Kinh tế thương mại - Điểm sáng nổi bật trong hợp tác Việt Nam - Trung Quốc

Đến nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ.

Kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng trong 15 năm Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, khi gặt hái được nhiều thành quả hợp tác quan trọng. Trong bối cảnh đó, từ 16-17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại Đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là dịp để hai bên tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy hợp tác song phương không ngừng phát triển.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đánh giá, 15 năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã liên tục tăng lên. “Nếu như năm 2008, khi hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt 175,5 tỷ USD. Sau 14 năm, kim ngạch thương mại 2 nước tăng hơn 8 lần, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp dần.”

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

Đến nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua con số 3,36 tỷ USD của cả năm 2022. Rau quả cũng là nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp trong 8 tháng năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, chiếm 63,6% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả của nước ta trong 8 tháng qua. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang thị trường này 8 tháng năm nay tăng mạnh 133,6% và tăng 47,7% so với tổng kim ngạch cả năm 2022 (1,53 tỷ USD). Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng đạt gần 1,3 tỷ USD với khoảng 90% xuất sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng được Trung Quốc tăng mua như chuối, mít, thanh long, dưa hấu...

Bà Trần Hiểu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ cửa khẩu thành phố Đông Hưng, Quảng Tây cho biết, tình hình nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm nay tương đối khả quan. “Sầu riêng của Việt Nam mới được nhập khẩu qua cửa khẩu từ năm ngoái, chủ yếu ở cầu Bắc Luân 2, ngoài ra còn nhập qua chợ biên giới. Sầu riêng Thái Lan chỉ có thể qua cửa khẩu. Về lượng nhập khẩu, do mới nhập nên hiện nay tương đương với Thái Lan. Tuy nhiên, với xu thế này, tại Đông Hưng, sầu riêng Việt Nam có thể vượt Thái Lan do nhu cầu trong nước tương đối lớn”, bà Hiểu thông tin.

Dự kiến, cả năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của nước ta có thể đạt 1,5 tỉ USD. Như vậy, sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhất là khi mùa sầu riêng Tây Nguyên bắt đầu cho thu hoạch vào quý III.

Bà Trần Hiểu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ cửa khẩu thành phố Đông Hưng, Quảng Tây

Bà Trần Hiểu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ cửa khẩu thành phố Đông Hưng, Quảng Tây

Không chỉ thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai bên cũng có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Là nhà sáng lập của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc (CPCG), công ty 9 năm liền nằm trong TOP 500 DN hàng đầu thế giới và hiện đang xúc tiến các dự án tại Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, ông Nghiêm Giới Hòa đánh giá cao môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế của Việt Nam.

“Tôi cho rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn. Tôi lạc quan về tương lai. Chúng tôi đã có vài năm gây dựng tại Việt Nam. Xác định làm việc lớn, nên chúng tôi muốn kết bạn trước, sau đó mới bàn tới chuyện kinh doanh, không vội vàng, càng không vì cái lợi trước mắt”, ông Hòa bày tỏ.

Theo ông Nông Đức Lai, sau 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng gần 10 bậc. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, đầu tư của nước này đã đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20/6/2023, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 25 tỷ USD.

“Có thể nói, Việt Nam đang là một trong địa điểm thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư Trung Quốc bởi vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công, logistics hợp lý cùng sự ổn định chính trị xã hội và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, điều này làm cho ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến đầu tư kinh doanh, nhất là những năm gần đây”, ông Lai cho biết.

Năm nay là năm thứ 20 Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) được tổ chức tại Trung Quốc. CAEXPO 2023 sẽ diễn ra trực tiếp sau 3 năm phải tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là sự kiện xúc tiến kinh tế thương mại quan trọng, cũng là cơ hội cho Việt Nam quảng bá thương hiệu hàng hóa vào thị trường phía Nam Trung Quốc và xuất khẩu sâu hơn vào lục địa nước này.

Ông Nghiêm Giới Hòa, nhà sáng lập của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc (CPCG)

Ông Nghiêm Giới Hòa, nhà sáng lập của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc (CPCG)

Theo ban tổ chức, gần 750 công ty của 45 quốc gia sẽ tham gia CAEXPO 2023, trong đó có khoảng 640 DN ASEAN. Cũng như các kỳ Hội chợ trước, năm nay, đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia với quy mô lớn nhất ASEAN (với 250 gian hàng, diện tích 5.000 m2).

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại Nam Ninh, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tham gia với quy mô lớn nhất ASEAN, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng và triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, hai bên sẽ tiếp tục phát huy ưu thế gần gũi về địa lý và bổ sung lẫn nhau về ngành nghề, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, như Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đạt được giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022.

Bích Thuận-Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-thuong-mai-diem-sang-noi-bat-trong-hop-tac-viet-nam-trung-quoc-post1046023.vov