Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng vì dịch Corona
Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (2019 - nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đưa ra những dự báo về khả năng ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh lên nền kinh tế Trung Quốc và thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh do nCoV gây ra tác động mạnh bởi tính chất cấp tính và mức độ lây lan nguy hiểm của nó. Từ ở dịch ban đầu là khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, dịch bệnh đã lan nhanh ra khắp 31/31 tỉnh của Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến sáng ngày 7-2 cho biết đã có 638 người chết và 29.258 người nhiễm bệnh tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉ lệ gia tăng số người chết và nhiễm bệnh theo thống kê là gần 15% mỗi ngày. Tỉ lệ tử vong là 2%, tuy không cao so với một số loại dịch bệnh khác cùng họ virus Corona, như SARS (10%) hay MERS (30%) nhưng mức độ lây lan nhanh của nCoV đã gây nhiều lo ngại đối với chính quyền và gây sợ hãi trong người dân các nước.
Tuy hãy còn sớm để đưa ra bất cứ đánh giá nào về thiệt hại kinh tế nhưng giới chuyên gia cũng chỉ rõ những dấu hiệu tổn thất ban đầu đối với kinh tế Trung Quốc, từ đó đưa ra những dự báo đối với kinh tế toàn cầu.
Đối với kinh tế Trung Quốc, tác động đang được thể hiện khá rõ. Trước mắt là chi phí phòng ngừa và điều trị bệnh. Tính đến ngày 5-2, chính phủ nước này đã xuất ngân sách 47 tỉ NDT, tương đương 6,8 tỉ USD chi cho công tác ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh nCoV. Sau đợt nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều công ty, xí nghiệp của Trung Quốc còn chưa kịp quay trở lại sản xuất thì dịch nCoV bùng phát dữ dội, việc áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh khiến cho hoạt động sản xuất bị đình trệ lâu thêm.
Thêm vào đó là mọi hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng do hàng trăm triệu người Trung Quốc đang phải tự cách ly hoặc không muốn ra khỏi nhà để tránh lây bệnh.
Tai hại hơn, dịch bệnh lại xảy ra đúng vào thời điểm kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn bùng nổ. Đây cũng là thời điểm Mỹ và nhiều nước chuyển hướng cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc sang các thị trưởng khác do các chính sách thuế bất lợi và căng thẳng thương mại. Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia nhiều ngành khác nhau đang bắt đầu sơ tán ra khỏi Trung Quốc hoặc di chuyển nhân sự tạm thời sang các quốc gia lân cận trong 3 hoặc 6 tháng.
Trong khi đó, hầu như quốc gia nào cũng đang áp dụng biện pháp hạn chế hoặc ngưng hẳn các chuyến bay đến Vũ Hán để hạn chế dịch lây lan. Nhiều hãng hàng không lớn, như American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines đã ngưng hẳn các chuyến bay đến Trung Quốc từ hôm 31-1 do du khách hủy chuyến du lịch đến nước này. Giao thương hàng hóa cũng đang chịu tác động mạnh do việc đóng cửa biên giới của một số quốc gia
Hẳn nhiên, khi sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh nCoV, nhu cầu dầu mỏ của nước này cũng chững lại khiến cho giá dầu thô trên thị trường tụt giảm mạnh. Hai công ty mua dầu mỏ lớn nhất từ Trung Quốc là Tập đoàn Hóa chất Quốc gia (CNCC) và Công ty Hóa dầu Hengli với năng lực lọc hóa dầu 1 triệu thùng mỗi ngày đang giảm sức mua đáng kể, khiến OPEC phải lao đao. Công ty tư vấn năng lượng JLC Network Technology ở Bắc Kinh cho biết lượng tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu ở Trung Quốc đại lục đã giảm 15% chỉ trong 1 tuần.
Khi tình hình lây lan dịch bệnh nCoV làm cho Trung Quốc hầu như phải đóng cửa với phần còn lại của thế giới, thì cũng là lúc nhiều lĩnh vực kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng theo. Ngành du lịch thế giới được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất do chính sách ngăn ngừa dịch, hạn chế hoặc cấm du lịch đến Trung Quốc và ngược lại. Năm 2018, 163 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch khắp nơi, tạo ra 1/3 doanh thu du lịch toàn thế giới.
Từ khi dịch viêm phổi do nCoV xảy ra, mọi dự báo cho năm 2020 đều phải thay đổi. Chẳng hạn, Thái Lan đã phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 do khả năng sẽ mất 2 triệu du khách Trung Quốc nếu lệnh hạn chế du lịch tiếp tục kéo dài thêm 3 tháng.
Giao thương toàn cầu cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan khiến cho hoạt động xuất nhập tại các cảng giảm mạnh kéo theo sự trì trệ trong lưu lượng vận tải hàng hóa bằng đường biển, trong khi đường hàng không đang gần như bị cắt hẳn. Có thể sau 1 hoặc 2 tháng nữa, khi dịch bệnh qua đi, hoạt động giao thương sẽ dần hồi phục nhưng chắc chắn sẽ không thể bù đắp được những tổn thất đã gây ra.
Giới phân tích dự báo khả năng kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ tăng trưởng thấp hơn dự báo ban đầu, từ mức 6% còn khoảng 4% hoặc 5%. Tác động lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng sẽ không nhỏ. Nếu như đợt dịch SARS năm 2003, quy mô kinh tế Trung Quốc còn nhỏ, đứng hàng thứ 6 thế giới, tỉ trọng GDP khoảng 4% toàn cầu. Khi đó giá trị thiệt hại kinh tế toàn cầu khoảng 40 tỉ USD, làm giảm 0,1% GDP toàn cầu.
Nhưng năm nay, tỉ trọng GDP của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng lên gấp 4 lần và khoảng 1/3 động lực tăng trưởng GDP toàn cầu đến từ Trung Quốc, thì tác động từ dịch bệnh sẽ phải lớn hơn nhiều.
Cần lưu ý rằng, kinh tế thế giới vừa trải qua một năm 2019 nhiều biến động tiêu cực, nhất là cuộc thương chiến Mỹ-Trung và có dấu hiệu suy thoái. Nếu dịch bệnh do nCoV không được kiểm soát tốt, khả năng cao là kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực hơn.