Kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh hậu suy thoái
Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh nhất sau suy thoái trong hơn 80 năm. Dù vậy, những quốc gia nghèo có nguy cơ tụt hậu xa hơn với các quốc gia giàu có, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 vẫn chậm.
Nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh giai đoạn hậu suy thoái. Ảnh: Getty Images
Báo cáo triển vọng 6 tháng của WB nêu rõ, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2021, tăng mạnh so với dự báo 4,1% được đưa ra hồi tháng 1. Mức tăng trưởng này sẽ đánh dấu sự phục hồi giai đoạn hậu suy thoái nhanh nhất trong 80 năm, được thúc đẩy bởi tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn với tốc độ tiêm chủng nhanh chóng cho phép sớm mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển sẽ tiếp tục phải vật lộn với dịch bệnh và những hậu quả liên quan trong thời gian dài, từ đó làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu và nghèo. Cùng với việc kêu gọi phân phối vắc xin Covid-19 cho những quốc gia có thu nhập thấp, WB cho biết, nền kinh tế thế giới năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn khoảng 2% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát nhưng các quốc gia nghèo đã bị tụt lại phía sau.
Báo động về sự phục hồi không đồng đều, WB cũng nhận định, khoảng 90% các quốc gia giàu có dự kiến sẽ đạt được mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như trước đại dịch vào năm 2022, so với chỉ khoảng 1/3 các quốc gia có thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, dù đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực về sự phục hồi toàn cầu, đại dịch vẫn tiếp tục gây ra tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng cho người dân tại các quốc gia đang phát triển. Do đó, những nỗ lực phối hợp toàn cầu là cần thiết nhằm đẩy nhanh hoạt động phân phối vắc xin và xóa nợ, đặc biệt đối với những quốc gia thu nhập thấp.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (GEP) của WB cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đảo ngược nhiều năm thành quả giảm nghèo, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh kinh tế ở các quốc gia nghèo và gia tăng những thách thức lâu dài khác.
Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ ở mức 6% nhờ nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và giá hàng hóa tăng cao khi thương mại quốc tế phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc - quốc gia dự kiến tăng trưởng 8,5%, các thị trường đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng thấp hơn, ở mức 4,4% do bị kìm hãm bởi sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng và số ca nhiễm tăng trở lại.