Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài 1: Bài học từ siêu bão Yagi

Siêu bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và tác động lớn tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành lĩnh vực kinh tế...

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, ngày 12/9/2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, ngày 12/9/2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bão qua đi, cùng với việc tái thiết, khắc phục hậu quả cũng có những bài học kinh nghiệm ứng phó được rút ra, cùng với đó là những hành động với các giải pháp bền vững và dài hạn để chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là những giải pháp, hành động cần có theo tinh thần Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

TTXVN thực hiện chùm bài viết rút ra các kinh nghiệm đối phó với các cơn bão lớn, những giải pháp nhìn về dài hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cũng như các bài học quy hoạch hạ tầng để tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai, động đất của Tokyo (Nhật Bản).

Bài 1: Bài học từ siêu bão Yagi

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, lại không theo quy luật thông thường, rất phức tạp nên dù có sự chuẩn bị, ứng phó cũng không tránh khỏi thiệt hại, tác động tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành lĩnh vực kinh tế... Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn.

Bài học về sức mạnh đoàn kết

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt ứng phó với siêu bão. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại một số địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, liên tiếp ra các công điện ứng phó với bão số 3. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tới địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; kịp thời động viên, thăm hỏi người dân vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các bộ, ngành, địa phương cùng các lực lượng nỗ lực ứng phó với bão, mưa.

Lực lượng vũ trang, dân quân – tự vệ, thanh niên xung kích đã không quản ngại hy sinh để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân trong bão, lũ, sạt lở đất… Các ngành điện, viễn thông, nước, y tế… nỗ lực đảm bảo cung cấp tốt nhất và khắc phục hậu quả để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu.

Trong những lúc khó khăn, truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng, trên tinh thần “có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều; có của giúp của, có công giúp công”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn” như lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các đoàn xe cứu trợ từ phía miền Trung, miền Nam lên đường hỗ trợ cho vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%.

Thiệt hại lớn từ siêu bão Yagi cũng cho thấy những tác động, thách thức ngày càng gia tăng từ hiện tượng thời tiết cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão mạnh hơn, diện tích rừng suy giảm, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ bị lấp dần hoặc xóa sổ…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra việc ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

Ông Thái Bá Ngọc, chuyên gia về địa chất môi trường, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cũng đưa ra đánh giá sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina khiến thời tiết phức tạp, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến mưa lớn lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài. Ngoài ra tại các sông hoặc sườn dốc có độ dốc cao và các mái dốc chịu tác động của hoạt động của con người như phá rừng và cắt xẻ dốc có khuynh hướng phổ biến xảy ra tai biến địa chất. Điều này cũng lý giải nguyên nhân nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ (Lào Cai) cũng như các tỉnh vùng núi.

Từ việc ứng phó, khắc phục sự tàn phá của siêu bão Yagi, cũng có những bài học được rút ra công tác phòng, chống bão lũ. Tại hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng sau siêu bão Yagi. Đó là, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả. Các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Hành động nhìn về dài hạn

Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn đã huy động phương tiện, máy móc, nhân lực thông tuyến Tỉnh lộ 239. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn đã huy động phương tiện, máy móc, nhân lực thông tuyến Tỉnh lộ 239. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Mặc dù các địa phương nỗ lực hạn chế tối đa mức độ thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3, nhưng cũng có những kinh nghiệm cần rút ra khi siêu bão đi qua. Về lâu dài, nhiệm vụ quan trọng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đó là cần phải tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ. Tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời hoàn thành phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh việc xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Lựu, điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước (trường Đại học Việt Đức) cũng cho rằng cơ quan chức năng cần làm tốt quy hoạch nhà ở lưng chừng núi và thung lũng, cần trồng rừng phủ kín đồi núi trọc; lắp đặt các rọ đá, lưới sắt ở các lưng chừng núi để chống sạt trượt và rửa trôi đất. Trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết.

Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Bởi vậy, cần thiết đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo, đánh giá nguy cơ thiên tai, sạt lở, lũ ống, lũ quét...

Cùng với đó, phát triển hạ tầng phải gắn liền với phòng, chống thiên tai; đánh giá, dự báo đầy đủ tác động từ các yếu tố địa chất, dòng chảy… trong quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khi triển khai dự án; đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phòng chống lũ như đê điều, kè biển… tính đến yếu tố phòng tránh thiên tai cấp độ cao.

Về giải pháp bền vững và dài hạn để có được nền kinh tế chủ động thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần phải thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chuyển dịch năng lượng, chuyển dịch sang các mô hình sản xuất xanh là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Tuy nhiên, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu xong lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh còn gặp nhiều rào cản. Các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: gió, mặt trời... phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, để tiếp tục phát triển kinh tế xanh hiệu quả, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào nền kinh tế xanh; đồng thời, phát huy trách nhiệm và thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân theo hướng “xanh hóa”, bền vững và thân thiện với môi trường, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã và sẽ phê duyệt các đề án bảo vệ môi trường. Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nếu áp dụng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ trên thế giới đang là xu thế. Trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực phát thải cao như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều phải có các giải pháp hành động quyết liệt, đồng bộ để giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài 2: Lá chắn bảo vệ trước thiên tai

Nguyễn Huyền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-bai-1-bai-hoc-tu-sieu-bao-yagi-20241002082752992.htm