone XL, thuộc sở hữu của tập đoàn TC Energy Corp, đang được xây dựng ở Canada và dự kiến sẽ vận chuyển 830.000 thùng dầu thô từ Alberta đến Nebraska mỗi ngày. Dự án vấp phải phản đối của các chủ đất bên Mỹ, các bộ lạc người Mỹ bản địa và các nhà bảo vệ môi trường và phải trì hoãn trong 12 năm qua. (TGVN)
Tại phiên họp ngày 25/1, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Janet Yellen, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), làm tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời chính quyền ông Joe Biden. Bà Yellen là nữ Bộ trưởng tài chính đầu tiên của nước Mỹ, được cho là sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ chương trình kích thích đầy tham vọng trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden. Kế hoạch này được đưa ra vài tháng sau khi Mỹ kết thúc tài khóa 2020 với thâm hụt hơn 3.000 tỷ USD. (CNBC)
Kinh tế Trung Quốc
Theo báo cáo của UNCTAD, Trung Quốc đã thu hút 163 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2020, nhiều nhất thế giới và đánh bật Mỹ (134 tỷ USD) khỏi vị trí đứng đầu danh sách.
Năm 2019, Mỹ nhận được 251 tỷ USD FDI, trong khi Trung Quốc nhận được 140 tỷ USD. Báo cáo cho thấy, dòng vốn FDI năm 2020 đã suy giảm trên phạm vi toàn cầu trước tác động của đại dịch Covid-19, giảm 42% xuống còn 859 tỷ USD, giảm sâu hơn 30% so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Đầu tư FDI vào Mỹ giảm 49%, thấp hơn một chút so với mức giảm trung bình 69% của các nước phát triển. T
rong khi đó, FDI vào Trung Quốc tăng nhẹ 4%. Theo dữ liệu của OECD, mặc dù Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về dòng vốn FDI năm 2020, nhưng tổng vốn FDI đang hoạt động tại Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Các dữ liệu kinh tế khác cũng cho thấy, Trung Quốc đã chống chịu và phục hồi sau đại dịch nhanh hơn các nước khác. Bắc Kinh đã công bố mức tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,3% và nhiều khả năng sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất có tốc độ tăng trưởng dương năm 2020. Báo cáo của Liên hợp quốc được công bố một ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của WEF. (TGVN)
Kinh tế châu Âu
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết, nước này sẽ sớm nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu tại hội nghị của hãng City&Financial Global, Bộ trưởng Truss tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra đề nghị chính thức gia nhập khu vực thương mại tự do này” và gọi đây là “một trong những khu vực thương mại năng động nhất thế giới”.
Ngoài Anh, gần đây, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã bày tỏ quan tâm tới việc gia nhập CPTPP. Nhật Bản, quốc gia vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của CPTPP từ Mexico trong năm nay, dự kiến sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán để mở rộng số thành viên của nhóm. Các quan chức Nhật Bản vẫn đang quan sát chặt chẽ việc liệu Mỹ có quay trở lại hiệp định này dưới thời Chính quyền của Tổng thống Biden hay không. (TTXVN)
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 19/1 đã công bố chiến lược mới nhằm củng cố hệ thống kinh tế và tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và bảo vệ khối này trước tình trạng lạm dụng và thiếu công bằng.
Mục tiêu chính của chiến lược trên là gia tăng vị thế quốc tế của đồng Euro thông qua việc vươn tới các đối tác là nước thứ ba nhằm tăng mức độ sử dụng. Chiến lược này cũng đề xuất việc hỗ trợ phát triển các công cụ và các tiêu chuẩn sử dụng đồng euro cũng như vị thế của đồng tiền này như một đồng tiền tham chiếu quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng và hàng hóa. Chiến lược mới đề cao tầm quan trọng của việc phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính EU và nâng cao khả năng ứng phó với các biện pháp trừng phạt đơn phương của các nước khác và các biện pháp trừng phạt mà EU thực thi. (TTXVN)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Xuất khẩu của Nhật Bản năm 2020 sụt giảm 11,1% chỉ còn 68,41 nghìn tỷ Yên (660 tỷ USD), đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 11 năm, do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm công nghiệp, như ô tô. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 13,8% còn 67,73 nghìn tỷ Yên do giảm giá dầu và các nguồn năng lượng khác. (Japan Times)
Theo báo cáo “Môi trường thương mại quốc tế thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và chiến lược ứng phó của Hàn Quốc” của Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI), Hàn Quốc cần tham gia Hiệp định CPTPP, hút vốn đầu tư nước ngoài khỏi thị trường Trung Quốc. KDI cho biết, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa bày tỏ lập trường cụ thể về chính sách thương mại với Trung Quốc, song dự kiến sẽ nhấn mạnh thương mại công bằng. Các chính sách thương mại của Chính phủ Biden gồm các điểm chính: ủng hộ chủ nghĩa đa phương và các quy tắc quốc tế, tăng cường tiêu chuẩn lao động và môi trường trong hiệp định thương mại, đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu. (Korea Herald)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Trang web Bộ Thương mại Trung Quốc đưa tin, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều năm 2021 đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD. Theo kế hoạch trồng hạt điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành, diện tích trồng điều của Việt Nam năm 2021 là 360 nghìn hecta, bằng 99,7% diện tích trồng điều của năm 2020. Năm 2020, lượng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 511 nghìn tấn (tăng 12,1%), kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD (giảm 3%)
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước này sẽ tiếp tục tăng và đạt 19,1 tỷ USD trong năm 2021 so với mức 11 tỷ USD vào năm 2020. Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết, Indonesia là một trong những điểm đến chính của danh mục đầu tư toàn cầu. Các yếu tố thúc đẩy đầu tư vào các nước đang phát triển, gồm sự hồi phục kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ tiếp tục được triển khai ở nhiều quốc gia và xu hướng duy trì lãi suất thấp đã thúc đẩy thanh khoản toàn cầu. (Jakarta Post)
Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), trong năm 2020, Singapore đã thu hút được khoảng 17,2 tỷ SGD (13 tỷ USD) trong các nguồn đầu tư vào tài sản cố định, bất chấp tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Tổng giá trị các nguồn đầu tư tài sản cố định tại Singapore năm 2020 là lớn nhất kể từ năm 2008, vượt mục tiêu từ trung hạn đến dài hạn là từ 8-10 tỷ SGD mỗi năm của EDB. Các cam kết đầu tư của năm 2020 chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như điện tử, hóa chất, nghiên cứu và phát triển (R&D). (TTXVN)
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, xuất khẩu của nước này trong năm 2020 giảm 6,01%, đạt 231,46 tỷ USD, tốt hơn mức dự báo trước đó là giảm 7%. Riêng xuất khẩu trong tháng 12/2020 đã tăng 4,71%, đạt 20,08 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu của Thái Lan giảm 12,39%, ở mức 206,99 tỷ USD. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo, xuất khẩu của nước này sẽ tăng 4% trong năm nay, đạt 204,72 tỷ USD và thậm chí có thể tăng 5% lên 243,04 tỷ USD, nhờ sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Những yếu tố tích cực đối với xuất khẩu Thái Lan bao gồm việc phong tỏa ở mức hạn chế và sự sẵn có của vaccine ngừa Covid-19, còn các yếu tố tiêu cực bao gồm, đồng Baht tăng giá và tình trạng thiếu container hàng hóa. (Nation Thailand)