Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (30/7-5/8): Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc lại leo thang, EU chùn bước trước Mỹ, nguy cơ phục hồi kinh tế bị đảo ngược

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang, EU chùn bước trước Mỹ,Hàng không thế giới có thể mất tới 117 tỷ doanh thu trong năm nay... là một số tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế toàn cầu

Nguy cơ đảo ngược kết quả phục hồi kinh tế

Khảo sát có sự tham gia của 500 nhà kinh tế học trên toàn cầu của Reuters, cho thấy, tình trạng nền kinh tế các nước buộc phải đóng cửa tăng cao sẽ dẫn đến nguy cơ đảo ngược kết quả phục hồi kinh tế.

Kinh tế trong ngắn hạn sẽ liên tục suy thoái. Các nhà kinh tế cũng đã thay đổi những dự báo, cho rằng kinh tế thế giới sẽ chỉ có thể hồi phục trong nửa cuối năm 2021 và kinh tế toàn cầu dự báo sẽ giảm 4% trong năm 2020. Nếu so sánh với kinh tế các nước thì sự suy giảm này tương đương với GDP của Canada và Australia cộng lại.

Trước đó, trong tháng 6, các nhà kinh tế đã dự báo tăng trưởng -3,7%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo trong tháng 1 (trước thời điểm Covid-19 lan rộng) là 3,1%. Đồng thời, theo các nhà kinh tế, nếu dịch bệnh được kiểm soát và tìm ra được vaccine, dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 5,3% trong năm 2021.(Reuters)

Thương mại toàn cầu đã chịu ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp hạn chế nhập khẩu cũ và mới trong giai đoạn Covid-19 ngay khi các nền kinh tế cần tái thiết.

Theo Báo cáo công bố 6 tháng một lần của WTO, từ giữa tháng 10/2019 đến giữa tháng 5/2020, các thành viên WTO đã thực hiện 363 biện pháp mới về thương mại, trong đó 198 biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại và 165 biện pháp hạn chế thương mại. 256/363 biện pháp liên quan đến ứng phó đại dịch Covid-19, theo đó 57% các biện pháp có liên quan đến dịch Covid-19 là nhằm thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, theo WTO, ước tính thương mại toàn cầu trong quý 2/2020 giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2020. (WTO)

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định, đến năm 2024, các chặng quốc tế mới quay trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19. IATA ước tính, các hãng hàng không thế giới có thể mất tới 117 tỷ USD doanh thu năm nay vì đại dịch Covid-19. (CNN)

Mỹ-Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang khi ngày 31/7, Tổng thống Trump cho biết sẽ cấm nền tảng truyền thông xã hội Tik Tok của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, đồng thời hủy bỏ thương vụ mua nền tảng Tiktok từ công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh của tập đoàn Microsoft.

Tổng thống Trump cho biết, ông có thể sử dụng các quyền lực kinh tế khẩn cấp hoặc một sắc lệnh hành pháp để chính thức cấm công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Động thái của Mỹ đưa ra nhằm giải quyết mối lo ngại về an ninh quốc gia, cho rằng công ty sở hữu ứng dụng Tik Tok có thể cung cấp cho Trung Quốc những dữ liệu nhạy cảm của Mỹ được thu thập thông qua ứng dụng này. (CNN)

Mỹ

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, GDP của Mỹ trong quý 2 đã giảm 9,5% so với quý 1 và 32,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1947, tác động sâu sắc đến chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp do các lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội và các biện pháp khác để kiểm soát sự lây lan của virus gây bệnh Covid-19.

Chi tiêu cá nhân sụt giảm 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong lịch sử. Đầu tư kinh doanh cho phần mềm, nghiên cứu và phát triển, thiết bị giảm 27% (cao nhất kể từ năm 1952), trong khi đầu tư cho nhà ở giảm 38,7% (cao nhất kể từ năm 1980). Cả xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ đều giảm mạnh. Chi tiêu của chính phủ liên bang đã tăng khi phải chi trả cho việc hỗ trợ các hộ gia đình và lao động thất nghiệp. (Bloomberg)

Trong thư ngày 29/7 gửi Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đề xuất một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) về một thỏa thuận thương mại song phương toàn diện.

