Kinh tế tri thức trong chăn nuôi
Kinh tế tri thức là cụm từ xuất hiện vào những năm 1960 ở châu Âu, nhưng đến nay vẫn khá xa lạ ở nước ta, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, trong chăn nuôi với nhiều đặc tính truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế tại Lào Cai đã có một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn sử dụng cán bộ có trình độ chuyên môn cao vào các khâu quan trọng và coi đó là yếu tố quyết định tới sự thành - bại của mô hình sản xuất.
Kỹ sư Trần Công Hoàng, 32 tuổi, quê ở tỉnh Hưng Yên từng tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành chăn nuôi thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi ra trường, anh từ chối cơ hội làm việc ở một cơ quan nhà nước tại quê nhà mà tìm việc tại một công ty chuyên phân phối thức ăn chăn nuôi có trụ sở chính ở Hà Nội. Năm 2017, anh Hoàng được công ty điều động lên hỗ trợ khách hàng là Công ty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng Hùng Dũng (Công ty Hùng Dũng) có địa chỉ tại thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, khi đó doanh nghiệp này đang tập trung mở rộng mô hình nuôi lợn thảo dược và phát triển đàn lợn nái hàng trăm con.
Với vốn kiến thức nền và kinh nghiệm thu được sau những năm làm việc tại doanh nghiệp, anh Hoàng đã hỗ trợ Công ty Hùng Dũng xây dựng thành công mô hình sản xuất, trong đó sự chuyên nghiệp và khác biệt thể hiện trên các khâu như kiến thiết chung cho trang trại, hình thành hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, đặc biệt là áp dụng quy trình phòng bệnh nghiêm ngặt đối với vật nuôi.
Tôi còn nhớ khi hỏi về thu nhập của kỹ sư Hoàng, anh phải trả lời đến lần thứ 3 tôi mới tin là mình không nghe lầm, đó là mức lương 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, doanh nghiệp phân phối cám cho mô hình chi 15 triệu đồng, phần còn lại Công ty Hùng Dũng chi trả trực tiếp.
Anh Thêm, 28 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình, kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi được đào tạo bài bản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cách đây hơn 1 năm, qua giới thiệu của người bạn đồng môn, anh lên đầu quân cho dự án phát triển nông - lâm nghiệp tập trung của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức hoạt động tại xã Lương Sơn và xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Nhiệm vụ hàng ngày của anh Thêm là hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn dê lai mấy trăm con nuôi nhốt tại khu trại dự án. Anh còn kiêm nhiệm phụ trách chuyên môn trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, vệ sinh khu chăn nuôi. Do dự án mới hình thành nên bước đầu anh đang hưởng mức lương 12 triệu đồng/tháng và được ưu tiên một suất hợp đồng lao động thủ công cho vợ của anh từ Thái Bình lên Lào Cai theo chồng.
Ông Lê Mạnh Quý, Giám đốc Hợp tác xã Quý Hiền, cơ sở chăn nuôi lớn nhất huyện Bảo Thắng và cũng lớn nhất tỉnh hiện nay cho biết, HTX đang ký hợp đồng lao động với 2 kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi, 1 kỹ sư chuyên ngành thú y, họ đều còn trẻ và đến từ các tỉnh miền xuôi. Mức thù lao hằng tháng mà HTX đang trả cho họ là từ 20 đến 25 triệu đồng - con số lý tưởng đối với nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp, ra trường tìm việc làm.
HTX Quý Hiền đang có hơn 600 đầu lợn nái, trong đó nhiều nái nhập ngoại nguyên bản F1, mỗi năm cơ sở xuất chuồng 12 đến 14 nghìn lợn giống. Hầu hết con giống làm ra được cung ứng cho các trại nuôi lợn thịt của HTX Quý Hiền và các cơ sở chăn nuôi liên kết. Với mô hình chuỗi sản xuất, chăn nuôi khép kín, doanh thu trong năm 2019 và năm 2020 của HTX Quý Hiền ước chừng đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Giám đốc Lê Mạnh Quý cho biết, trước đây HTX nuôi lợn, gà bằng kinh nghiệm, kỹ thuật tự học hỏi, giờ đây chăn nuôi công nghệ cao, trên quy mô lớn nên rất cần các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, đặc biệt là khâu phòng dịch bệnh. Ngược lại, để hưởng mức lương cao cũng đồng nghĩa với việc các kỹ sư phải chấp nhận điều kiện lao động khắt khe là ở lại khu trang trại chăn nuôi được cách ly tuyệt đối với bên ngoài. Thay phiên nhau, mỗi quý, các kỹ sư được về thăm gia đình 1 lần trong vài ngày rồi trở lại “ở ẩn” tại trang trại. Mỗi lần trở lại trang trại, họ đều phải trải qua nhiều vòng vô trùng, khử khuẩn và cách ly 1 ngày tại phòng đặc biệt để đảm bảo trên cơ thể sạch hoàn toàn nguồn bệnh (nếu có). “Đàn lợn trong chuồng thường xuyên có giá trị hàng chục tỷ đồng, nếu không đảm bảo phòng dịch bệnh tuyệt đối thì chúng tôi có thể bị phá sản trong chớp mắt”, ông Quý nói.
Lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn cao là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là với chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Về lô-gic, chỉ lao động chuyên môn cao mới tạo ra khối lượng của cải vật chất, sản phẩm có chất lượng, giá trị cao và nguồn nhân lực này còn được gọi là “kinh tế tri thức”. Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, toàn huyện hiện có 420 trang trại được công nhận, trong đó có 409 trang trại chăn nuôi (chiếm 97,8%). Thời gian qua, nhiều trang trại chăn nuôi tại Bảo Thắng tiếp tục có sự lớn mạnh về quy mô sản xuất, tính chất vận hành hiện đại ở tất cả các khâu nhờ các bản hợp đồng lao động với đội ngũ kỹ sư, cán bộ giỏi. Thực tế chứng minh rõ nhất là trong đợt dịch tả lợn châu Phi thời gian qua gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa bàn, hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nhưng với các trang trại lớn, chuyên nghiệp tại huyện Bảo Thắng vẫn “bình yên vô sự” nhờ khâu kiểm soát chất lượng, phòng dịch tốt.
Ông Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu trong thời gian tới đối với các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên đến nay, số trang trại sử dụng kinh tế tri thức chưa nhiều, chủ yếu vì hiếm mô hình sản xuất lớn, chăn nuôi bấp bênh, thiếu bền vững do giá thị trường không ổn định.
Đây là vấn đề đặt ra không chỉ với ngành nông nghiệp, các địa phương trọng điểm chăn nuôi, mà còn tác động lớn tới chính sách phát triển ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng trên địa bàn trong những năm tới.