Kinh tế toàn cầu suy thoái vì Covid-19
Việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, giãn cách xã hội, tạm đóng cửa các DN nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến hàng chục triệu người lao động trên thế giới bị mất việc, kinh tế đình trệ.
Hậu quả đối với nền kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra được đánh giá còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm nay sẽ chịu cuộc khủng hoảng tệ nhất kể từ đại khủng hoảng 1930.
Đối mặt suy thoái kép
Nhằm thúc đẩy việc vay vốn, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) thông báo sẽ áp dụng biện pháp chưa có tiền lệ là nới lỏng các quy định về thế chấp tài sản, khi sẽ chấp nhận các khoản vay "có chất lượng tín dụng thấp hơn", thậm chí là cả thế chấp trái phiếu Chính phủ Hy Lạp - thường bị đánh giá ở mức “không đáng đầu tư” và rủi ro cao.
Trong khi đó, với nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Mỹ đã công bố gói cứu trợ chưa từng có trong lịch sử với giá trị kỷ lục lên tới hơn 2.000 tỷ USD, bao trùm một loạt lĩnh vực rộng lớn.
Ngay cả Italia - quốc gia có tỷ lệ nợ công và thất nghiệp khá cao tại Eurozone cũng đã thông qua việc chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm giúp giãn nợ cho DN, hỗ trợ các công ty có thể trả lương cho nhân viên trong thời gian tạm đóng cửa do lệnh phong tỏa.
Hàng loạt biện pháp mạnh tay và thậm chí chưa có tiền lệ này đã giúp thị trường phần nào bình ổn trở lại, DN tránh được nguy cơ phá sản, người lao động có thể an tâm ở nhà để giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các biện pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà giới chuyên gia cảnh báo các chính phủ cần lường trước để tránh xảy ra một cú sốc khác.
Việc triển khai các gói kích thích khổng lồ sẽ khiến chính phủ bị thâm hụt ngân sách khổng lồ, trong khi hoạt động kinh tế phải mất một thời gian mới có thể phục hồi, nhu cầu của thế giới chưa thể tăng trở lại. Khủng hoảng nợ có thể xuất hiện sau đại dịch Covid-19, gây tác động còn lớn hơn với một số nền kinh tế, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu.
Mức tăng trưởng đạt 5,8% trong năm 2021 nếu có chỉ là sự phục hồi một phần tác động của dịch bệnh, vì vậy, ngay cả vào cuối năm sau, quy mô kinh tế vẫn thấp hơn giai đoạn trước đại dịch.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath
Báo cáo gần đây của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo "một cuộc khủng hoảng nợ có thể đang tiến gần". "Các chính phủ hiện đang tăng chi tài khóa để chống lại đại dịch, duy trì cấu trúc kinh tế cơ bản và giữ lại việc làm cho người lao động. Hậu quả là thâm hụt tài khóa sẽ tăng đáng kể trong những năm tới" - báo cáo nêu rõ.
Theo Agathe Demarais - Giám đốc Dự báo Toàn cầu tại EIU, trong ngắn hạn, nhiều nền kinh tế phát triển có thể bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng nợ trong bối cảnh nhiều nước châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, như Tây Ban Nha và Italia, vốn có tài khóa yếu.
Bên cạnh nguy cơ khủng hoảng nợ, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm nay "rất có khả năng chịu khủng hoảng tài chính tệ nhất kể từ đại suy thoái, khi chính phủ các nước gia hạn phong tỏa ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, một nửa thế giới đã đề nghị IMF cứu trợ, cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Theo cảnh báo của EIU, trước sức ép chưa từng có hiện tại và chưa thể khẳng định đến khi nào dịch bệnh mới kết thúc, lựa chọn của các nước để thoát cuộc khủng hoảng nợ sau “cơn bão” Covid-19 ngày càng trở nên mong manh. Trước đây, chính sách “thắt lưng buộc bụng” thường được sử dụng để kiềm chế tình trạng thâm hụt tài khóa tăng cao.
Tuy nhiên, trong trường hợp hồi phục hậu khủng hoảng Covid-19, biện pháp này là không khả thi. Các chuyên gia cho rằng, khi không tìm được giải pháp mang tính thực tế nào để ngăn cuộc khủng hoảng nợ công, cú sốc này có thể tiếp tục giáng đòn lên các nền kinh tế.
Mong manh cơ hội phục hồi trong năm 2021
Giới chuyên gia nhận định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch có thể sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, người tiêu dùng có thể sẽ hạn chế chi tiêu do tâm lý vẫn bị ảnh hưởng bởi cú sốc từ đại dịch Covid-19 vào niềm tin, thu nhập và việc làm. Song, chi tiêu của chính phủ, đầu tư kinh doanh, chứng khoán và xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng chính cho đến khi niềm tin của người tiêu dùng phục hồi.
Theo ông Philippe Waechter - nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Ostrum Asset Management, sự suy thoái lần này nhiều khả năng sẽ kéo dài lâu hơn so với một số dự kiến mới đây, khi không có khu vực nào trên thế giới có thể thoát khỏi dịch bệnh mà không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhà phân tích Edward Moya tại Công ty giao dịch ngoại hối trực tuyến OANDA cho rằng, khi cân nhắc đến tốc độ sự phục hồi của Trung Quốc đang trở nên chậm hơn, thật khó để tin tưởng rằng các nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ phục hồi nhanh chóng.
Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo đến cuối năm 2021, kinh tế toàn cầu, nếu có mức tăng trưởng 5,8%, vẫn chưa đạt được quy mô trước khi dịch bệnh bùng phát. Gita Gopinath - kinh tế trưởng của IMF đánh giá, kể cả đến cuối năm 2021, kinh tế toàn cầu có thể không phục hồi hoàn toàn được.
Trước đó, trong "Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020", IMF dự báo nếu đại dịch kéo dài sang quý III, kinh tế thế giới có thể giảm thêm 3% cho năm 2020 và khả năng phục hồi vào năm 2021 cũng chậm hơn, do ảnh hưởng từ phá sản và thất nghiệp kéo dài. Trường hợp có một đợt bùng phát thứ hai vào năm 2021, kinh tế toàn cầu có thể giảm 5 - 8% trong dự báo cơ sở, khiến thế giới suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp.
Đánh giá lạc quan hơn về đà phục hồi của kinh tế thế giới, ông Tom Rafferty - chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của EIU cho biết: “Trong năm 2021, cung và cầu toàn cầu sẽ trở lại bình thường với điều kiện tiên quyết là đại dịch Covid-19 phải được đẩy lùi, chính phủ các nước phải đưa ra các chính sách giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế”.
Rõ ràng, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn là yếu tố then chốt tác động đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Do chưa thể khẳng định khi nào đại dịch kết thúc, các nước cần có sự chuẩn bị tốt để có thể nhanh chóng phục hồi khi các lệnh phong tỏa, biện pháp cách ly xã hội được dỡ bỏ.
Điều quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, là các quốc gia cần có sự thống nhất và phối hợp hành động, không chỉ trong kiểm soát dịch bệnh mà cả các biện pháp khôi phục kinh tế - thương mại hậu đại dịch Covid-19.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kinh-te-toan-cau-suy-thoai-vi-covid-19-382766.html