Kinh tế tỉnh, thành sau sáp nhập sẽ tái định vị như thế nào?
Ngoài việc thay đổi quy mô diện tích và dân số, thách thức tiếp theo của các tỉnh thành mới sẽ là định hình lại chính sách tăng trưởng kinh tế của địa phương sao cho phù hợp với bức tranh chung.

Các chính sách của TPHCM mới sẽ phải thúc đẩy thành phố trở thành "siêu cực" tăng trưởng và lan tỏa. Ảnh: Minh Hoàng
TPHCM dẫn đầu vị thế kinh tế cả nước
Từ ngày 1-7-2025, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố bắt đầu vận hành. Đây là bước đi đánh dấu giai đoạn phát triển mới không chỉ trên khía cạnh hành chính, mà còn liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế của từng tỉnh, thành và khu vực.
Trong số tỉnh thành mới sau sáp nhập, TPHCM là trung tâm kinh tế giữ vai trò vượt trội và dẫn đầu trong hệ thống kinh tế quốc gia, theo Báo cáo nghiên cứu Chỉ số Vị thế Kinh tế cấp tỉnh (PEPI) 2025 do Vietstats phối hợp với các chuyên gia kinh tế độc lập xây dựng và lần đầu công bố.
Ngoài TPHCM đạt mức điểm tuyệt đối cao nhất (70 điểm), tiếp theo là Hải Phòng (66 điểm), Quảng Ninh (65), Hà Nội (64), Đồng Nai (Bình Phước) (62), và Đà Nẵng (Quảng Nam) (61). Đây là nhóm dẫn đầu gồm 6 địa phương đạt từ 60 điểm trở lên, là những trung tâm kinh tế có vị thế vượt trội trong hệ thống kinh tế quốc gia.

Nguồn: Vietstats (2025).
Các tỉnh, thành trong nhóm này hội tụ đầy đủ các điều kiện vượt trội về kết nối quốc tế mạnh mẽ, chẳng hạn như sân bay quốc tế quy mô lớn (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng), cảng biển nước sâu (Cái Mép – Thị Vải, Hải Phòng, Cẩm Phả); hoặc các cửa khẩu trọng điểm quốc tế. Những địa phương này đóng vai trò là cửa ngõ giao thương toàn cầu của Việt Nam.
Nhóm này có hạ tầng logistics phát triển, đa phương thức từ hệ thống giao thông đồng bộ, bao gồm đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển và đường hàng không, cho phép kết nối hàng hóa và dòng vốn hiệu quả trong và ngoài nước. Các trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia được hình thành, hỗ trợ chuỗi cung ứng hiện đại.
Các địa phương này có tổng GRDP cao nhất cả nước, đồng thời dẫn đầu về năng suất lao động, mật độ doanh nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển công nghiệp, dịch vụ giá trị gia tăng. Không chỉ là trung tâm hành chính – tài chính – thương mại mà còn là hạt nhân lan tỏa cho toàn vùng, với năng lực tiếp nhận, sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa – dịch vụ ở quy mô lớn.
Nhóm tiếp theo gồm các địa phương có điểm số từ 53-59 điểm, nằm ngay sau nhóm trung tâm quốc gia, bao gồm Bắc Ninh (Bắc Giang), Tây Ninh (Long An), Cần Thơ (Hậu Giang, Sóc Trăng) và Lâm Đồng (Đắk Nông, Bình Thuận). Trong nhóm này, có Tây Ninh và Cần Thơ có điểm số tương đương và cùng giữ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng PEPI.

Nguồn: Vietstats (2025).
Cần làm gì để tiềm năng chuyển hóa thành vị thế?
Nhóm phân tích đánh giá hiện có sự phân hóa rất rõ rệt giữa các địa phương trong hệ thống kinh tế quốc gia. Bên cạnh một số cực tăng trưởng vượt trội, phần lớn các địa phương còn đang ở mức trung bình hoặc thấp, nhiều nơi có dấu hiệu bị lệch khỏi mạng lưới phát triển chính.
Chẳng hạn, có những tỉnh có tiềm năng nhưng chưa chuyển hóa thành vị thế rõ rệt. Trường hợp Khánh Hòa có lợi thế ven biển với sân bay quốc tế Cam Ranh, khu kinh tế Vân Phong, và vị trí trung tâm Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, cảng nước sâu Vân Phong chưa được vận hành đúng tiềm năng, logistics phân tán, thiếu tính tích hợp. Vai trò trung tâm logistics biển – công nghiệp chưa rõ ràng dù dù có nền tảng tốt về du lịch và dịch vụ cảng.
Hay Lạng Sơn là một trong những địa phương có hệ thống cửa khẩu quốc tế lớn nhất cả nước (Hữu Nghị, Tân Thanh), nhưng hoạt động chủ yếu vẫn là thương mại mậu biên truyền thống, thiếu dịch vụ logistics chuyên sâu và công nghiệp phụ trợ.
Tương tự, Hà Tĩnh sở hữu cảng nước sâu Vũng Áng, khu kinh tế trọng điểm, nhà máy Formosa và cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế mất cân đối, phụ thuộc lớn vào một vài dự án FDI quy mô lớn, thiếu lan tỏa công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng còn hạn chế, đặc biệt là phía Tây và kết nối với vùng Bắc Trung Bộ.
Từ phía ngược lại, “vùng lõm phát triển” tập trung ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những nơi còn yếu về hạ tầng kết nối, quy mô kinh tế nhỏ, và chưa được tích hợp hiệu quả vào mạng lưới chuỗi giá trị quốc gia. “Những địa phương này, nếu không được thiết kế các cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ có trọng tâm, sẽ tiếp tục tụt lại phía sau trong quá trình tái cấu trúc phát triển vùng”, báo cáo đánh giá.
Trong bối cảnh chính sách có nhiều điểm mới, chính sách phát triển kinh tế xã hội của các địa phương mới cũng sẽ phải thay đổi theo. Chẳng hạn một số địa phương vệ tinh như Bắc Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ đang nổi lên như những trung tâm tiềm năng có khả năng bật lên nếu được đầu tư đúng hướng và gắn kết tốt hơn với các hành lang phát triển vùng.
“Một tỉnh có thể không lớn về quy mô kinh tế, nhưng nếu nằm tại giao điểm của các hành lang kinh tế, hay giữ vai trò trung chuyển vùng, thì hoàn toàn có thể trở thành động lực lan tỏa nếu được đầu tư đúng trọng tâm. Ngược lại, một địa phương tuy có GRDP cao, nhưng nếu thiếu kết nối và không được tích hợp vào các chuỗi giá trị vùng, thì vai trò thực chất vẫn còn hạn chế”, nhóm phân tích báo cáo đánh giá.
Chỉ số Vị thế Kinh tế Cấp tỉnh (Provincial Economic Position Index – PEPI) gồm ba trụ cột cốt lõi: kết nối kinh tế, vị trí không gian phát triển, và quy mô kinh tế, được lượng hóa thông qua 8 tiêu chí định lượng với tổng điểm tối đa là 70.
Chỉ số phản ánh mức độ kết nối hạ tầng, vị trí địa lý chiến lược, khả năng hội nhập, vai trò trung tâm và đóng góp thực tế của từng tỉnh/thành trong mạng lưới sản xuất, tiêu dùng, logistics và chuỗi giá trị quốc gia và khu vực. PEPI hướng tới việc cung cấp một công cụ đánh giá có hệ thống, giúp so sánh và xếp hạng các địa phương theo vị thế kinh tế.