Các nghị sĩ cũng đề cập đạo luật sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan đã được Thượng viện thông qua vào tháng 10/2019 và trở thành luật vào tháng 3/2020 và kêu gọi Chính quyền tiến hành các cuộc đàm phán thương mại song phương với Đài Loan với mục tiêu thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do mang lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên, bảo vệ các công dân Mỹ và mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Mỹ. (Gardner)

Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đang hồi phục nhanh hơn dự kiến, đồng thời sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu Covid-19.

Cụ thể, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ qua, trong lúc nhu cầu nội địa của nước này cũng được cải thiện. Chỉ số quản lý thu mua Caixin/Markit (PMI) của Trung Quốc được công bố ngày 3/8 đã tăng từ 51,2 trong tháng 6 lên 52,8 trong tháng 7. Số liệu này đánh dấu 3 tháng tăng trưởng liên tiếp của PMI Trung Quốc và cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2011.

Theo OECD, Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách 14 nền kinh tế lớn về tăng trưởng với GDP quý 2/2020 ghi nhận mức tăng trưởng 11,5% so với quý trước đó. (Reuters, OECD)

Châu Âu

EU chùn bước trong việc đánh thuế các công ty công nghệ của Mỹ. Bất chấp sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel, triển vọng của việc đánh thuế kỹ thuật số trên toàn châu Âu đang nhanh chóng biến mất do sức ép từ việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Vấn đề trở nên nóng hơn khi Pháp đơn phương đưa ra mức thuế 3% nhắm vào doanh thu của các đại gia công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, dưới áp lực của Tổng thống Trump, Pháp đã phải đẩy lùi việc đánh thuế từ tháng 4 sang tháng 12/2020. Ngoài ra, một trong các lý do hoãn đánh thuế của Pháp là để OECD có thời gian đưa ra một thỏa thuận toàn cầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là sẽ khó đạt được vào cuối năm nay khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến lộ trình đạt được thỏa thuận. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đã yêu cầu tạm dừng các cuộc trao đổi về thỏa thuận này cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020.

Châu Âu chính thức bước vào suy thoái, khi số liệu mới nhất do Liên minh châu Âu (EU) công bố cho thấy, GDP của các nước khu vực đồng Euro (Eurozone) đã giảm 40,3% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên là do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt áp đặt từ đầu tháng 3/2020 để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, khiến hầu hết hoạt động sản xuất công nghiệp không thiết yếu bị tạm ngừng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như làm chậm quá trình thương mại toàn cầu. GDP của các nền kinh tế Eurozone đã giảm 14,4% trong ba tháng đầu năm 2020, khiến kinh tế của khu vực này rơi vào suy thoái. (The Wall Street Journal)

Nhật Bản-Hàn Quốc

Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa hạ dự báo về triển vọng kinh tế của nước này trong tài khóa 2020, song khẳng định GDP Nhật Bản “sẽ sớm tăng trở lại bằng mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát”.

Trong thông báo mới nhất, Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định, GDP thực tế của nước này có thể giảm 4,5% trong tài khóa 2020 (từ đầu tháng 4/2020 đến cuối tháng 3/2021) trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế. (Nikkei Asian Review)

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nhất trí gia hạn 6 tháng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương, trị giá 60 tỷ USD, đến ngày 31/3/2021.

Động thái này nhằm giúp giảm những bất trắc trên thị trường trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. BOK cho biết, khi cần thiết, ngân hàng này sẽ cung cấp các khoản vay bằng đồng USD cho các ngân hàng trong nước thông qua đấu thầu trên hệ thống hoán đổi tiền tệ.

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, BOK đã cung cấp tổng cộng 19,87 tỷ USD cho các ngân hàng thông qua thỏa thuận hoán đổi này. Theo đó, tình hình thanh khoản cải thiện và tỷ giá hối đoái cũng được ổn định nhanh chóng. (Reuters)

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Chính phủ Ấn Độ đang xem xét lại việc tiếp tục tham gia Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau khi khối này ngần ngại giải quyết những quan ngại của Ấn Độ liên quan đến điều mà New Delhi cho là bất đối xứng trong thỏa thuận đã có hiệu lực từ 10 năm qua.

Ngày 1/8, Ấn Độ đang phàn nàn về tình trạng thâm hụt thương mại gia tăng với ASEAN, trong đó có nhiều hàng hóa được xem là có nguồn gốc từ Trung Quốc đi qua một số thành viên ASEAN. (The Times of India)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua-307-58-cang-thang-my-trung-quoc-lai-leo-thang-eu-chun-buoc-truoc-my-nguy-co-phuc-hoi-kinh-te-bi-dao-nguoc-120927.html