Kinh tế TP.HCM quý 1/2023 tăng trưởng thấp

Tình hình kinh tế xã hội TP.HCM quý 1/2023 diễn ra trong bối cảnh phải đương đầu với khó khăn nhiều hơn thuận lợi do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu…

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi và đạt mức thấp 0,7%.

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi và đạt mức thấp 0,7%.

Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM quý 1/2023 với nhiều chỉ số tăng trưởng khá khiêm tốn, báo hiệu một quý 2 sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn mà nền kinh tế tiếp tục trải qua.

TĂNG TRƯỞNG GRDP THẤP, NHIỀU DỊCH VỤ TRỌNG YẾU TĂNG TRƯỞNG ÂM

Về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên địa bàn Thành phố, toàn quý 1/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 thì đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ.

Cụ thể như sau: Khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% với công nghiệp giảm 0,85% và xây dựng giảm 19,80%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; lĩnh vực thuế sản phẩm tăng 1,14%.

Trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố, có 4 ngành có mức tăng âm, bao gồm: Vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,20%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Năm ngành dịch vụ trọng yếu còn lại đạt mức tăng trưởng khá, gồm: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%; riêng dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất là 24,34% so với cùng kỳ năm 2022.

Chín ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 60,4% trong GRDP của Thành phố, chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong mức tăng trưởng chung 0,7% của nền kinh tế, thì khu vực nông lâm thủy sản đóng góp 0,01 điểm phần trăm (tương đương 1,4%); khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,79 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ đóng góp 1,33 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 0,15 điểm phần trăm.

Nhận định về những khó khăn này, Cục Thống kê TP.HCM cho rằng là do triển vọng kinh tế thế giới đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa hoàn toàn với thế giới trong tình hình đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành tại đất nước 1,4 tỷ dân này.

Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế khiến tâm lý doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng được cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm trở lại; tuy nhiên, trong ngắn hạn sự cải thiện này vẫn còn mong manh.

Dẫn báo cáo mới nhất có tiêu đề “Sự phục hồi mong manh” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cục Thống kê TP.HCM cho biết OECD kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2023, tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức 2,2% trong dự báo trước đó được công bố vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, con số dự báo trên vẫn thấp hơn mức tăng 3,2% ghi nhận vào năm 2022.

Còn theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu tháng 01/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định, rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ đạt 1,7% vào năm 2023. Con số này thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, điều kiện tài chính xấu đi và gián đoạn nguồn cung do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Những yếu tố nói trên đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế TP.HCM nói riêng. Cụ thể, trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, giãn thuế của các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu…

CÔNG NGHIỆP CÓ KHỞI SẮC NHỮNG VẪN GIẢM

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2023 của TP.HCM có khởi sắc hơn so với hai tháng đầu năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2023 ước tính tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 2,3% so cùng kỳ 2022. Cụ thể như sau:

Công nghiệp khai khoáng tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 25,3% so cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Tính chung cả quý I/2023, IIP trên địa bàn TP.HCM giảm 0,9% so với cùng kỳ. Bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.

Trong 30 ngành công nghiệp cấp II của Thành phố, có 15 ngành có mức tăng so với cùng kỳ quý I/2022. Trong số đó có một số ngành tăng mạnh, như: Sản xuất đồ uống tăng 53,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 46,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 20,5%.

Ngược lại cũng có một số ngành giảm mạnh, như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác đạt (-25,3%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đạt (-22,1%); sản xuất trang phục đạt (-21,9%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm (-20,4%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm (-19,4%)...

Riêng đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, IIP trong ba tháng đầu năm 2023 tăng 8,2% so với cùng kỳ. Bao gồm: Ngành hóa dược tăng 22,9%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 18,5%, ngành cơ khí giảm 6,5%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 14,4%.

Chỉ số IIP của TP.HCM trong quý 1/2023. Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Chỉ số IIP của TP.HCM trong quý 1/2023. Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Đối với ba ngành công nghiệp truyền thống là dệt, da và may, IIP quý 1/2023 giảm 18,1%. Cụ thể: ngành dệt giảm 2,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,4%; sản xuất trang phục giảm 21,9%.

Đi cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Cụ thể, trong tháng ba năm 2023 ước tính tăng 4,0% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao, như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 75,4%; sản xuất trang phục tăng 40,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 37,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 37,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 33,9%. Một số ngành có mức tồn kho giảm mạnh như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 56,8%; sản xuất kim loại giảm 40,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 32,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 32,6%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy khi đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2023 so với quý 4/2022, có 18,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, 36,1% giữ ổn định và 45,3% khó khăn hơn.

Dự báo tình hình quý II/2023 so với quý I/2023, có 37,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn; 36,3% đánh giá giữ ổn định và 26,3% cho rằng sẽ khó khăn hơn.

Xuân Thái

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-tp-hcm-quy-1-2023-tang-truong-thap.htm