Kinh tế Trung Quốc: Quý 1 tăng trưởng nhưng tương lai ảm đạm
Tăng trưởng quý đầu tiên của Trung Quốc vượt mong đợi, nhưng những trở ngại do làn sóng COVID-19 đang diễn ra đã làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.
Tăng trưởng quý đầu tiên của Trung Quốc vượt mong đợi, nhưng những trở ngại do làn sóng COVID-19 đang diễn ra đã làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế. Theo tờ South China Morning Post, những câu hỏi được đặt ra ở hiện tại là liệu Bắc Kinh có hành động thêm nữa để đối phó những trở ngại này hay không.
Khó khăn đến gần
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2022 đã tăng 4,8% so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng 4% được ghi nhận ở quý trước và hoàn toàn trái ngược với viễn cảnh đầu năm 2020, khi nền kinh tế nước này suy giảm 6,8%.
Tuy vậy, trong quý 1, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư đều tuột dốc khiến các doanh nghiệp và cư dân ở thành phố Thượng Hải, nơi đã bị phong tỏa kể từ cuối tháng 3, yêu cầu chính quyền hành động.
Nhiều thành phố khác của Trung Quốc cũng đang căng thẳng với “chiến lược zero-COVID-19 không khoan nhượng” của Trung Quốc. Các nhà phân tích đã chỉ ra những áp lực khiến nền kinh tế suy giảm, bao gồm tỉ lệ thất nghiệp tăng, dòng vốn ra ngày càng tăng, giá sản xuất và tiêu dùng cao hơn.
"GDP trong quý đầu tiên không phản ánh đầy đủ các tác động của việc phong tỏa. Những tác động tiêu cực sẽ đến trong quý 2" - bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING (Hà Lan), cho biết.
Doanh số bán lẻ đã giảm 3,5% trong tháng 3 so với mức tăng 6,7% trong tổng doanh số của tháng 1 và tháng 2. Doanh thu của lĩnh vực ăn uống tại chổ giảm 16,4% trong tháng trước, trong khi đó, doanh số bán ô tô giảm 7,5%, doanh số hàng may mặc giảm 12,7% và doanh số trang sức giảm 17,9%.
Đầu tư vào tài sản cố định, một công cụ được sử dụng thường xuyên để thúc đẩy tăng trưởng, đã tăng 9,3% trong 3 tháng đầu năm, chậm lại so với mức tăng 12,2% trong tháng 1 và tháng 2. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng đầu tư bất động sản của nước này đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đã tạo ra 2,85 triệu việc làm mới ở các thành thị trong quý đầu tiên, nhưng tỉ lệ thất nghiệp quốc gia lại cao nhất trong 22 tháng qua, ở mức 5,8% vào tháng 3, trong khi chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp hàng năm dưới mức 5,5%. Theo đó, tỉ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn đã tăng lên 6%, mức cao nhất kể từ năm 2018, trong khi con số này ở những người từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên 16% vào tháng 3 năm nay.
Theo SCMP, nhập khẩu trong tháng 3 cũng giảm 0,1% so với một năm trước đó do nhu cầu trong nước yếu hơn, vận chuyển bị gián đoạn và do các chính sách kiểm soát dịch bệnh ở các nước khác. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng xuất khẩu, đóng góp 20% tổng tăng trưởng kinh tế năm ngoái, cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong những tháng tới.
“Việc phong tỏa các thành phố lớn như Thượng Hải rất tốn kém. Chi phí sẽ lộ rõ trong những tháng tới - ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint (Trung Quốc), cho biết.
Trung Quốc cũng đang theo dõi dòng vốn chảy ra ngoài trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và giá hàng hóa leo thang dưới tác động của cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine.
Đại diện NBS Fu Linghui cho biết: “Xung đột địa chính trị đã dẫn đến việc áp đặt và chống áp đặt các biện pháp trừng phạt. Chúng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí vận chuyển và giao dịch hàng hóa, cũng như tăng áp lực lên giá”.
Bao giờ chính phủ hành động?
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% cho năm nay, nhưng sự gián đoạn do COVID-19 gây ra có thể kéo dài trong nhiều tuần và ảnh hưởng đến hoạt động trong tháng 4 và tháng 5. Dự kiến chính phủ nước này sẽ ban hành một chính sách mới mạnh mẽ hơn trong quý 2.
Theo ông Tommy Wu - nhà kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics, hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế sẽ phụ thuộc vào liệu các hoạt động di chuyển có tiếp tục bị hạn chế trên quy mô rộng hay không. Nhìn chung, triển vọng kinh tế nước này vẫn nghiêng về hướng suy giảm.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống 5% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 5,4%.
Tuy nhiên, bà Pang cảnh báo rằng sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ không đủ để bù đắp hoàn toàn thiệt hại từ việc phong tỏa, điều này có thể buộc WB phải tiếp tục hạ mức ước tính tăng trưởng xuống còn 4,6%.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã triệu tập một số cuộc họp với các chuyên gia, doanh nhân và cán bộ địa phương vào tháng 4, nêu rõ những khó khăn kinh tế tồi tệ hơn dự kiến.
Theo hai chuyên gia kinh tế Yao Wei và Michelle của công ty tài chính Societe Generale (Pháp), Bắc Kinh hiện vẫn duy trì phong tỏa trong bối cảnh kinh tế trong nước đang gặp khó khăn. Hai chuyên gia bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách chống dịch không khoan nhượng trong những tuần tới, cho phép các công ty Thượng Hải tiếp tục hoạt động sản xuất, nhằm cứu chuỗi cung ứng của mình.
Hôm 15-5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thông báo về việc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, mức cắt giảm được cho là nhỏ hơn dự kiến và không nâng cao được tâm lý thị trường.
Theo ông Larry Hu - chuyên gia kinh tế tại tập đoàn tài chính Macquarie Capital (Úc), rất có thể đến tháng 7 Bắc Kinh mới thúc đẩy các gói kích thích kinh tế, nếu thấy cần thiết.