Giữ thế cân bằng trong điều hành chính sách tiền tệ

Tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do NHNN tổ chức sáng 8/7, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, để duy trì sức mạnh của nội tệ, trước hết cần bảo đảm sức hấp dẫn của nó, mà điều này thể hiện rõ nhất qua mặt bằng lãi suất.Tuy nhiên, thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, để giữ lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có tỷ giá.

Nhiều áp lực lên tỷ giá

Chia sẻ tại Họp báo, ông Phạm Chí Quang cho hay, từ đầu năm 2025 đến thời điểm này, VND đã mất giá khoảng 2,7-2,8% so với USD trong bối cảnh chỉ số USD (DXY) giảm mạnh hơn 10%.

Trong khi nhiều đồng tiền trên thế giới đang dần phục hồi, đồng VND vẫn chưa ghi nhận xu hướng cải thiện rõ nét do chịu tác động từ chính sách thương mại của Mỹ và cung – cầu ngoại tệ trong nước. Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là một trong những yếu tố làm gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Ông Quang cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có công cụ lãi suất. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo

Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Quang, việc giảm lãi suất luôn đi kèm với những đánh đổi. Lãi suất thấp có thể cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhưng đồng thời gây sức ép lên lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. Chưa kể, khi VND kém hấp dẫn hơn đồng USD, các tổ chức sẽ chuyển sang nắm giữ USD. “Dù cán cân thanh toán vẫn ở trạng thái tích cực với mức thặng dư tốt, nhưng dòng tiền có thể chuyển dịch rất nhanh, đặc biệt là dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán đã liên tục rút ròng từ năm 2024 đến nay”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Đề cập đến diễn biến tỷ giá và lãi suất trong 6 tháng cuối năm, đại diện NHNN cho biết, ngay trong sáng cùng ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng áp dụng với 14 quốc gia. Ông Quang cho rằng, với biểu thuế suất này, dòng vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, chính sách của FED cũng là điều đáng quan tâm. Theo đó, FED đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần, do chính sách thuế của chính quyền ông Trump. Mặc dù lạm phát các nước châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh.

Trong khi đó, chính sách điều hành lãi suất của FED chủ yếu dựa vào các số liệu kinh tế, đặc biệt là dữ liệu về việc làm vốn vẫn còn nhiều ẩn số. Sự khó lường trong chính sách lãi suất của FED sẽ là nhân tố tác động rất lớn sự vận động lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.

"Mặc dù kinh tế nước ta có phục hồi nhất định nhưng số liệu do Bộ Tài chính công bố cho thấy lượng doanh nghiệp rút lui tại thị trường rất lớn nên việc phát triển bền vững của GDP cũng cần phải hết sức cân nhắc vì sẽ tác động lại chính sách tiền tệ của NHNN", ông Quang lưu ý thêm.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ trao đổi tại họp báo

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ trao đổi tại họp báo

Trong 6 tháng cuối năm, nếu lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng thương mại giữ được mức thanh khoản tốt, nợ xấu trong tầm kiểm soát, NHNN sẽ cân nhắc nới thêm “room” cho các ngân hàng còn dư địa. “Mặc dù lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của một số tổ chức, tuy nhiên, điều này cần được nhìn nhận trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế. Việc duy trì lãi suất hợp lý và có tính cạnh tranh sẽ giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn và tạo đà cho sự phát triển bền vững”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt theo diễn biến thị trường

Phát biểu kết luận Họp báo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng cuối năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ; Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Đồng thời, theo dõi sát tình hình để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.

Trong thời gian tới, còn nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ như chính sách thuế quan, thương mại, diễn biến địa chính trị, các cú sốc giá cả hàng hóa, lộ trình chính sách tiền tệ khó đoán định của các NHTW lớn và biến động trong luân chuyển dòng vốn quốc tế. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN sẽ chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD còn được giao chỉ tiêu, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế. Song song với đó chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm,... đi đôi với việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo Phó Thống đốc, để điều hành đảm bảo hài hòa, cân bằng giữa tín dụng – thanh khoản – lãi suất – tỷ giá luôn là một bài toán khó. Khi tín dụng tăng trưởng nhanh có thể dẫn tới căng thẳng về thanh khoản, khiến lãi mặt bằng lãi suất tăng. Trong khi đó, nếu giảm lãi suất thì sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Do vậy, trong thực tế điều hành, NHNN phải hết sức cân nhắc, có thể phải đặt mục tiêu ưu tiên trong từng thời điểm, từng giai đoạn.

Nhóm PV - ảnh: Hoàng Giáp

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giu-the-can-bang-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-166973.html