Kinh tế Trung Quốc suy yếu tác động ra sao tới Việt Nam?
Sự tái cấu trúc nền kinh tế tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tạo ra sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng và giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tăng trưởng và thu hút dòng vốn FDI.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại, bao gồm tiêu dùng suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng.
Theo đó, sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc được dự báo sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, từ đó gây áp lực đối với hoạt động thương mại và sản xuất của Việt Nam.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng sẽ tác động tiêu cực đến một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ quốc gia này.
Mặc dù có nhiều lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng Mirae Asset cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn là tăng trưởng dương và chính sách tiền tệ tiếp tục được điều tiết theo hướng hỗ trợ.
Về mặt tích cực, Mirae Asset nhận thấy tác động của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam, mặc dù vẫn rất đáng kể, nhưng đang giảm đi.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 18% so với cùng kỳ trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong nước chậm lại.
Đối với dòng vốn FDI, Mirae Asset cho rằng để quản trị rủi ro từ việc chuyển đổi cấu trúc, rủi ro địa chính trị, cũng như sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, các nhà sản xuất sẽ có động lực tìm kiếm thị trường mới để đặt nhà máy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược 'Trung Quốc+1'.
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc phần nào làm giảm rủi ro lạm phát trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch nền kinh tế của Trung Quốc sẽ làm xáo trộn chuỗi giá trị và cung ứng trên toàn cầu, bên cạnh các yếu tố về cấu trúc và rủi ro địa chính trị sẽ là động cơ để các nhà sản xuất tìm kiếm các thị trường mới để đặt nhà máy sản xuất, trong đó có Việt Nam.
Theo KBSV, việc tập trung vào ngành công nghệ cao sẽ khiến các lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghiệp nặng dần bị thu hẹp. Đây là điều kiện cho Việt Nam có thể mở rộng và tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu với nhóm đối tượng này là tương đối lớn./.