Kinh tế Thủ đô tăng trưởng 7,63% trong 6 tháng đầu năm 2025

GRDP Thủ đô tăng 7,63% trong 6 tháng đầu năm 2025, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tại kỳ họp thứ 25 HĐND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng đã trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025; công tác chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: 6 tháng qua, Hà Nội đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành. Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với phương châm “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, UBND Thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy, HĐND Thành phố. 6 tháng đầu năm 2025, Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phản ánh hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo, điều hành.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,63% (cả nước ước đạt 7,52%), cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,13%) và vượt kịch bản đề ra (7,59%). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản, quý sau cao hơn quý trước, năm 2025, Thành phố hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8% với quy mô GRDP năm 2025 khoảng 63,2 tỷ USD, so với năm 2024 đạt khoảng 58,6 tỷ USD.

Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là trên 392 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ (chiếm khoảng 29,4% tổng thu của cả nước 1.332,3 nghìn tỷ), trong đó, chủ yếu là thu nội địa và thu tiền sử dụng đất. Tổng chi ngân sách địa phương 67 nghìn tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán, tăng 50,6%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với khu vực dịch vụ chiếm 68,58%; công nghiệp và xây dựng 19,42%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,09%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,91%;... là minh chứng rõ nét và khẳng định vai trò chủ đạo của khu vực dịch vụ và sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,2%. Khách du lịch đạt 3,6 triệu lượt, tăng 22,1%, với 2,63 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,6%. Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả đáng ghi nhận; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 223 nghìn tỷ đồng, chiếm 14% tổng vốn cả nước (khoảng 1,6 triệu tỷ), tăng 10,5% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước (9,8%). Thành phố thu hút hơn 3,67 tỷ USD vốn FDI, tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2024, vượt mục tiêu cả năm 2025 3 tỷ USD.

Trên lĩnh vực đô thị, thành phố đã phê duyệt 83/83 đồ án quy hoạch đô thị và 4 quy chế quản lý kiến trúc. Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh theo cơ chế “làn xanh”, với cầu Tứ Liên khởi công ngày 19/5/2025, tổng mức đầu tư 20,2 nghìn tỷ đồng, dài 11,5 km; các cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc, Thượng Cát dự kiến khởi công dịp 19/8 - 2/9/2025. Các dự án Vành đai 4, Vành đai 1, Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long được triển khai tích cực.

Các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức tốt, góp phần phục vụ cuộc sống nhân dân Thủ đô ngày càng tốt hơn. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề dẫn đầu cả nước với 200 giải học sinh giỏi quốc gia, 18 giải quốc tế và 10 giải Khởi nghiệp toàn quốc. Lĩnh vực an sinh xã hội được chăm lo, dịch bệnh được kiểm soát; an ninh, an toàn được đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Việt Dũng cũng cho biết: 6 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn còn một số mặt hạn chế cần được tập trung giải quyết triệt để tạo đà cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng 5,9%, tuy đã cải thiện so với cùng kỳ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Hà Nội, thấp hơn kịch bản đề ra (6,7%) và mức trung bình toàn quốc (8,8%). Số doanh nghiệp giải thể tăng 33,7% và tạm ngừng hoạt động tăng 17,5%, cao hơn mức trung bình toàn quốc (12,2%); cùng với đó, gần 3.000 hộ kinh doanh ngừng nghỉ trong tháng 5-6/2025. Công tác xử lý rác thải, nước thải và cải tạo ô nhiễm sông nội đô vẫn còn chậm so với yêu cầu.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên và chuẩn bị cho các sự kiện trọng đại, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025), cũng như chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, 6 tháng cuối năm, UBND Thành phố tập trung vào các nhiệm vụ:

Thứ nhất, đó là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, quyết tâm đạt GRDP 8% trở lên thông qua kích cầu tiêu dùng nội địa; thúc đẩy sản xuất công nghiệp; hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ giải ngân với quyết tâm đạt 100% vốn đầu tư công.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, xây dựng đô thị bền vững, hiện đại, hài hòa với nông thôn; đẩy nhanh tiến độ Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị số 2, số 5, và 6 cầu lớn qua sông Hồng (Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc).

Thứ tư, tập trung xử lý ô nhiễm bụi, nước thải, rác thải, từng bước tạo môi trường trong lành, đáng sống trên địa bàn Thủ đô; đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong Quý III/2025; triển khai chương trình cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, giảm 50% mức độ ô nhiễm vào cuối năm.

Thứ năm, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành của Trung ương tổ chức thành công đợt cao điểm kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bao gồm một số hoạt động chính: tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình và các địa điểm trọng yếu; với hơn 30 sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn từ tháng 8 đến tháng 9/2025, bao gồm triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, chương trình nghệ thuật “Hà Nội - Rực rỡ ngàn năm”, lễ khởi công một số công trình lớn phục vụ lễ kỷ niệm.

Thứ sáu, đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Thứ bảy, chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, phối hợp chặt chẽ với Thành ủy để tổ chức Đại hội Đảng cấp xã và Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030.

Cuối cùng là tổ chức vận hành hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp, đảm bảo hoạt động thông suốt của 126 xã, phường mới, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp.

Lê Huyền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/kinh-te-thu-do-tang-truong-763-trong-6-thang-dau-nam-2025-345404.htm